Giảm nhập siêu: Lối thoát chưa rõ

83% kim ngạch nhập khẩu của cả nước thuộc về máy móc thiết bị. Biện pháp để giảm nhập siêu chính là tăng cường sử dụng máy móc thiết bị, vật tư trong nước. Tuy nhiên, có vô vàn rào cản để hiện thực hóa mục tiêu này.

83% kim ngạch nhập khẩu của cả nước thuộc về máy móc thiết bị. Biện pháp để giảm nhập siêu chính là tăng cường sử dụng máy móc thiết bị, vật tư trong nước. Tuy nhiên, có vô vàn rào cản để hiện thực hóa mục tiêu này.

Tại mình

Nguồn: Internet

 Nguồn: Internet

Ông Trần Anh Thái, Phó Giám đốc Công ty TNHH Hệ thống kỹ thuật ứng dụng (ATS) cho hay, các nhà thầu nước ngoài khi bán hàng cho các dự án tại Việt Nam thường được trả bằng L/C at sight, tức là ngay khi hàng mới lên tàu.

Nhưng với các nhà thầu Việt Nam, họ chỉ được các chủ đầu tư thanh toán trong vòng 30 - 45 ngày sau khi hàng đã được nghiệm thu chi tiết mà việc nghiệm thu sau giao hàng này có khi kéo dài từ 3 - 6 tháng. Ngay cả như vậy thì có những đơn hàng phải tới 2 năm nhà thầu Việt Nam vẫn chưa được chủ đầu tư thanh toán.

Lý do trong thời buổi tín dụng khan hiếm, việc giải ngân vốn vay thương mại với lãi suất khoảng 17-18%/năm (lãi suất cơ bản cộng thêm 3-4% điểm phần trăm) không được các ngân hàng thương mại mặn mà.

"Do các chủ đầu tư đều là doanh nghiệp nhà nước nên chúng tôi có kiện thì cũng khó thắng, nên đành chịu. Nhưng tất cả các chi phí này dồn toa và buộc phải cộng vào chi phí sản xuất, khiến chi phí tài chính của doanh nghiệp Việt Nam cao hơn từ 25-30% so với nhà thầu nước ngoài. Như vậy lại bị kém thế khi cạnh tranh", ông Thái bày tỏ.

Đây chỉ là một ví dụ cụ thể được nêu ra tại Hội nghị sơ kết một năm thực hiện các biện pháp tăng cường sử dụng máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên liệu trong nước sản xuất được trong công tác đấu thầu do Bộ Công Thương tổ chức.

Dẫn chứng một ví dụ khác trong ngành điện, ông Thái đã nhắc tới câu chuyện đấu thầu trạm biến áp 500kV Hiệp Hòa của Tổng công ty Truyền tải điện. Có quy mô tương đương trạm biến áp 500kV Sơn La cũng như 4-5 trạm biến áp khác mà công ty của ông Thái đã thực hiện, tuy nhiên, với dự toán 7,5 triệu USD đầu tư trạm biến áp này, công ty AST đã nhanh chóng bị yếu thế.

"Nguồn vốn để thực hiện trạm biến áp Hiệp Hòa do Ngân hàng châu Á (ADB) cung cấp nên họ giám sát rất chặt năng lực của chủ đầu tư. Với quy định của bên cho vay, nhà thầu tham dự đã phải thực hiện một dự án có quy mô vốn bằng 60-80% tổng dự toán.

Theo tính toán của tư vấn, dự toán đầu tư của trạm Hiệp Hòa là 7,5 triệu USD, tức nhà thầu phải thực hiện dự án có quy mô khoảng 5 triệu USD. Nhưng trạm biến áp 500kV Sơn La chỉ hơn 3 triệu USD, còn những trạm khác mà AST đã thực hiện lại chưa có cái nào quy mô quá 4 triệu USD, vậy là không đủ năng lực", ông Thái nói.

Đáng nói là nhà thầu Trung Quốc trúng gói thầu đầu tư trạm biến áp 500kV Hiệp Hòa với giá sau đó cũng chỉ hơn 4 triệu USD!

Thực tế này cũng cho thấy việc phân chia, tính toán các gói thầu không hợp lý, không có chỉ dẫn nguồn gốc hàng hóa và dịch vụ phù hợp của chủ đầu tư đã khiến cho cơ hội cung cấp hàng hóa, thiết bị, vật tư do Việt Nam sản xuất lọt qua tay của nhà thầu nội để về với nhà thầu ngoại.

"Chủ đầu tư thường không nêu yêu cầu cụ thể với các nhà thầu EPC về sử dụng hàng trong nước thuộc danh mục đã được các cơ quan chức năng ban hành. Thậm chí nhiều chủ đầu tư coi việc lựa chọn nhà thầu phụ là việc của nhà thầu chính, mình không liên quan", ông Thái trần tình.

Ông Nguyễn Văn Thụ, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí Việt Nam cho hay, nếu nhà thầu EPC đến từ các nước G7 thì doanh nghiệp Việt Nam còn kiếm được 30% giá trị của công trình, dự án. Nhưng nếu là các nhà thầu EPC Trung Quốc thì doanh nghiệp Việt Nam không có cơ hội làm thầu phụ cho chính dự án của các chủ đầu tư Việt Nam.

Rất thẳng thắn, ông Thụ nhận xét, có nhiều nghị quyết được đưa ra để thúc đẩy việc nhà thầu Việt Nam vươn lên làm chủ, thực hiện các dự án sử dụng vốn đầu tư nhà nước, nhưng tới nay hiệu quả vẫn còn mờ nhạt.

"Nếu không làm quyết liệt, việc không đến tay người Việt Nam", ông Thụ nói. Dẫn chứng cho điều này là thực tế sau cả chục năm triển khai Chương trình cơ khí trọng điểm, hiện mới chỉ có 6 trong số khoảng 20 dự án được phê duyệt đầu mục được triển khai trên thực tế.

Tại cả người

Ông Ninh Viết Định, Trưởng ban Quản lý đấu thầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) giãi bày, do những ràng buộc từ phía bên cho vay mà việc chủ động chọn được nhà thầu là doanh nghiệp Việt Nam không hề dễ dàng.

"Khi đàm phán hiệp định vay vốn cho dự án nhiệt điện Nghi Sơn 1, chúng tôi cũng đã đi theo hướng tách các phần trong nước có thể sản xuất được ra hay đề xuất giảm bớt các tiêu chuẩn xuống để nhà thầu trong nước có cơ hội làm một số công việc, nhưng điều đó không dễ được bên cho vay chấp nhận và mất rất nhiều thời gian đàm phán", ông Định nói. (Nhiệt điện Nghi Sơn 1 có công suất 600 MW do EVN là chủ đầu tư, vốn vay từ Nhật Bản, tập đoàn Marubeni là tổng thầu EPC với giá trúng thầu 981 triệu USD).

Lại còn có nhiều dự án điện khác mà nhà cung cấp thiết bị lại có ưu thế trong việc tìm vốn cho chủ đầu tư vay trong điều kiện EVN đang rất khó khăn về nguồn vốn.

Chẳng hạn, các dự án nhiệt điện Duyên Hải 1, Duyên Hải 3 do EVN là chủ đầu tư, nhưng các nhà thầu Trung Quốc như Tập đoàn Điện lực Dongfang Electric Corporation Limited hay liên danh nhà thầu CHENGDA - DEC - SWEPDI - ZEPC lại được chọn, bởi nguồn vốn vay là từ Trung Quốc.

Trước thực tế này, ông Thụ đã phải thốt lên: "Nếu không có vốn thì đừng mơ có EPC Việt Nam".

Nhưng cũng có một lý do khác khiến nhiều chủ đầu tư Việt Nam không muốn giao việc cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Đó là tình trạng nhà thầu chính Việt Nam sau khi nhận thầu lại nhanh chóng đi thuê lại các nhà thầu ngoại với giá đội lên tương đối hoặc nhà thầu Việt Nam chỉ giữ lại được một phần nhỏ về chi phí gia công do các loại vật tư, hàng hóa gần như đều phải nhập khẩu hoàn toàn. Điển hình cho trường hợp này là dự án điện Cà Mau 1 và 2.

Mặc dù có thực tế "nếu không làm quyết liệt, việc không đến tay người Việt Nam", như nhận xét nói trên của ông Thụ, nhưng chuyện nhà thầu Việt Nam ngồi đợi được trao dự án thay vì tự chứng minh năng lực của mình xem ra vẫn chưa có hồi kết. Và do vậy, câu chuyện nhập siêu của Việt Nam vẫn chưa biết bao giờ mới có hồi kết.

Các tin khác