GDP tăng vọt, mừng hay lo?

(ĐTTCO)-Cuối tháng 8, nhiều tờ báo nước ngoài dẫn nhận định của các chuyên gia, cho rằng kinh tế vĩ mô của Việt Nam đã thay đổi đáng kể sau khi Tổng cục Thống kê Việt Nam (GSO) thay đổi cách tính mới. Theo đó, trong giai đoạn 2010-2017 nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng hàng năm cao hơn các số liệu trước đây tới 25,4%. Như vậy nước ta đã có GDP cao hơn các số liệu cũ trung bình 40 tỷ USD mỗi năm, và thu nhập bình quân đầu người tăng thêm 500USD. Điều này mừng hay lo?
GDP tăng vọt, mừng hay lo?
Tính theo thông lệ quốc tế
Thực ra, cách tính mới của GSO được dựa trên phương pháp khuyến nghị bởi cơ quan thống kê Liên hiệp quốc. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng đã giúp đỡ Việt Nam trong công việc quan trọng này.
Theo GSO, việc tính lại quy mô GDP nhằm “phản ánh chính xác hơn quy mô và năng lực của nền kinh tế, nâng cao vị thế kinh tế của đất nước trong khu vực và quốc tế”.
Trong bối cảnh Việt Nam đang thiết kế Chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021-2025, việc đánh giá lại sẽ giúp Chính phủ định hướng chính xác cho sự phát triển quốc gia trong thập kỷ tới.
Không chỉ ở Việt Nam, kể từ năm 2010, nhiều quốc gia bao gồm Mỹ, Canada, Đức, Nga, Italia, Croatia và Indonesia cũng đã tính lại GDP, sau đó sửa đổi quy mô GDP cùng các chỉ số vĩ mô liên quan khác.
Sau khi sửa đổi, GDP của các quốc gia này đã tăng mạnh, chẳng hạn Mỹ thêm 560 tỷ USD vào năm 2012, Canada thêm 36,4 tỷ USD năm 2011, Trung Quốc thêm 305 tỷ USD năm 2013. Cũng trong năm 2013 sau khi tính lại, Nga tăng 24,3%, Đức tăng 3%, Italia tăng 7%, Bulgaria tăng 31,2% và Romania tăng 28,4%.

Nhưng cần chi tiết để có tính chính xác
Theo ông Robert Dippelsman, phó bộ phận thống kê IMF, việc tính lại và cập nhật GDP là “bình thường”. Do đó, IMF đánh giá rất cao các động thái của GSO trong việc tính lại nền kinh tế để đảm bảo 100% doanh nghiệp được xem xét. Tuy nhiên, cho đến nay các kết quả công bố của GSO mới chỉ là sơ bộ và chưa có số liệu chi tiết. 
Theo IMF, để đạt được con số thống kê chính xác là một điều khá khó khăn với Việt Nam, bởi “đất nước này là một quốc gia thay đổi rất nhanh”.
Cụ thể, theo chuyên gia tư vấn của IMF ông Emnanuel Manolikakis, cơ cấu kinh tế và số lượng doanh nghiệp của Việt Nam thay đổi quá nhanh, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, với khoảng 730.000 doanh nghiệp vào cuối năm ngoái, chiếm 97% tổng số doanh nghiệp trong nền kinh tế. Hơn nữa, các hộ kinh doanh gia đình cũng đang mọc lên quá nhanh, khiến việc thống kê rất phức tạp.
Làm sao để có dữ liệu chính xác? Ông Robert cho rằng, GSO cần hoàn thành “một nhiệm vụ rất khó khăn” là làm thế nào để phối hợp với tất cả các bộ, ngành liên quan để xem xét tất cả dữ liệu.
Trong khi đó GSO giải thích việc cần phải tính lại GDP, đó là sự phát triển của khu vực tư nhân trước đây không được phản ánh đầy đủ trong dữ liệu thống kê của tổng cục. Thí dụ, đóng góp của hơn 70.000 doanh nghiệp, bao gồm một số doanh nghiệp tư nhân lớn, vẫn chưa được đưa vào tính toán quy mô GDP hiện tại.

Mừng hay lo?
Hiện nay, GDP vẫn được nhìn nhận là một chỉ số quan trọng bậc nhất của một nền kinh tế. Các chính phủ thường dựa vào chỉ số này để hoạch định các chính sách tài chính-kinh tế vĩ mô như chi tiêu công, đầu tư, vay nợ, đánh thuế…
Theo kết quả sơ bộ của việc tính lại GDP được GSO công bố ngày 27-8-2019, có thể tính ra GDP năm 2017 của nước ta đã tăng từ 220 tỷ USD của số liệu cũ, lên 275 tỷ USD. Như vậy, ước tính đến nửa đầu năm 2019, nền kinh tế Việt Nam đã đạt quy mô lớn hơn 300 tỷ USD, kéo theo GDP đầu người cũng vượt mức 3.000USD, thay vì 2.590USD.
Điều này có nghĩa Việt Nam có thể sớm đạt được vị thế của một quốc gia có thu nhập trung bình cao, do đó có thể làm tăng đóng góp của Việt Nam cho các tổ chức quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Ngoài ra, việc thay đổi GDP sẽ dẫn đến những thay đổi quyết sách quan trọng, mà nếu không đúng thực chất sẽ lợi bất cập hại. Chẳng hạn, nợ công Việt Nam hiện đang ở “ngưỡng đỏ” 58,4% GDP, khiến Chính phủ phải hạn chế chi tiêu.
Nhưng một khi GDP được điều chỉnh tăng mạnh như kết quả tính lại vừa công bố, tỷ lệ nợ công đương nhiên cũng sẽ được điều chỉnh giảm về dưới 50% GDP. Điều này sẽ kích hoạt các kế hoạch chi tiêu công mạnh tay hơn, như việc vay nợ có thể tăng lên trong điều kiện nợ công, nợ doanh nghiệp đang ở mức cao và thu ngân sách hiện nay phần lớn để trả nợ, xóa nợ xấu.
Giới chuyên gia lo ngại cụm từ “dư địa lớn hơn” của Chính phủ trong điều hành chính sách, nếu bị lạm dụng có thể dẫn tới mất cân đối kinh tế vĩ mô.
Quy mô GDP tăng cũng đồng nghĩa năng suất lao động của Việt Nam đã được cải thiện. Lâu nay, vấn đề năng suất yếu kém của người lao động Việt Nam được nói đến nhiều và Chính phủ cũng đang ra sức tìm cách khắc phục. Việc tính lại khiến năng suất của người lao động Việt Nam “đột nhiên” tăng cao, có thể làm chững lại những nỗ lực chính sách của Chính phủ.
Như vậy, nếu những con số GDP được tính lại là chính xác thì thật sự đáng mừng. Nhưng lỡ như nó không chính xác, có thể dẫn đến việc “mình tự hại mình”. Mà như IMF nhận định, trong bối cảnh nguồn cung cấp dữ liệu hiện nay ở Việt Nam, việc tính toán chính xác dữ liệu GDP là “một nhiệm vụ rất khó khăn”.
Các chuyên gia nước ngoài cảnh báo, tại một số nước, chỉ số GDP còn được nhìn nhận dưới góc độ chính trị. Theo đó, GDP tăng trưởng mạnh sẽ tô hồng cho chính quyền. Vì cách nhìn nhận này, xảy ra tình trạng các chính quyền địa phương có khuynh hướng nâng cao chỉ số GDP của địa phương mình để “báo cáo thành tích”. Tình trạng GDP của các tỉnh, thành phố ở Việt Nam được báo cáo cao hơn GDP bình quân cả nước đã diễn ra nhiều năm nay.

Trên đà tăng
Nhưng dù sao, nền kinh tế Việt Nam vẫn đang trên đà tăng trưởng tốt. Đó là một thực tế mà các định chế thế giới đều nhìn nhận. Tại các cuộc họp và hội nghị gần đây về phát triển kinh tế Việt Nam, Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cho biết, trong 30 năm qua nước ta đã đạt được một kỷ lục phát triển đáng chú ý.
Một tài liệu của WB cho biết hiện nay nền kinh tế Việt Nam tiếp tục cho thấy sức mạnh cơ bản, được hỗ trợ bởi nhu cầu nội địa mạnh mẽ và sản xuất theo định hướng xuất khẩu. Tỷ lệ nghèo được ước tính đã giảm xuống dưới 3%. 
Năm ngoái, nền kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng cao nhất trong vòng 1 thập niên và đứng ở mức 223,9 tỷ USD. Chính phủ đã nhắm mục tiêu tăng trưởng GDP hàng năm từ 6,5-7%/năm trong giai đoạn 2016-2020. Năm nay,
Chính phủ đặt tỷ lệ tăng trưởng dự kiến là 6,8%. Trong khi đó, các tổ chức quốc tế có các dự báo khác nhau về Việt Nam, như IMF dự báo 6,5%, WB 6,6% và Ngân hàng Phát triển châu Á 6,8%. Tuy nhiên, Việt Nam dự kiến sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng cao nhất khu vực trong năm nay, so với Trung Quốc (6,3%), Indonesia (5,2%) và Philippines (6,4%).
Nhà cung cấp dữ liệu toàn cầu TradingEconomics mới đây dự báo theo các mô hình kinh tế lượng, GDP tại Việt Nam dự kiến sẽ đạt 255 tỷ USD vào cuối quý này. Về lâu dài, con số này được dự đoán có xu hướng khoảng 281 tỷ USD vào năm 2020. 

Các tin khác