Hướng tới nền kinh tế thị trường đầy đủ

(ĐTTCO)-Cần tăng cường năng lực của nhà nước, bảo đảm nguyên tắc thị trường trong các quyết định của nhà nước.
 
Một trong những yêu cầu của nhà nước kiến tạo là phải bảo đảm doanh nghiệp tư nhân hay doanh nghiệp nhà nước đều được đối xử công bằng
Một trong những yêu cầu của nhà nước kiến tạo là phải bảo đảm doanh nghiệp tư nhân hay doanh nghiệp nhà nước đều được đối xử công bằng

Ngày 13-6, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng Nhóm Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức hội nghị quốc tế "Quản trị kinh tế hướng tới một nhà nước kiến tạo" nhằm trao đổi các kinh nghiệm quốc tế về tái định hình vai trò của nhà nước trong quản lý kinh tế.

3 trụ cột và 6 chuyển đổi lớn

Nêu ra những thách thức đối với quá trình chuyển đổi quản trị nhà nước, nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh nhận định Việt Nam đã thành công sau 30 năm đổi mới nhưng so với yêu cầu phát triển còn một khoảng cách khá xa. Việt Nam chính thức trở thành nước có thu nhập trung bình thấp vào năm 2009 nhưng vẫn còn tụt hậu về thu nhập và quy mô nền kinh tế.

Mặc dù GDP có tăng từ 6%-7% nhưng số tuyệt đối này rất nhỏ bé và ngày càng giãn cách rất xa; các chỉ số tương đương hoặc thấp hơn so với mức trung bình của các nước thu nhập trung bình thấp. Sau 15 năm, tổng GDP của Việt Nam chỉ tăng 160 tỉ USD, trong khi Thái Lan tăng 270 tỉ USD, Indonesia tăng 700 tỉ USD.

Ông Vinh chỉ rõ trong triển vọng phát triển đến năm 2035, Việt Nam sẽ là nước có thu nhập trên trung bình, tiến tới trở thành một xã hội thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ dựa trên 3 trụ cột và thực hiện 6 chuyển đổi lớn.

Cụ thể là hiện đại hóa nền kinh tế đồng thời với nâng cao năng lực cạnh tranh của khu vực kinh tế tư nhân; phát triển năng lực đổi mới sáng tạo, lấy khu vực kinh tế tư nhân làm trung tâm; nâng cao hiệu quả của quá trình đô thị hóa tăng cường kết nối giữa các thành phố và vùng phụ cận; phát triển bền vững về môi trường và tăng cường khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu; bảo đảm công bằng và hòa nhập xã hội cho các nhóm yếu thế cùng với sự phát triển của xã hội trung lưu; xây dựng một nhà nước pháp quyền hiện đại với nền kinh tế thị trường đầy đủ, hội nhập và xã hội dân chủ phát triển ở trình độ cao.

Đặt mục tiêu nhất quán với tầm nhìn

Để thực hiện cải cách thể chế và quản trị nhà nước, theo ông Vinh, cần tăng cường năng lực của nhà nước, bảo đảm nguyên tắc thị trường trong các quyết định của nhà nước, cải cách phân cấp giữa trung ương và địa phương, giữa các cơ quan Chính phủ nhằm tạo ra sự chủ động, trách nhiệm và hiệu quả từng cơ quan và cả hệ thống; tăng cường hành chính công, định hướng lại việc bảo đảm, cung cấp dịch vụ công.

TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, đánh giá nền pháp trị ở Việt Nam đang gặp trở ngại về quyền, đó là các quyền: tự do tài sản, tự do kinh doanh, tự do về luật pháp. Các bộ, ngành hiện đẻ ra rất nhiều giấy phép con, điều kiện kinh doanh, Chính phủ và Quốc hội đang phải thẩm định rất nhiều để sàng lọc các điều kiện kinh doanh này để không cản, cấm doanh nghiệp (DN), người dân.

Chính phủ đang nhấn mạnh và hướng đến tiết giảm chi phí cho DN, cho toàn xã hội nhưng quan trọng nhất là chi phí thực thi pháp luật hiện nay là quá lớn nhưng không thể giải quyết được.

Trong khi đó, ông Ousmane Dione, Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam, cho rằng Việt Nam cần cố gắng đạt được khả năng tăng trưởng bền vững trước biến động của biến đổi khí hậu. Đối với đội ngũ lãnh đạo cần đặt mục tiêu xây dựng Chính phủ kiến tạo, nhất quán với tầm nhìn trong báo cáo Việt Nam lộ trình hướng tới năm 2035.

Các tin khác