GDP 6 tháng tăng cao, Samsung và Formosa “góp công” lớn?

(ĐTTCO)-GDP 6 tháng đầu năm 2018 tăng cao nhất trong 7 năm trở lại đây, một phần nhờ sự góp sức của 2 "ông lớn" ngoại là Samsung và Formosa.
GDP 6 tháng tăng cao, Samsung và Formosa “góp công” lớn?

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm 2018 ước tính tăng 7,08% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng cao nhất của 6 tháng kể từ thời điểm năm 2011.

Theo Tổng cục Thống kê, tăng trưởng GDP 6 tháng của năm 2011 chỉ đạt 5,9%, năm 2012 là 4,93%, năm 2013 là 4,9%, năm 2014 là 5,22%, năm 2015 là 6,32%, và năm 2017 là 5,83%.
Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm cho rằng, đóng góp lớn vào mức tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm nay là 3 khu vực: nông nghiệp, công nghiệp - xây dựng và dịch vụ.

Cụ thể, tăng trưởng ngành nông nghiệp đạt 3,93%, đóng góp gần 10% vào tăng trưởng chung. Ngành công nghiệp, xây dựng, tăng trưởng 9%, đóng góp gần 49% vào tăng trưởng chung. Khu vực dịch vụ tăng gần 7%, đóng góp vào mức tăng chung hơn 41%.

Bên cạnh đó, phải kể đến đóng góp lớn của 2 doanh nghiệp ngoại là Samsung và Formosa.

Ông Phạm Đình Thuý, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp của Tổng cục Thống kê cho biết, đóng góp của khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào GDP là rất tích cực.

Các doanh nghiệp FDI hoạt động khá hiệu quả và đóng góp đáng kể vào tăng trưởng GDP của Việt Nam. Trong 6 tháng đầu năm 2018, sản xuất công nghiệp của hai công ty FDI lớn nhất của Việt Nam là Samsung và Formosa đóng góp 28% giá trị sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo, ông Thúy cho hay.

Dễ chịu tác động lớn từ những "cú sốc" bên ngoài?

Theo thống kê, tăng trưởng kinh tế giới có xu hướng giảm cứ 10 năm một lần, nhiều dự báo đáy của chu kỳ sẽ rơi vào năm 2019 - 2020. Liệu Việt Nam có nằm ngoài vùng ảnh hưởng đó?

Về vấn đề này, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm cho rằng, chu kỳ khủng hoảng kinh tế sẽ không xảy ra vào năm 2019 - 2020. 

"Việt Nam đã trải qua nhiều đợt khủng hoảng kinh tế trong quá khứ. Chúng tôi hoàn toàn tin tưởng Việt Nam sẽ có biện pháp để giảm thiểu ảnh hưởng từ khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Nếu có khủng hoảng, chúng tôi tiên đoán phải từ năm 2021 trở đi mới diễn ra", ông Lâm nhấn mạnh.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cũng cho biết thêm, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo thương mại toàn cầu năm 2018 - 2019 vẫn ở mức cao.

 Còn theo đánh giá của ông Dương Mạnh Hùng - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ hệ thống tài khoản quốc gia cho rằng, cả thế giới và Việt Nam đều không thoát khỏi chu kì khủng hoảng kinh tế.

Hiện độ mở của nền kinh tế Việt Nam khá cao, gần 200% GDP. Việt Nam dễ chịu tác động lớn từ những "cú sốc" kinh tế bên ngoài. Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, Mỹ - EU cũng ảnh hưởng phần nào tới kinh tế Việt Nam, ông Hùng lưu ý.

Ông Hùng cho hay, nội tại nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng tốt nhưng chưa thực sự ổn định. Tỷ trọng đầu tư trên tổng GDP trong 3 năm gần đây giảm, sẽ có tác động đến giai đoạn 2019 - 2020./.

Các tin khác