Hiệu quả, thách thức đan xen

Những tín hiệu lạc quan về phát triển kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm 2011 cho thấy nỗ lực kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ đang đi đúng hướng.

Theo số liệu Bộ Kế hoạch - Đầu tư trình Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tại cuộc họp cuối tuần trước, tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm nay đạt 5,6%, khớp với dự báo của Chính phủ hồi đầu tháng 6. Con số này thấp hơn so với mức 6,16% của cùng kỳ năm 2010, cũng như mục tiêu 7-7,5% được Quốc hội phê duyệt cuối năm ngoái và ngay cả với mục tiêu đã được Chính phủ điều chỉnh tại phiên họp thường kỳ tháng 5 (tăng trưởng 6% cho cả năm 2011).

Tuy nhiên, nếu nhìn lại chặng đường khó khăn của nền kinh tế trong 6 tháng qua, với các tác động tiêu cực chủ quan và khách quan, kết quả trên rất đáng ghi nhận. Mặt khác, tăng trưởng cũng không phải là mục tiêu ưu tiên của năm nay, bởi Chính phủ đã xác định ổn định vĩ mô mới là nền tảng để phát triển bền vững trong những năm tiếp theo.

Tín hiệu lạc quan nhất được công bố ở thời điểm này là đà tăng của CPI đã bị khống chế, có chiều hướng giảm mạnh. CPI tháng 6 chỉ tăng 1,09% so với tháng trước - là mức tăng thấp nhấp kể từ đầu năm tới nay. Diễn biến đó phù hợp với dự báo của Chính phủ cũng như các định chế tài chính quốc tế lớn như WB, IMF hay ADB rằng lạm phát ở Việt Nam sẽ giảm dần vào cuối quý II. Và điều này cũng đúng theo nguyên lý kinh tế: Các giải pháp tiền tệ để kiềm chế lạm phát theo Nghị quyết 11 của Chính phủ được triển khai từ tháng 2-2011 cần độ trễ khoảng 4-5 tháng mới phát huy hiệu quả.

Đặt trong bối cảnh chung, những tín hiệu lạc quan trên không cho phép chúng ta lơ là với những thách thức khách quan vẫn còn đó. Với mức tăng 1,09% trong tháng 6, tính chung CPI 6 tháng đầu năm đã tăng 13,29% so với tháng 12 năm ngoái, gần chạm mục tiêu Chính phủ đưa ra là kiềm giữ lạm phát cả năm 2011 ở mức 15%. Điều này đồng nghĩa với việc trong nửa chặng đường còn lại của năm nay, CPI chỉ được phép tăng thêm 1,7%. Đây rõ ràng là một thách thức khắc nghiệt, đòi hỏi sự điều hành quyết liệt, kiên trì của Chính phủ. Nhiều ý kiến quan ngại rằng chính sách tiền tệ để chống lạm phát hiện nay đã áp dụng “hết bài”. Do vậy, nếu nhóm giải pháp cắt giảm đầu tư công vẫn triển khai ì ạch như hiện nay, mục tiêu kiềm chế lạm phát cả năm ở mức 15% rất xa vời.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 (diễn ra hồi đầu tháng 6), nhiều người chờ đợi một danh mục cắt giảm đầu tư mạnh mẽ và công khai, nhất là lượng vốn đầu tư sử dụng nguồn ngân sách nhà nước và trái phiếu chính phủ được thu hồi về ngân sách Trung ương từ sau ngày 30-6. Báo cáo tại phiên họp Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tuần trước, Bộ Kế hoạch - Đầu tư đã thẳng thắn nhận định việc cắt giảm đầu tư công theo Nghị quyết 11 vẫn còn một số hạn chế, có nơi còn triển khai chậm, chưa cắt giảm, điều chuyển, giãn tiến độ, đình hoãn triệt để các dự án khởi công mới sử dụng vốn ngân sách nhà nước. Với tiến độ như vậy, nhiều khả năng phải đến cuối năm những tác động của nhóm giải pháp này mới phát huy được hiệu quả kiềm chế lạm phát.

Bên cạnh việc kiên trì kiềm chế lạm phát, nhiều thách thức khác cũng cần được nhìn nhận một cách đầy đủ và thấu đáo. Mặt bằng lãi suất hiện vẫn đang ở mức cao, ảnh hưởng sâu rộng tới sản xuất kinh doanh. Cùng với đó, nhập siêu của nền kinh tế sau 6 tháng ước khoảng 7,5 tỷ USD, cao hơn nhiều so với 6,7 tỷ USD của 2 quý đầu năm 2010. Mức nhập siêu này hiện tương đương 18% giá trị xuất khẩu, cao hơn 2% so với mục tiêu Nghị quyết 11 đề ra.

Trong khi đó, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (đăng ký và tăng thêm) chỉ đạt 62% so với cùng kỳ năm ngoái. Chính vì thế, theo nhận định của Bộ Kế hoạch - Đầu tư, tình hình kinh tế 6 tháng cuối năm nay sẽ còn tiếp tục diễn biến phức tạp và tiềm ẩn nhiều khó khăn trong việc thực hiện một số mục tiêu đã đề ra; trong đó có việc đảm bảo tăng trưởng GDP ở mức 6%. Đây là con số được các chuyên gia kinh tế coi là hợp lý để vừa duy trì - phát triển sản xuất, vừa chống lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

ĐẦU TƯ TÀI CHÍNH

Các tin khác