Kết thúc APEC CEO: Hai xu hướng phát triển kinh tế

(ĐTTCO)-Ngày 10-11, ngày cuối cùng của Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp Diễn đàn kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC CEO) đã thực sự nóng với hai bài phát biểu của Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
 
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump phát biểu tại APEC CEO Summit chiều 10-11 -2017 ngay sau khi đến Đà Nẵng
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump phát biểu tại APEC CEO Summit chiều 10-11 -2017 ngay sau khi đến Đà Nẵng
Tổng thống Donald Trump với chính sách “Nước Mỹ trước hết” đã thể hiện rõ quan điểm này qua bài phát biểu, trong khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã kêu gọi thúc đẩy tự do hóa thương mại, toàn cầu hóa.
Đặt nước Mỹ lên phía trước
Mở đầu bài phát biểu, Tổng thống Donald Trump đã bày tỏ sự chia sẻ đối với những nạn nhân của cơn bão Damrey quét qua miền Trung trong những ngày qua. Sau khi nêu những thông tin liên quan đến kinh tế Mỹ, Tổng thống Donald Trump cho biết ông vui mừng nhận thấy những thành tựu mà khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nơi Mỹ luôn coi là “người bạn lâu đời”, đạt được trong thời gian qua.
Theo ông Donald Trump, các nền kinh tế thành viên trong khu vực đã trải qua nhiều giai đoạn chuyển đổi và chắc chắn hiểu rằng phải bảo vệ, tìm kiếm các mối quan hệ đối tác hướng đến mục tiêu cùng có lợi.
Sau nhiều năm Mỹ mở cửa nền kinh tế, giảm hàng rào thuế quan, cho hàng hóa các nước thâm nhập thị trường nhưng không nhận được kết quả tương tự. Các nước sẽ không đạt được thị trường mở nếu không có cách tiếp cận cân bằng.
Cái mà Tổng thống Donald Trump gọi là cách tiếp cận không cân bằng đó đã khiến “các nhà máy, cơ hội việc làm biến mất khỏi nước Mỹ” và Mỹ “không thể chịu đựng được sự bất công này”. “Tôi sẽ luôn đặt nước Mỹ lên phía trước. Nước Mỹ sẵn sàng đối thoại song phương. Những người chơi đúng luật thì sẽ là đối tác của chúng tôi”, Tổng thống Donald Trump tuyên bố.
Tổng thống Donald Trump cũng cho rằng những thách thức về an ninh trong khu vực như căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, khủng bố, cực đoan, tham nhũng... cần phải được đẩy lùi để duy trì sự ổn định của khu vực; khẳng định tôn trọng tự do về hàng hải và hàng không để đảm bảo hòa bình trong khu vực.
“Di sản quý giá nhất để lại cho các thế hệ là độc lập tự do...Việt Nam hiểu rõ điều này khi từ thời Hai Bà Trưng, tinh thần trên đã được thúc đẩy. Hãy cùng chọn một khu vực Thái Bình Dương vì tự do và thịnh vượng”, Tổng thống Donald Trump nói.
Cùng nhau thúc đẩy nền kinh tế mở
Trong bài phát biểu của mình, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho rằng, nhiều năm qua, khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói riêng và thế giới nói chung đã và đang tăng cường hội nhập kinh tế, kết nối lợi ích và đem lại nhiều thành tựu.
Kết thúc APEC CEO: Hai xu hướng phát triển kinh tế ảnh 1 Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Hội Nghị Thượng đỉnh doanh nghiêp APEC 
Tuy nhiên, kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 10 năm trước đến nay, thế giới đã có nhiều thay đổi đòi hỏi các quốc gia phải cải cách để thích ứng và phát triển. Sự phát triển của công nghệ, đã tạo ra thêm những dạng thức thương mại mới, động lực mới để phát triển.
Vì vậy, toàn cầu hóa đang phải đối mặt với những điều chỉnh mới, làm sao để quá trình này phải mở hơn, bao trùm. Các quốc gia phải cùng theo đuổi phát triển chung, tiếp tục thúc đẩy nền kinh tế mở, đem lại lợi ích cho mọi người.
“Nói là phải làm, Trung Quốc tin rằng tăng cường phát triển châu Á - Thái Bình Dương đòi hỏi phải hành động thực sự”, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói.
Trung Quốc cam kết đẩy nhanh mở cửa nền kinh tế, hợp tác với các nước, tham gia đàm phán các hiệp định thương mại đa phương như Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)...
Trung Quốc mong muốn cùng tất cả các quốc gia xây dựng một thế giới thịnh vượng chung; coi trọng hòa bình, cam kết xây dựng hòa bình trong khu vực trên nguyên tắc công bằng bình đẳng cùng có lợi. “Chỉ có dựa trên sự tin tưởng lẫn nhau, hợp tác mới có thể cùng nhau xây dựng tương lai tốt đẹp hơn”, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh.
Trong 3 phiên thảo luận tại APEC CEO, phiên đầu tiên, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern khẳng định Phát triển bền vững đồng nghĩa với việc giải quyết vấn đề về biến đổi khí hậu. Về phía doanh nghiệp, các diễn giả là ông Mark Konyn, Giám đốc đầu tư của Tập đoàn AIA; ông Robert S.Franklin, Chủ tịch Công ty tiếp thị năng lượng và khí đốt ExxonMobil; bà Thái Hương, Chủ tịch Tập đoàn TH Truemilk đều có đồng quan điểm doanh nghiệp phải có trách nhiệm với cộng đồng, sử dụng các công nghệ phục vụ cho phát triển xanh, nông nghiệp xanh để bảo vệ môi trường... 
Tại phiên thứ 2, Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull cho rằng công nghệ đang trở nên quan trọng trong xã hội hiện đại ngày nay khi công nghệ hỗ trợ rất lớn cho sự phát triển kinh tế cũng như kết nối khoảng cách giữa các nhóm người sử dụng. Với câu hỏi làm sao để công nghệ tạo ra công ăn việc làm, Giám đốc vận hành Facebook Sheryl Sandberg đã lấy ví dụ về một công ty ở Singapore mang việc làm đến cho những người tàn tật với khởi đầu kết nối từ những con người không hề biết nhau ở nhiều quốc gia thông qua Facebook. 
Tại phiên thứ 3, Thủ tướng nước chủ nhà của APEC 2018 Papua New Guinea Peter O’Neill cho biết, Papua New Guinea tiếp tục chú trọng thực hiện mục tiêu Bogor để cộng đồng APEC được phát triển công bằng hơn, bao trùm hơn. 

Các tin khác