Kết quả bước đầu triển khai Nghị quyết 01 và 02

Bộ Tài chính vừa có báo cáo về tình hình triển khai thực hiện các Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết số 02/NQ-CP trong lĩnh vực tài chính-ngân sách Nhà nước.

Bộ Tài chính vừa có báo cáo về tình hình triển khai thực hiện các Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết số 02/NQ-CP trong lĩnh vực tài chính-ngân sách Nhà nước. 

Đánh giá chung kết quả triển khai thực hiện 5 tháng đầu năm, Bộ Tài chính cho biết, sau 5 tháng triển khai thực hiện Nghị quyết 01 của Chính phủ trong lĩnh vực tài chính-ngân sách Nhà nước (NSNN), Bộ Tài chính đã thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, triệt để tiết kiệm.

Chi ngân sách đảm bảo theo dự toán

Bộ Tài chính đã chủ động phát hành trái phiếu Chính phủ bù đắp bội chi NSNN và cho đầu tư phát triển phù hợp yêu cầu điều hành và với tình hình thị trường. Ước tính đến hết tháng 5/2013 đã tổ chức huy động được trên 104,3 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, đạt 53,5% nhiệm vụ huy động vốn cả năm 2013. Cùng với xu hướng điều chỉnh giảm lãi suất tín dụng của hệ thống ngân hàng, lãi suất trái phiếu Chính phủ cũng được điều chỉnh giảm dần.

Trong điều kiện số thu ngân sách đạt thấp, song nhờ chủ động trong tổ chức điều hành NSNN và triển khai quyết liệt công tác huy động vốn, nên các nhiệm vụ chi ngân sách vẫn được đảm bảo theo dự toán và tiến độ triển khai của các chủ đầu tư, đơn vị sử dụng ngân sách, đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, hoạt động của bộ máy Nhà nước và xử lý kịp thời các nhu cầu bảo đảm an sinh xã hội.

Bình ổn giá cả, thị trường

Về tăng cường kiểm soát giá cả, thị trường, Bộ Tài chính đang tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các chế độ, chính sách về quản lý giá, tập trung các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Quản lý giá; Tổ chức thanh tra, kiểm tra công tác quản lý và bình ổn giá tại một số địa phương, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật về giá gắn với kiểm tra chấp hành pháp luật về thuế; kiểm tra, kiểm soát thị trường, ngăn chặn các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, góp phần bình ổn giá cả hàng hóa thị trường trong nước.

Bộ Tài chính cho biết, nhằm bình ổn giá cả thị trường, đã tạm thời giãn thời gian điều chỉnh giá đối với một số hàng hóa, dịch vụ mà Nhà nước còn kiểm soát giá và giữ ổn định giá một số hàng hóa, dịch vụ thiết yếu đối với sản xuất, đời sống nhân dân (giá điện, giá than, giá cước bưu chính...) để giảm áp lực gia tăng lạm phát; tổ chức thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu kịp thời để giúp doanh nghiệp giảm chi phí lưu kho, lưu bãi, hỗ trợ doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất, lưu thông giảm áp lực tăng giá đầu ra, góp phần bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa, dịch vụ...

Nhiều giải pháp tài chính tháo gỡ khó khăn cho DN

Thực hiện Nghị quyết 02 của Chính phủ, Bộ Tài chính đã cơ bản triển khai thực hiện xong các giải pháp về tài chính-NSNN theo phân công; đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 23/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều về lệ phí trước bạ; trên cơ sở đó đã ban hành Thông tư hướng dẫn việc giảm mức thu lệ phí trước bạ đối với xe ô tô chở người dưới 10 chỗ; ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện gia hạn, giảm một số khoản thu ngân sách Nhà nước theo Nghị quyết số 02/NQ-CP...

Về cấp bảo lãnh Chính phủ và tín dụng Nhà nước, đã hoàn thành việc phân bổ, thông báo bổ sung 10.000 tỷ đồng vốn cho vay cho Chương trình tín dụng đầu tư kiên cố hóa kênh mương cho các địa phương để thực hiện. Bên cạnh đó, đã xuất 250 tỷ đồng từ Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp để cấp bổ sung cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam (Quỹ dự phòng rủi ro bảo lãnh vay vốn).

Về giải quyết nợ xấu, Bộ Tài chính đang triển khai nghiên cứu hoặc phối hợp nghiên cứu, xây dựng cơ chế và phương án giải quyết nợ xấu đối với Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Phát triển Việt Nam; xây dựng đề án tái cơ cấu Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) và Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp (DATC)…

Các tin khác