Hệ quả bội thực thủy điện

Đập thủy điện EaSoup 3 vỡ toang bể áp lực khi mới vận hành chạy thử; đập thủy điện Đắk Mek 3 thi công chưa xong đã bị xe đá ủi đổ; thủy điện Ia Krel vỡ đập khi mới tích nước được 70% so với cao trình thiết kế… Rồi Đồng Nai 6, 6A, Sông Tranh 2…

Chưa bao giờ thực trạng của các đập thủy điện, đặc biệt ở khu vực miền Trung và Tây nguyên lại nhận được nhiều lo ngại đến thế.

Đập thủy điện EaSoup 3 vỡ toang bể áp lực khi mới vận hành chạy thử; đập thủy điện Đắk Mek 3 thi công chưa xong đã bị xe đá ủi đổ; thủy điện Ia Krel vỡ đập khi mới tích nước được 70% so với cao trình thiết kế… Rồi Đồng Nai 6, 6A, Sông Tranh 2…

Hệ quả của những sự cố này là thiệt hại không nhỏ về tiền cùng với sự hoảng loạn của người dân vùng hạ lưu và khối tài sản, hoa màu bị nhấn chìm trong bể nước hoặc cuốn trôi ra biển. Hệ quả của cơn khát thủy điện từ 10 năm trước cùng với việc buông lỏng quản lý, giao phó toàn bộ cho chủ đầu tư, đã dẫn đến một kết cục như ngày hôm nay.

Không khó để thấy nước ta đang rơi vào tình trạng bội thực các dự án thủy điện. Có thể hình dung, ở khu vực miền Trung và Tây nguyên, cứ có sông là thủy điện chi chít, bấp chấp dự án có khả thi và phù hợp hay không. Từ mức công suất trên 1.100MW vào năm 1990, đến năm 2004, công suất của cả hệ thống thủy điện đã tăng lên 4.100MW.

Giai đoạn 2007-2010 đã có thêm 23 nhà máy thủy điện mới được bổ sung với tổng công suất tăng thêm khoảng 4.000MW. Tính đến nay, cả nước có khoảng 1.100 dự án thủy điện trong quy hoạch với tổng công suất lắp đặt gần 26.000MW, trong đó có 107 dự án thủy điện vừa và lớn, 990 dự án vừa và nhỏ, với tổng công suất khoảng 7.500MW. Gần 200 dự án thủy điện đã đi vào hoạt động với tổng công suất gần 12.000MW.

Thế nhưng điều đáng buồn, dù nhà máy thủy điện mọc như nấm sau mưa, vào mùa khô, nỗi lo thiếu điện vẫn tiếp tục triền miên dai dẳng.

Câu chuyện cân đo đong đếm được - mất của nhà máy thủy điện không phải mới đặt ra gần đây. Hệ lụy của việc triển khai ào ạt dự án thủy điện tại miền Trung đã được các chuyên gia cảnh báo từ hơn 10 năm trước và đến nay lời cảnh báo tưởng chừng xa vời ấy đã trở thành hiện thực.

Hầu hết vụ vỡ đập đều rơi vào những công trình thủy điện vừa và nhỏ, công suất vài MW. Ngoài các yếu tố khách quan, chất lượng công tác khảo sát, thiết kế chưa đạt yêu cầu, năng lực của chủ đầu tư, tư vấn giám sát, nhà thầu thi công xây dựng... yếu kém, không làm hết trách nhiệm, là những nguyên nhân chủ yếu khiến thủy điện bê bối như hiện nay.

Thủy điện Ia Krel vỡ toang ngay khi kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIII đang diễn ra, đã thực sự gióng lên một hồi chuông báo động và là câu hỏi lớn cho các “tư lệnh ngành”. Bao giờ chúng ta có một bộ quy tắc chuẩn cho việc xây dựng thủy điện? Việc phê duyệt quy hoạch thủy điện bao giờ có quy chế nghiêm ngặt hơn? Trách nhiệm giám sát xây dựng công trình thủy điện ở đâu? Rà soát trên quy mô lớn quy hoạch thủy điện, mạnh tay loại bỏ các dự án không cần thiết, bao giờ sẽ được thực hiện triệt để?...

Nếu không trả lời được câu hỏi này, tệ hơn là đùn đẩy trách nhiệm giữa các cơ quan chủ quản, có lẽ với hơn 1.000 dự án thủy điện lớn nhỏ như hiện nay, việc cơ quan chức năng chạy theo các dự án thủy điện còn tái diễn và người dân sống trong khu vực có dự án tiếp tục ăn không ngon ngủ không yên.

Các tin khác