Gánh nặng nợ công ngày càng lớn

Đầu năm đôn đáo vay nợ

(ĐTTCO) - Mặc dù thu ngân sách năm 2015 tăng 11% so với dự toán nhưng bội chi ngân sách vẫn lên đến 256.000 tỷ đồng, tương ứng với 6,1% GDP của năm. Ngay từ đầu năm Bộ Tài chính đã phải đặt kế hoạch vay nợ “khủng” đề bù hụt chi năm trước. Nhưng một tin không vui đối với ngân sách là từ năm 2017 NH Thế giới (WB) sẽ ngừng cấp vốn ODA cho Việt Nam, cùng với đó lãi suất vay vốn ODA của Việt Nam sẽ tăng gấp đôi và thời hạn vay cũng ngắn hơn. Điều này cho thấy kỷ luật chi tiêu, hiệu quả đầu tư công và vấn đề nợ công sẽ là một gánh nặng trong thời gian tới.

Đầu năm đôn đáo vay nợ

Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu ra tại Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2015, tăng trưởng GDP bình quân 5 năm đạt 5,91%. Quy mô và tiềm lực của nền kinh tế tiếp tục tăng, GDP năm 2015 đạt 193,4 tỷ USD, bình quân đầu người 2.109USD. Mặc dù báo cáo nhận định kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng kinh tế được duy trì, song Chính phủ không giấu nỗi lo về ngân sách khi nợ chính phủ đang trở nên khó khăn hơn, đã vượt giới hạn quy định (chiếm 50,3% GDP so với quy định không quá 50%) dù 2015 là một năm được cho là thành công. Trong năm qua, dù giá dầu thô sụt giảm mạnh nhưng tổng thu ngân sách nhà nước cả năm đạt 996.870 tỷ đồng, tăng 85.770 tỷ đồng so với dự toán và cao hơn mức đã báo cáo Quốc hội là 69.370 tỷ đồng. Tuy nhiên tổng chi ngân sách lên tới 1.262.870 tỷ đồng, tăng 10,1% so với dự toán đã khiến bội chi ngân sách nhà nước năm 2015 lên tới 256.000 tỷ đồng, tương đương 6,1% GDP, cao hơn mức đã báo cáo Quốc hội trước đó.

Việc thu ngân sách tăng trong bối cảnh giá dầu sụt giảm là một điều rất đáng mừng. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng việc tăng thu này khó bền vững khi mà địa phương tìm mọi cách tăng thu thuế để đạt mục tiêu kế hoạch. Điều đáng báo động là mức tăng chi ngân sách còn cao hơn nhiều so với tăng thu. Trong năm qua, tỷ lệ bội chi ngân sách so với GDP đã vượt xa ngưỡng an toàn 5% Quốc hội giao. Tuy vẫn nằm trong mức cho phép nhưng điều này cho thấy kỷ luật trong chi tiêu ngân sách rất lỏng lẻo và Quốc hội vẫn chưa kiểm soát được mức độ chi của Chính phủ.

Khó khăn chồng chất sang năm 2016 khi Bộ Tài chính cho biết trong 2 tháng đầu năm đã bội chi ngân sách nhà nước ước đạt 25.470 tỷ đồng, bằng 10% dự toán năm. Lũy kế huy động vốn trái phiếu chính phủ (TPCP) cho ngân sách nhà nước và đầu tư phát triển đạt 39.068 tỷ đồng, bằng 17,8%. Việc thiếu hụt ngân sách khiến cho Chính phủ tìm cách vay nợ để bù đắp. Cụ thể, bộ này lên kế hoạch phải vay thêm 25.000-30.000 tỷ đồng từ Bảo hiểm xã hội Việt Nam, vay khoảng 10.000 tỷ đồng vốn ngoài nước và phát hành khoảng 76.000-81.000 tỷ đồng TPCP trong quý đầu năm.

Được biết, trong năm 2016 con số trả nợ được báo cáo lên Quốc hội và Chính phủ được tính toán dựa trên kịch bản quản lý nợ, khoản nợ đến hạn và tình hình kinh tế hiện nay. Theo đó, các khoản phải trả nợ và đảo nợ chiếm hơn 24% trên tổng chi ngân sách, riêng trả nợ là 14,7%, tức tương đương trên 150.000 tỷ đồng, còn khoản đảo nợ là 95.000 tỷ đồng. Với tình hình thâm hụt ngân sách như hiện nay, dẫn đến yêu cầu phát hành TPCP ở mức cao sẽ gây áp lực lên lãi suất năm 2016. Tại bối cảnh thị trường tài chính hiện nay, hệ thống NH nắm giữ lượng TPCP khá lớn. Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc NHNN nhận định đây là một trong những thách thức trong điều hành chính sách tiền tệ trong năm 2016.

Áp lực nợ vay

Theo ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính), đến tháng 7-2017 Việt Nam sẽ không còn được vay vốn ODA từ WB. Đồng thời, nguồn vốn ODA đã vay cũng sẽ chuyển sang điều khoản trả nợ nhanh gấp đôi hoặc tăng lãi suất lên từ 2-3,5%/năm. Ông Long nhận định với điều khoản phải trả nợ nhanh và tăng lãi suất như vậy có thể gây “sốc” cho ngân sách trong việc thu xếp các khoản nợ trong thời gian tới.

Một vấn đề đáng quan tâm hiện nay là theo Bộ Tài chính, tổng vốn vay ODA và vay ưu đãi được Chính phủ vay trong 10 năm gần đây lên tới 45 tỷ USD. Trong đó phần vốn dành cho các địa phương (gần 15 tỷ USD) có đến 92,2% (gần 14 tỷ USD) dưới dạng “cấp phát”, chỉ có 7,8% là cho vay lại. Như vậy, các địa phương được “phát không” 14 tỷ USD mà không phải hoàn trả lại. Do đó, theo lẽ thường việc sử dụng vốn này rất khó có hiệu quả cũng như chịu áp lực phải sử dụng vốn một cách hiệu quả. Theo đó, nguồn vốn vay ODA Chính phủ sẽ thực hiện cơ chế cho vay lại chính quyền địa phương và cho vay lại chịu rủi ro tín dụng. Tỷ lệ cho vay lại được xác định theo điều kiện của nguồn vốn và tính chất từng dự án cụ thể. Điều này cũng phù hợp với việc trong thời gian tới nhiều địa phương sẽ được phân cấp tự vay nợ và trả nợ.

Thời gian qua đầu tư công ở Việt Nam được đánh giá còn nhiều yếu kém. Nhiều dự án tổng vốn đầu tư tăng cao so với dự toán ban đầu, rồi tham nhũng, lãng phí. Bên cạnh đó, nhiều dự án đầu tư bằng nguồn vốn ODA chịu nhiều ràng buộc bởi bên cung cấp vốn nên dẫn tới chi phí tăng cao và không chọn được nhà thầu tốt nhất. Đặc biệt việc vay vốn với giá rẻ dễ làm cho việc đầu tư không chú trọng đến hiệu quả mà chỉ chú trọng vào “giải ngân”. Hiện nay, tình trạng nợ công đang ở mức báo động cao khi mới năm 2015 đã lên tới mức 62,2% GDP, tức gần chạm mức trần cho phép 65% GDP. Đặc biệt, với tốc độ “bội chi” ngân sách như hiện nay, việc “kìm cương” nợ công không phải dễ dàng.

Rủi ro nợ công thể hiện ở chỗ liên quan đến kỳ hạn trả nợ. Trước đây vay vốn ODA thường kéo dài 30 - 40 năm, hiện nay thời gian vay thường chỉ từ 20 - 25 năm, thậm chí nhiều nhà tài trợ chỉ cho vay 15 năm. Đây là một kỳ hạn khá ngắn đối với những công trình đầu tư cơ sở hạ tầng thường có thời gian sử dụng 40 - 50 năm. Điều này đặt ra áp lực tài chính rất lớn đối với dự án đầu tư. Song điểm đáng lo ngại là áp lực trả nợ cũ sẽ ngày càng lớn. Điểm rơi trả nợ nhiều nhất của Việt Nam vào khoảng năm 2022-2025. Đây cũng chính là thời điểm Việt Nam không thể vay vốn ODA được nữa. Do đó việc vay vốn với lãi suất thương mại để đầu tư hoặc trả nợ cũ sẽ gây  áp lực cho ngân sách.

Một số ý kiến cho rằng, việc sử dụng vốn ODA có hiệu quả thấp là có bóng dáng của tư duy nhiệm kỳ. Chẳng hạn việc vay vốn đầu tư có thể mang lại thành quả ngay lập tức cho những người đương nhiệm. Tuy nhiên, về dài hạn dự án không có hiệu quả, gánh nặng nợ nần chuyển về tương lai và lúc đó những người đưa ra quyết định đầu tư cũng đã hết nhiệm kỳ và về hưu. Cơ chế không có người chịu trách nhiệm rõ ràng làm cho hiệu quả đầu tư công nói chung, hiệu quả đầu tư vốn ODA càng thấp.

Các tin khác