Đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển

(ĐTTCO)-Là một trong những quốc gia được đánh giá là có rất nhiều lợi thế để phát triển kinh tế biển, Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2020, kinh tế biển đóng góp từ 53-55% vào GDP.
Những tàu cá của ngư dân phường Nại Hiên Đồng, quận Sơn Trà được đóng mới theo Quyết định 47 của thành phố Đà Nẵng. (Ảnh: Đinh Văn Nhiều/TTXVN)
Những tàu cá của ngư dân phường Nại Hiên Đồng, quận Sơn Trà được đóng mới theo Quyết định 47 của thành phố Đà Nẵng. (Ảnh: Đinh Văn Nhiều/TTXVN)

Mạnh về biển

Biển và hải đảo có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, xã hội, quốc phòng và an ninh của hầu hết các quốc gia trên thế giới, nhất là những quốc gia có biển. Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia giàu về tài nguyên biển và hải đảo. 

Việt Nam là một quốc gia ven bờ biển Đông, có các vùng biển và thềm lục địa thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia rộng hơn 1 triệu km2 (gấp 3 lần diện tích đất liền); có hàng nghìn hòn đảo lớn, nhỏ trong đó có 2 quần đảo là Hoàng Sa và Trường Sa. 

Việt Nam có bờ biển dài trên 3.260 km, nằm trong số 10 quốc gia có chỉ số cao nhất về chiều dài bờ biển so với diện tích lãnh thổ trên thế giới. Hiện cả nước có đến 28 tỉnh, thành phố ven biển, chiếm trên 40% diện tích đất liền và gần 50% dân số toàn quốc. 

Hơn thế, vùng biển nước ta thuộc Biển Đông - một trong những con đường giao thương hàng hải quốc tế nhộn nhịp nhất trên thế giới, nối liền Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Bờ biển mở ra cả 3 hướng Đông, Nam và Tây Nam nên rất thuận lợi cho việc giao lưu thương mại quốc tế và hội nhập kinh tế biển. Đến nay, Việt Nam đã ký hiệp định hàng hải thương mại với 26 quốc gia; Việt Nam đã phát triển được 30 cảng biển với 166 bến cảng, 350 cầu cảng với tổng chiều dài khoảng 45.000m; xây dựng 18 khu kinh tế ven biển… Mặt khác, vùng biển rộng lớn với nhiều đảo cũng là không gian trọng yếu để bảo đảm an ninh-quốc phòng. 

Biển và hải đảo Việt Nam cũng được đánh giá là giàu tài nguyên, nhiều tiềm năng. Cụ thể, biển Việt Nam có khoảng 35 loại hình khoáng sản có quy mô trữ lượng khai thác khác nhau. Trong đó, dầu khí là tài nguyên lớn nhất ở thềm lục địa nước ta có tầm chiến lược quan trọng. Ngành dầu khí Việt Nam đã đạt mốc khai thác 100 triệu tấn dầu thô năm 2011; mốc 200 triệu tấn dầu thô năm 2012. 

Năm 2013, xuất khẩu dầu thô đạt mốc 300 triệu tấn. Ngoài ra, biển Việt Nam còn có tiềm năng băng cháy-loại hình tài nguyên mới của thế giới; vùng ven biển còn chứa đựng tiềm năng to lớn về quặng sa khoáng như titan, zircon, thiếc, vàng, sắt, mangan, thạch cao, đất hiếm…

Bên cạnh đó, trên vùng biển Việt Nam đã phát hiện được khoảng 11.000 loài sinh vật cư trú trong hơn 20 kiểu hệ sinh thái điển hình, thuộc 6 vùng đa dạng sinh học biển khác nhau. 

Ngoài ra, còn phát hiện khoảng 1.300 loài trên các hải đảo. Đa dạng sinh học biển và các hệ sinh thái đã cung cấp nguồn lợi hải sản to lớn cho nền kinh tế. Năm 2016, sản lượng thủy sản khai thác của cả nước đạt trên 3,1 triệu tấn; trong 10 tháng đầu năm 2017, con số này đã đạt trên 2,7 triệu tấn.

Giàu tiềm năng du lịch là nét đặc sắc của biển Việt Nam. Với trên 120 bãi biển lớn nhỏ, nắng ấm quanh năm, không khí trong lành với nhiều cảnh quan đẹp... là điều kiện lý tưởng để xây dựng các khu nghỉ mát, nghỉ dưỡng, du lịch cao cấp. Bên cạnh đó, đảo và vùng ven biển tập trung nhiều di sản thế giới, khu dự trữ sinh quyển, vườn quốc gia, các khu bảo tồn thiên nhiên; nhiều di tích văn hóa-lịch sử; các lễ hội dân gian của cư dân miền biển; tín ngưỡng, phong tục tập quán liên quan đến biển… Ðây chính là nguồn tài nguyên giàu có để phát triển du lịch biển đảo bền vững.

Phấn đấu đến năm 2020, kinh tế biển đóng góp từ 53-55% GDP 

Nhận thức được tầm quan trọng của biển, đảo, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách nhằm giữ gìn và phát huy các tiềm năng, lợi thế biển, đảo, điển hình là "Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020."

Theo đó, mục tiêu tổng quát của Chiến lược này là đến năm 2020, phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, bảo đảm vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển, đảo, góp phần quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, làm cho đất nước giàu mạnh.

Mục tiêu cụ thể là xây dựng và phát triển toàn diện các lĩnh vực kinh tế, xã hội, khoa học-công nghệ, tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh. Phấn đấu đến năm 2020, kinh tế trên biển và ven biển đóng góp khoảng 53-55% tổng GDP của cả nước. Giải quyết tốt các vấn đề xã hội, cải thiện một bước đáng kể đời sống nhân dân vùng biển và ven biển; có thu nhập bình quân đầu người cao gấp 2 lần so với thu nhập bình quân chung của cả nước. 

Cùng với xây dựng một số thương cảng quốc tế có tầm cỡ khu vực, hình thành một số tập đoàn kinh tế mạnh, sẽ xây dựng một số khu kinh tế mạnh ở ven biển; xây dựng cơ quan quản lý nhà nước tổng hợp thống nhất về biển có hiệu lực, hiệu quả; mở rộng hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực về biển. 

Thực hiện mục tiêu trên, những năm gần đây, Việt Nam đã quan tâm, đầu tư phát triển kinh tế biển, kinh tế ven biển theo hướng khai thác có hiệu quả các nguồn tài nguyên biển; đẩy mạnh công nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản, gắn phát triển nuôi trồng với nâng cao hiệu quả khai thác, đánh bắt; tăng nhanh các ngành du lịch, dịch vụ; triển khai xây dựng các cụm công nghiệp, khu kinh tế ven biển; kết hợp phát triển kinh tế biển bền vững gắn với đảm bảo an ninh quốc phòng vùng biển…

Đặc biệt, nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền về quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững biển và hải đảo Việt Nam, từ năm 2010, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì phát động Tuần lễ Biển và hải đảo Việt Nam với ý nghĩa là Tuần lễ quốc gia cùng với Lễ míttinh kỷ niệm ngày Đại dương thế giới (8/6). 

Sự kiện này được tổ chức hàng năm với mục đích nhấn mạnh về vị trí, tầm quan trọng của biển, hải đảo trong sự nghiệp xây dựng bảo vệ tổ quốc, cũng như tôn vinh các giá trị tài nguyên biển, đồng thời nâng cao nhận thức và trách nhiệm trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững tài nguyên và môi trường biển.

Các tin khác