Gửi gắm trí tuệ, niềm tin

Chỉ còn 3 ngày nữa sẽ diễn ra sự kiện chính trị quan trọng của đất nước: Ngày 22-5, ngày bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XIII và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016. Đến thời điểm này, thông tin từ Hội đồng Bầu cử Trung ương cho biết mọi công tác chuẩn bị cho “ngày hội toàn dân” đã hoàn thành đúng tiến độ.

Chỉ còn 3 ngày nữa sẽ diễn ra sự kiện chính trị quan trọng của đất nước: Ngày 22-5, ngày bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XIII và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016. Đến thời điểm này, thông tin từ Hội đồng Bầu cử Trung ương cho biết mọi công tác chuẩn bị cho “ngày hội toàn dân” đã hoàn thành đúng tiến độ.

Theo lời Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, vai trò của Quốc hội khóa XIII đặc biệt quan trọng trong bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế đang có nhiều thách thức. Hiến pháp quy định: “Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước CHXHCN Việt Nam". Chính vì thế, việc bầu ra được một Quốc hội mạnh, hoạt động tốt, làm tròn chức năng, nhiệm vụ có ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển của đất nước trong giai đoạn phát triển mới.

Cuộc bầu cử lần này được tổ chức sau khi Đại hội Đảng XI thông qua nhiều văn kiện quan trọng, như Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ, Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011-2020… với mục tiêu đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp hiện đại vào năm 2020. Quốc hội với chức năng lập pháp, quyết định các vấn đề trọng đại và thực hiện quyền giám sát tối cao, sẽ góp phần rất quan trọng vào việc thể chế hóa Nghị quyết Đại hội Đảng XI để đưa nghị quyết vào cuộc sống.

Muốn cuộc bầu cử thành công, công tác chuẩn bị nhân sự đóng vai trò then chốt. Sau các vòng hiệp thương thận trọng và đầy trách nhiệm do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam chủ trì, danh sách chính thức ứng cử viên đã được Hội đồng Bầu cử công bố với 827 người, để bầu 500 ĐBQH khóa XIII. Với tỷ lệ 1,654 ứng viên có 1 người được bầu, số dư lần này khá lớn so với các cuộc bầu cử trước đây. Điều này sẽ tạo điều kiện cho cử tri có nhiều sự lựa chọn khi bỏ phiếu bầu người đại diện của mình. Danh sách này đã được sàng lọc, cân nhắc kỹ lưỡng, chắc chắn sẽ là danh sách có chất lượng để cử tri ra quyết định cuối cùng.

Nhìn vào con số ứng viên được bỏ phiếu tín nhiệm ở cơ sở, có thể thấy rõ điều này. Trong tổng số 182 người thuộc khối cơ quan Đảng, Quốc hội, Chính phủ do Trung ương giới thiệu, có tới 179 người được cử tri tín nhiệm 100%. Có thể nói, công tác nhân sự cho bầu cử ĐBQH khóa XIII đã được chuẩn bị tốt trên tinh thần dân chủ, đúng luật, đảm bảo số dư nhưng vẫn đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn và chất lượng đại biểu.

Thời khắc quan trọng nhất để quyết định thành công của cuộc bầu cử là khi cử tri bỏ lá phiếu bầu người đại biểu của mình vào cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước. Muốn thế, các cơ quan bầu cử phải tạo điều kiện thuận lợi nhất cho cử tri thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình. Nguyên tắc tất cả quyền lực thuộc về nhân dân chỉ có ý nghĩa khi lá phiếu của cử tri là yếu tố quyết định ai là đại biểu.

Về phía cử tri, mỗi người cũng cần đề cao tinh thần trách nhiệm, cân nhắc kỹ càng, gửi gắm trí tuệ và niềm tin của mình vào lá phiếu để sáng suốt lựa chọn những người thực sự xứng đáng, có đủ tài năng, đức độ làm ĐBQH và đại biểu HĐND. Không phải ngẫu nhiên lại có câu “Bầu cử là quyền và nghĩa vụ của công dân”.

Mục tiêu nổi bật của Quốc hội khóa XIII là đạt số lượng đại biểu chuyên trách khoảng 33% (nhiệm kỳ khóa XII là 29,41%). Chỉ tiêu này được nâng lên nhằm nâng cao tính chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa, hay nói cách khác nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội. Bên cạnh đó, dù không đưa thành cơ cấu, nhưng số lượng ứng cử viên là đại diện giới doanh nghiệp, doanh nhân được giới thiệu vào danh sách bầu cử ĐBQH khóa XIII khá đông đảo. Đây là tín hiệu đáng mừng để tăng chất lượng hoạt động của Quốc hội khóa mới, bởi phát triển kinh tế giờ đây đang là một nhiệm vụ quan trọng trong tiến trình đi lên của đất nước.

Cộng đồng doanh nghiệp là lực lượng kinh tế nòng cốt đối với phát triển đất nước, phải thể hiện vai trò trong việc đề xuất, kiến nghị các chính sách kinh tế minh bạch và tiến bộ. Còn nhớ ở diễn đàn Quốc hội các khóa trước, những ý kiến, kiến nghị chắt lọc từ thực tiễn cuộc sống, quá trình hoạt động của các ĐBQH là doanh nghiệp, doanh nhân đã ghi lại nhiều dấu ấn đậm nét trong hoạt động lập pháp, góp phần quyết định các vấn đề quan trọng, hoặc tăng cường vai trò giám sát tối cao của Quốc hội.

Ngày bầu cử đã tới gần, đây là lúc cần đề cao ý thức và trách nhiệm công dân đối với sự kiện hệ trọng của quốc gia.  

Các tin khác