Giải cứu nông sản nếu quy hoạch không theo nhu cầu thị trường

(ĐTTCO)- Nông dân phải vứt bỏ hàng trăm tấn củ cải trắng đang đến độ thu hoạch, nhưng Hà Nội vẫn phải nhập hàng trăn nghìn tấn rau để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ.
Sinh viên tình nguyện "giải cứu" củ cải cho nông dân. (Ảnh Dân Trí)
Sinh viên tình nguyện "giải cứu" củ cải cho nông dân. (Ảnh Dân Trí)

Nghịch lý nhập rau và thừa rau xanh

Tại các siêu thị hay chỉ cần đi qua công viên Cầu Giấy, hồ Ba mẫu ở Hà Nội những ngày này đều bắt gặp cảnh “giải cứu củ cải”. Không chỉ các siêu thị mà nhiều người có lòng hảo tâm đã đứng ra thu mua tại ruộng và vận chuyển về Hà Nội bán giúp nông dân để tiêu thụ hàng trăm tấn củ cải trắng đang có nguy cơ phải nhổ vứt bỏ vì quá rẻ và không có ai mua.

Dư thừa rau củ tại Hà Nội là một nghịch lý khi sản lượng rau toàn thành phố chỉ đạt gần 600.000 tấn/năm, đáp ứng khoảng 60% nhu cầu của người tiêu dùng (nhu cầu rau xanh khoảng 1.000.000 tấn/năm). 40% rau ăn của Hà Nội phải nhập từ các địa phương khác như: Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Lào Cai, Hòa Bình...

Theo bà Nguyễn Thị Thoa – Trưởng phòng Trồng trọt – Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hà Nội, chủng loại rau của thành phố rất phong phú với trên 40 loại, chủ yếu gieo trồng ở vụ đông xuân. Hiện, việc sản xuất rau, củ, quả của Hà Nội vẫn chưa đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thành phố, đặc biệt là khi lượng khách du lịch của Hà Nội tăng rất nhanh trong mấy năm trở lại đây.

“Dù sản xuất rau nói chung và rau an toàn nói riêng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ của Hà Nội, nhưng nông dân trồng rau vẫn khó khăn đầu ra. Câu chuyện nghe bất hợp lý nhưng đang là sự thật. Sở Nông nghiệp đã tổ chức các hội nghị xúc tiến thương mại, thực hiện mô hình chuỗi an toàn thực phẩm… nhưng hiệu quả vẫn chưa cao. 95,2% tổng sản lượng rau được bán cho thương lái và bán ở chợ đầu mối” – bà Thoa nói.

Theo báo cáo của Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN và PTNT) sản xuất nông nghiệp hiện nay chủ yếu vẫn mang tính nhỏ lẻ, phân tán. Các hộ sản xuất chưa chú ý tới việc liên kết nhóm hộ mà vẫn sản xuất tự phát, mạnh ai nấy làm, nên chưa tạo được vùng sản xuất tập trung, dòng sản phẩm đủ lớn, ổn định. Cần phải liên kết thành một tập thể (tổ hợp tác, hợp tác xã) thông qua đó thực hiện liên kết với doanh nghiệp để tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Quy hoạch chưa theo nhu cầu thị trường

Không chỉ củ cải, trước đây rất nhiều các sản phẩn nông sản như thanh long, dưa hấu, su hào… đã phải “giải cứu”. Điệp khúc được mùa, mất giá là câu chuyện “biết rồi, nói mãi” nhưng không giải quyết được.

Theo PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên nhân xảy ra tình trạng này từ nhiều phía. Người nông dân không tìm hiểu thông tin thị trường khi sản xuất, cơ quan chức năng không kịp thời dự báo thị trường, chế biến thì chưa theo kịp với sản xuất. Vai trò điều phối của nhà nước, doanh nghiệp trong tiêu thụ và chế biến các sản phẩm nông sản chưa rõ nét.

Giải cứu nông sản chỉ là biện pháp tình thế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nói nhiều về vấn đề này nhưng cuối cùng vẫn lặp lại. Giải quyết vấn đề này về sâu xa là quy hoạch vùng sản xuất, các loại nông sản, nhưng trước mắt cần dự báo thông tin thị trường, đánh giá cầu như thế nào để cung không được vượt quá. Nếu cơ quan chức năng không tập trung nghiên cứu thị trường thì không bao giờ giải quyết được bài toán này.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần chuẩn bị các kịch bản khi cung vượt quá cầu thì phải chế biến, dự trữ ra sao. Các nước cũng vậy, khi thu hoạch nông sản diễn ra đồng thời, lượng nông sản tập trung thì không thể tiêu thụ ngay một lúc, nhưng công tác chế biến tốt sẽ tích trữ để lại tiêu thụ về sau, nhưng ở Việt Nam chưa làm được điều này. 

“Quy hoạch nông sản phải căn cứ theo cầu, kinh tế thị trường là phụ thuộc thị trường mà thị trường là nguồn cầu. Do đó, chúng ta phải dự báo được thị trường trong nước và nước ngoài. Quy hoạch cũng cần linh động theo nhu cầu của thị trường, Hiện chúng ta đang quy hoạch mà không xuất phát từ cầu, quy hoạch có tính chất là hình thức, máy móc” – ông Ngô Trí Long nói.

Các tin khác