Hụt thu ngân sách và nợ thuế

Ban chỉ đạo chống thất thu ngân sách được Bộ Tài chính đề nghị thành lập trên khắp cả nước. Cơ quan hành thu là Tổng cục Hải quan phải thành lập tổ đốc thu tại các cục hải quan nhằm quán triệt nhiệm vụ thu ngân sách. Cơ quan thu nội địa là Tổng cục Thuế cũng thành lập ban chỉ đạo đôn đốc thu và chống thất thu ngân sách.

Chưa khi nào thu ngân sách lại trở thành mối bận tâm lớn với ngành tài chính như hiện nay (8 tháng, thu ngân sách chỉ đạt hơn 59% dự toán, tương đương 484.820 tỷ đồng).

Ban chỉ đạo chống thất thu ngân sách được Bộ Tài chính đề nghị thành lập trên khắp cả nước. Cơ quan hành thu là Tổng cục Hải quan phải thành lập tổ đốc thu tại các cục hải quan nhằm quán triệt nhiệm vụ thu ngân sách. Cơ quan thu nội địa là Tổng cục Thuế cũng thành lập ban chỉ đạo đôn đốc thu và chống thất thu ngân sách.

Ở góc độ địa phương, các con số ước tính hụt thu được công bố khiến nhiều người giật mình, bởi nhiều năm trước đó, kết quả thu ngân sách thường vượt rất nhiều so với dự toán: Hà Nội hụt thu khoảng 30.000 tỷ đồng so với kế hoạch giao 146.000 tỷ đồng. TPHCM - địa phương có số thu lớn nhất cả nước - cũng rơi vào tình trạng tương tự khi hụt thu gần 20.000 tỷ đồng so với kế hoạch.

Trong khi đó, theo số liệu thống kê của ngành thuế, 6 tháng đầu năm 2013, số tiền nợ đọng thuế lên tới trên 64.000 tỷ đồng, tăng hơn 15.000 tỷ đồng so với thời điểm cuối năm 2012. Trong đó tại TPHCM, tính đến 31-7, số tiền nợ thuế hơn 19.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 13% số thu, gấp hơn 2,5 lần so với mức trung bình cả nước.

Tại Hà Nội có 77 doanh nghiệp đang chây ì, nợ đọng hơn 1.800 tỷ đồng tiền thuế. Trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, ngân sách hụt thu, chính sách tài khóa phải căng ra hỗ trợ, việc doanh nghiệp chây ì thực hiện nghĩa vụ là điều đáng suy nghĩ. Không có con số thống kê chi tiết về các khoản nợ của doanh nghiệp (đâu là nợ thuế do khó khăn tạm thời, đâu là chây ì, cố tình không nộp), nhưng chắc chắn không ít đến từ việc cố tình chây ì (bị công khai danh tính).

Nếu như vậy, việc để số nợ đến hàng ngàn tỷ đồng quá hạn còn có trách nhiệm của cơ quan thuế. Với doanh nghiệp, việc nợ thuế lớn quá hạn nhưng không bị cơ quan thuế “sờ gáy” quả là chuyện lạ, nhất là khi thu ngân sách đang gặp khó. Chính vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng doanh nghiệp cần phải giải trình lý do chậm đóng thuế và nếu chính đáng, có thể cho gia hạn. Nếu doanh nghiệp không giải trình được, không đưa ra thời hạn đóng thuế, buộc phải siết nợ, cưỡng chế thuế.

Liên quan đến thiếu hụt nguồn thu, những số liệu về việc doanh nghiệp liên tục báo lỗ được Thanh tra Chính phủ công bố mới đây (qua thanh tra việc chấp hành pháp luật về thu nộp ngân sách nhà nước tại khu chế xuất, công nghiệp trên địa bàn Hà Nội, TPHCM, Bình Dương và Đồng Nai), cũng cho thấy việc quản lý, thu ngân sách đang bộc lộ nhiều bất cập.

Theo đó, tại thời điểm 31-12-2011, qua kiểm tra 399 doanh nghiệp ở khu chế xuất có số thu phải nộp thuế, đã phát hiện 125 doanh nghiệp hạch toán lỗ giai đoạn 2009-2011. Trong số này, có 36 doanh nghiệp lỗ 3 năm liên tiếp với tổng mức lỗ lên tới trên 2.800 tỷ đồng; 69 doanh nghiệp có mức lỗ 2 năm liên tiếp với tổng mức lỗ hơn 1.800 tỷ đồng.

Việc doanh nghiệp hạch toán lỗ liên tục nhiều năm, thậm chí lỗ vượt quá số vốn chủ sở hữu, trong khi doanh thu vẫn tăng cao và mở rộng kinh doanh, cho thấy cơ quan quản lý dường như bất lực trước hiện tượng chuyển giá - một hành vi đang gây bức xúc trong xã hội.

Hụt thu ngân sách là hệ quả từ khó khăn chung của nền kinh tế kết hợp với việc giãn thuế cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc nở rộ trong thời gian gần đây về nợ đọng, thất thu đã tiếp tục chỉ ra sự thiếu bền vững trong thu ngân sách như một đánh giá của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.

Đó là duy trì thuế suất cao để bù các nguồn thất thu, từ bán nhà thuộc sở hữu nhà nước và chuyển quyền sử dụng đất; né thuế, trốn thuế của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài... Hay những đánh giá của Ủy ban Tài chính - Ngân sách về việc tăng thu có tỷ trọng lớn do giá cả tăng, điều chỉnh tăng thuế nhập khẩu đối với một số mặt hàng không khuyến khích nhập khẩu, tăng thu từ tài nguyên (dầu thô) và các khoản về nhà, đất.

Những cảnh báo về thực trạng đó đã được đề cập liên tục, nhưng sự thay đổi đến nay vẫn không nhiều. Điều này đang tạo gánh nặng lên doanh nghiệp, người dân, góp phần làm kinh tế tăng trưởng chậm, nguồn thu giảm cũng như sự bất bình đẳng giữa các thành phần kinh tế khi không kiểm soát được hoạt động lách thuế.

Vì vậy, trong trung và dài hạn, cần thiết phải tiếp tục hoàn thiện chính sách thuế trên cơ sở xây dựng một hệ thống thuế đồng bộ, có cơ cấu bền vững, phù hợp với thông lệ quốc tế, có khả năng huy động đầy đủ, chủ động, hợp lý nguồn thu cho ngân sách.

Đổi mới cơ cấu thu trên cơ sở đảm bảo cơ cấu cân đối hợp lý giữa thuế gián thu, trực thu; khai thác có hiệu quả các nguồn thu từ đất đai và tài nguyên, đảm bảo hài hòa lợi ích kinh tế, xã hội, môi trường; quản lý chặt chẽ, ngăn ngừa tình trạng né thuế, trốn thuế. Đồng thời kết hợp công cụ thuế với các đòn bẩy tài chính khác để thúc đẩy tái cơ cấu kinh tế; doanh nghiệp tích lũy và đầu tư chiều sâu... Có như vậy, về lâu dài thu ngân sách mới bền vững.

Các tin khác