Giám sát chặt đầu tư công

Ông Trần Văn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội kiêm Trưởng Tiểu ban Đầu tư công, cho biết những bài học, chi phí mà chúng ta đã trả sẽ là kinh nghiệm tốt để thực hiện tái cơ cấu đầu tư công hiệu quả.

Ông Trần Văn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội kiêm Trưởng Tiểu ban Đầu tư công, cho biết những bài học, chi phí mà chúng ta đã trả sẽ là kinh nghiệm tốt để thực hiện tái cơ cấu đầu tư công hiệu quả.

PHÓNG VIÊN: - Ông lý giải thế nào về hiệu quả không cao của các dự án đầu tư có nguồn vốn từ ngân sách?

Ông TRẦN VĂN: - Thời gian qua, đầu tư công đạt hiệu quả thấp do nhiều nguyên nhân. Đó là mất cân đối nghiêm trọng giữa nhu cầu vốn đầu tư và khả năng huy động các nguồn vốn, dẫn đến đầu tư dàn trải, kéo dài thời gian thi công làm tăng tổng mức đầu tư, gây thất thoát, lãng phí, ảnh hưởng đến chất lượng công trình, dự án.

Thí dụ, chỉ tính riêng 2.682 công trình, dự án giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục, di dân tái định cư sử dụng nguồn vốn trái phiếu chính phủ giai đoạn 2006-2012 có tổng mức đầu tư ban đầu là 409.000 tỷ đồng, nhưng tính đến thời điểm giao kế hoạch năm 2012 đã tăng lên 684.000 tỷ đồng, gấp 1,7 lần.

Bên cạnh đó, chất lượng công tác quy hoạch chưa cao, chưa phù hợp với khả năng kinh tế, cân đối nguồn lực ngân sách ở trung ương và địa phương. Đó là các khâu lập, thẩm định, phê duyệt tổng dự toán, dự toán công trình còn hạn chế, chưa phát hiện hết sai sót do năng lực của chủ đầu tư.

Điều này dẫn đến tình trạng nhiều dự án đầu tư bằng vốn ngân sách dở dang kéo dài, không đảm bảo tiến độ, chậm đưa công trình, dự án vào sử dụng, gây lãng phí lớn.

Tái cơ cấu đầu tư công là một mục tiêu quan trọng trong cải tổ kinh tế. Ảnh: LONG THANH

Tái cơ cấu đầu tư công là một mục tiêu quan trọng trong cải tổ kinh tế. Ảnh: LONG THANH 

- Nhiều ý kiến cho rằng ngân sách đầu tư quá ồ ạt cho các dự án, công trình, nhưng do kém hiệu quả và khó khăn về vốn nên phải siết lại. Chính điều đó đã khiến không ít công trình, dự án đang thi công phải dừng lại dẫn tới lãng phí?

- Đúng là một số công trình, dự án sau khi rà soát theo các tiêu chí do Chính phủ quy định đã được đưa vào diện đình hoãn, giãn tiến độ. Đây là việc làm cần thiết, dù không muốn vẫn phải làm do khả năng cân đối vốn còn hạn chế so với số công trình, dự án còn trong danh mục và tổng mức đầu tư.

Bởi các chỉ tiêu nợ công, bội chi ngân sách nhà nước, trần phát hành trái phiếu chính phủ giai đoạn 2011-2015 đã được Quốc hội quyết định. Cho dù được bố trí vốn để thi công đến điểm dừng kỹ thuật, nhưng khả năng hư hỏng, thất thoát khối lượng đã thực hiện là không thể tránh khỏi.

Song phần lớn đây là các công trình mới khởi công, được bố trí 10-20% vốn so với tổng mức đầu tư. Do vậy, giữa phương án “mất nhiều” và “mất ít” để đầu tư tập trung vốn, sớm đưa các công trình, dự án có khả năng hoàn thành, chúng ta buộc phải chọn phương án “mất ít”. Và đây cũng là chi phí của tái cơ cấu đầu tư công mà chúng ta phải trả giá.

Qua thanh tra, kiểm tra việc sử dụng nguồn vốn trái phiếu chính phủ giai đoạn 2006-2012, Bộ Tài chính đã phát hiện 637 tỷ đồng thẩm định phê duyệt tổng mức đầu tư và 2.267 tỷ đồng khi lập, thẩm định, phê duyệt dự toán không đúng chế độ.

- Trong bối cảnh vốn ngân sách hạn hẹp, theo ông cần kêu gọi các nguồn vốn đầu tư khác?

- Các cơ chế, chính sách về hợp tác công - tư (PPP) đang được gấp rút sửa đổi, bổ sung, ban hành mới. Những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các mô hình đầu tư PPP, đầu tư - khai thác - chuyển giao (BOT), sẽ được sửa đổi sau khi tiếp thu ý kiến đóng góp của nhà đầu tư tư nhân trong và ngoài nước. Theo tôi, khi đó tình trạng đầu tư công chèn lấn đầu tư khu vực tư nhân sẽ được cải thiện.

- Với tư cách là người đứng đầu Tiểu ban Đầu tư công trong một cơ quan quan trọng của Quốc hội, ông dự báo thế nào về hiệu quả của đợt tái cơ cấu đầu tư công này?

- Vừa qua Quốc hội đã thực hiện giám sát tối cao việc thực thi Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng vốn trái phiếu chính phủ cho đầu tư xây dựng cơ bản giai đoạn 2006-2012.

Tham gia đoàn giám sát tại một số địa phương, tôi đã chứng kiến những bất cập điển hình trong đầu tư công theo cơ chế cũ, như một số tuyến đường cứu hộ, cứu nạn có quy mô đường đô thị loại I; một số bệnh viện tuyến huyện, chuyên khoa tuyến tỉnh đã hoàn thành phần xây dựng nhưng thiếu vốn mua sắm trang thiết bị khám chữa bệnh nên chưa hoạt động được...

Những bất cập đã được nhìn nhận, hệ thống pháp luật về đầu tư công đang được hoàn thiện và cùng với sự kiểm tra, giám sát của các cơ quan trong Quốc hội, Chính phủ, tôi tin rằng những điều đó sẽ góp phần quan trọng tạo ra những chuyển biến, nâng cao hiệu quả đầu tư công.

Tại nghị quyết về chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2014 vừa được thông qua, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội sẽ tiến hành giám sát việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng.

- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác