Kết quả thực hiện cánh đồng mẫu lớn

LTS: Báo ĐTTC số trước đã đăng bài “Mô hình mới trong nông nghiệp - Thách thức nền sản xuất hiện đại, cạnh tranh” ghi nhận các ý kiến đóng góp tại Hội thảo “Mô hình tổ chức sản xuất, quản lý mới trong nông nghiệp, nông thôn” tại TP Cần Thơ. Thực tế hiện nay, tại nông thôn nước ta đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất mới mang lại lợi nhuận bền vững cho nông dân. ĐTTC trích đăng ý kiến của ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch HĐQT CTCP Bảo vệ thực vật An Giang (AGPPS), về việc thực hiện mô hình cánh đồng mẫu lớn trong thời gian qua tại ĐBSCL.

LTS: Báo ĐTTC số trước đã đăng bài “Mô hình mới trong nông nghiệp - Thách thức nền sản xuất hiện đại, cạnh tranh” ghi nhận các ý kiến đóng góp tại Hội thảo “Mô hình tổ chức sản xuất, quản lý mới trong nông nghiệp, nông thôn” tại TP Cần Thơ. Thực tế hiện nay, tại nông thôn nước ta đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất mới mang lại lợi nhuận bền vững cho nông dân. ĐTTC trích đăng ý kiến của ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch HĐQT CTCP Bảo vệ thực vật An Giang (AGPPS), về việc thực hiện mô hình cánh đồng mẫu lớn trong thời gian qua tại ĐBSCL.

Khó khăn bủa vây

Ẩn số cho bài toán “nông dân an tâm trồng lúa, trồng lúa có hiệu quả” và “chất lượng, thương hiệu cho hạt gạo Việt Nam” ở đâu: giống lúa, hay cách đầu tư, tổ chức sản xuất, hay chi phí sản xuất, đầu ra cho hạt lúa? Theo thông tin sản xuất nông nghiệp thu nhập được trên cả nước từ chương trình “Cùng nông dân ra đồng” của AGPPS, hiện nay đa số nông dân sản xuất, tiêu thụ lúa gạo gặp các thách thức như sau:

Đến nay, nước ta vẫn chưa có những nghiên cứu thích đáng để xác định nhu cầu thị trường và chưa có điều kiện để xây dựng thương hiệu lúa gạo Việt Nam trên thế giới do không thể bảo đảm và ổn định chất lượng lúa gạo theo tiêu chuẩn cao. Việc sử dụng giống nhà (giữ lại khi thu hoạch vụ trước) mà không dùng giống xác nhận là một yếu tố rất quan trọng, ảnh hưởng đến chất lượng, độ thuần của gạo.

Hiện trạng sở hữu đất canh tác khá manh mún đã kéo theo quy mô sản xuất nhỏ và giá trị gia tăng thấp nên nông dân không có tích lũy. Vì vậy, vốn đầu tư vật tư nông nghiệp (giống, phân, thuốc bảo vệ thực vật) phục vụ sản xuất là nỗi lo của người nông dân. Rất ít nông dân sử dụng vốn tự có mà đa phần vay, mượn, mua nợ vật tư. Tổ chức sản xuất với quy mô nhỏ, manh mún, không tập trung như vậy làm gia tăng chi phí và không có điều kiện cơ giới hóa. Cũng xuất phát từ nguyên nhân trên, công tác thu hoạch và bảo quản sau thu hoạch còn nhiều bất cập, dẫn đến tỷ lệ thất thoát cao và không bảo đảm chất lượng.

Thế yếu của người nông dân là không có kho bãi để có thể sấy lúa, trữ lúa. Đa số thu hoạch xong là bán ngay, nhưng thực tế nhiều năm qua cho thấy không phải nông dân muốn bán lúa và bán với giá đảm bảo có lợi nhuận là bán được ngay. Có nhiều thời điểm phải bán với giá huề vốn hoặc lỗ để có tiền trang trải các chi phí sản xuất và đảm bảo cuộc sống hàng ngày. Thị trường tiêu thụ lúa qua nhiều tầng nấc trung gian do đó khi giá lên các tầng nấc trung gian được hưởng lợi, còn khi giá xuống người nông dân phải gánh chịu. Người nông dân luôn phải bán lúa ở thế thụ động.

AGPPS và cánh đồng lớn

Việt Nam là nước nông nghiệp, sản lượng lúa thu hoạch hàng năm khoảng 38-40 triệu tấn, trong đó hơn 60% tập trung ở ĐBSCL, hiện là nước xuất khẩu gạo thứ 2 trên thế giới. Thế nhưng trong nhiều năm qua, nông dân trồng lúa lại không an tâm do đầu ra của hạt lúa bấp bênh.

AGPPS được thành lập từ năm 1993, sau gần 20 năm hoạt động trong các lĩnh vực: giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, chuyển giao kỹ thuật, quy trình canh tác, AGPPS đã mang đến cho người nông dân một giải pháp cây trồng khép kín để góp phần giúp nông dân có những vụ mùa bội thu (tăng năng suất, giảm chi phí đầu tư). Cuối năm 2012, AGPPS đã đưa vào hoạt động Trung tâm nghiên cứu nông nghiệp Định Thành (DT ARC).

Trung tâm có chức năng nghiên cứu ứng dụng các loại giống lúa, rau màu, bắp; nghiên cứu, lai tạo, phục tráng giống lúa; nghiên cứu về đất, nước; nghiên cứu các quy trình, giải pháp canh tác lúa cho từng loại giống, thổ nhưỡng.

Ngoài ra, trung tâm cũng là nơi các nhà khoa học trong và ngoài nước gặp gỡ, trao đổi kiến thức, kinh nghiệm, tổ chức chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật đến cho cán bộ nông nghiệp, người nông dân. AGPPS hiện có 1.017 cán bộ "3 cùng" thực hiện chuyển giao kỹ thuật canh tác đến nông dân tại đồng ruộng. Kế hoạch đến năm 2020 sẽ phát triển lực lượng này lên 4.000 cán bộ 3 cùng.

Để giúp nông dân an tâm hơn trong quá trình sản xuất, giảm bớt nỗi lo về đầu ra cho hạt lúa và với triết lý kinh doanh “Góp phần chăm lo lợi ích cho xã hội ngày hôm nay chính là vì sự phát triển của công ty trong tương lai”, AGPPS đã thực hiện chiến lược tham gia toàn bộ chuỗi giá trị, sản phẩm, dịch vụ trong lĩnh vực nông nghiệp với mục tiêu nâng cao giá trị hạt gạo và nghề trồng lúa; nâng cao thu nhập và đời sống của nông dân; giảm bớt cơ cực, rủi ro và độc hại cho nông dân; góp phần thay đổi vị thế của nông dân.

Với việc tổ chức vùng nguyên liệu được kiểm soát từ giống đến chế biến nên gạo của AGPPS luôn có chất lượng cao, ổn định, độ thuần chủng cao (tối thiểu 90%), nên chủ động được việc cung cấp sản phẩm theo đơn đặt hàng của khách hàng. Gạo của AGPPS được tiêu thụ nội địa với tên thương hiệu “Hạt Ngọc Trời” được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng, không đấu trộn với bất kỳ loại gạo nào khác.

Ngoài ra, còn có gạo Vibigaba được sản xuất từ gạo mầm nguyên phôi, rất tốt cho người bị bệnh tiểu đường, ăn kiêng và huyết áp cao. Do tổ chức sản xuất theo phương thức hiện đại, gạo của AGPPS đã xuất khẩu được vào các thị trường cao cấp trên thế giới như Hoa Kỳ, Australia, New Zealand, Trung Đông, châu Á... Đặc biệt do vượt qua 593 chỉ tiêu về chất lượng và dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, sản phẩm công ty đã vào được thị trường Nhật Bản, là thị trường khó tính nhất trên thế giới.

Các tin khác