Hóa giải thách thức

Hôm nay, 5-5, phiên khai mạc Hội nghị thường niên lần thứ 44 của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) diễn ra tại Hà Nội với sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng. Tại các phiên họp trước đó trong khuôn khổ hội nghị, nhiều vấn đề quan trọng về tương lai kinh tế khu vực châu Á cũng như Việt Nam đã được các đại biểu tập trung thảo luận, phân tích và đưa ra khuyến nghị cụ thể.

Hôm nay, 5-5, phiên khai mạc Hội nghị thường niên lần thứ 44 của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) diễn ra tại Hà Nội với sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng. Tại các phiên họp trước đó trong khuôn khổ hội nghị, nhiều vấn đề quan trọng về tương lai kinh tế khu vực châu Á cũng như Việt Nam đã được các đại biểu tập trung thảo luận, phân tích và đưa ra khuyến nghị cụ thể.

Vượt qua những tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu trong 3 năm 2008-2010, Việt Nam được các đại biểu tham dự hội nghị ADB đánh giá là khá thành công trong việc điều hành linh hoạt các công cụ chính sách kinh tế vĩ mô, nhất là chính sách tài chính và tiền tệ, đã ngăn chặn đà suy giảm kinh tế hiệu quả. Chủ tịch ADB, ông Haruhiko Kuroda thậm chí còn khẳng định Việt Nam “tiêu biểu cho bài học thành công trong phát triển, là tấm gương cho các nước phát triển khác trên toàn thế giới”. Tuy nhiên, Hội nghị ADB nhìn nhận, Việt Nam cũng như các nước đang phát triển khác tại châu Á đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn trong giai đoạn hiện nay, như giá dầu và giá lương thực tăng cao do tác động từ những bất ổn chính trị tại Trung Đông, Bắc Phi; tác động từ thảm họa động đất, sóng thần tại Nhật Bản…

4 tháng đầu năm nay, chỉ số CPI của Việt Nam đã tăng gần 10%, nhưng đây cũng là thách thức nhiều nước trong khu vực đang phải đối mặt. Xác định chống lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt trong năm 2011, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị quyết 11 với nhiều giải pháp mạnh mẽ và bước đầu đã thu được những tín hiệu tích cực. Tại các phiên thảo luận trong khuôn khổ Hội nghị ADB, các đại biểu đều đánh giá cao các giải pháp chống lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và hy vọng Chính phủ Việt Nam quyết tâm và kiên định với các giải pháp đề ra.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Võ Hồng Phúc cho biết Chính phủ Việt Nam sẽ cố gắng điều hành để lạm phát năm nay chỉ tăng khoảng 11,75%, dù đây là một nhiệm vụ khó khăn. Với các biện pháp thắt chặt tiền tệ và tài khóa để chống lạm phát, Chính phủ xác định tốc độ tăng GDP cả năm 2011 sẽ chỉ ở mức 6,5%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 7-7,5% đặt ra ban đầu. Những nỗ lực của Việt Nam được các chuyên gia ghi nhận.

Ông Ayumi Konishi, Giám đốc ADB tại Việt Nam, đưa ra dự báo lạm phát sẽ giảm dần từ tháng 5. Nhưng để các giải pháp chống lạm phát phát huy hiệu quả, ông Konishi cho rằng Việt Nam cần có những động thái quyết liệt hơn, nhất là cắt giảm đầu tư công. Đặc điểm khá riêng của lạm phát ở Việt Nam là tác động tâm lý. Vì thế, cần thông tin, tuyên truyền mạnh mẽ về các giải pháp của Chính phủ để người dân hiểu chống lạm phát sẽ khiến nhiều người bị ảnh hưởng và khó khăn. Mọi người phải chấp nhận và thông cảm để khi các giải pháp phát huy tác dụng, kinh tế sẽ tăng trưởng bền vững hơn.

Phân tích diễn biến kinh tế của Việt Nam, các ý kiến tại Hội nghị ADB cho rằng nguyên nhân sâu xa của lạm phát xuất phát từ những yếu tố cơ bản như cấu trúc của nền kinh tế chưa hợp lý, hiệu quả chưa cao. Vì thế, bên cạnh các giải pháp ngắn hạn, các đại biểu khuyến nghị Việt Nam cần đẩy nhanh kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế để tiến tới phát triển bền vững ở một trình độ cao hơn; đặc biệt là đổi mới thể chế kinh tế, cải cách doanh nghiệp, phát triển nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng, công nghiệp phụ trợ. Đây cũng là hướng đi để vượt qua thách thức đang đặt ra trong dài hạn: “bẫy thu nhập trung bình”.

Theo một kịch bản vừa được ADB đưa ra hôm qua (4-5), những nền kinh tế lớn của châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia và Việt Nam sẽ rơi vào “bẫy thu nhập trung bình” khi mức tăng trưởng chậm lại và sự trì trệ trong thu nhập của 5 hay 10 năm tới. Tuy nhiên, ADB tin rằng nếu Việt Nam thực hiện thành công quá trình tái cơ cấu kinh tế, giả định xấu này sẽ không xảy ra. Điều quan trọng là Việt Nam cần nhìn nhận một cách toàn diện về thách thức này để sớm có các giải pháp cụ thể ngay sau khi vượt qua “cơn bão” lạm phát năm 2011.

ĐẦU TƯ TÀI CHÍNH

Các tin khác