Dự luật Quảng cáo - Băn khoăn tính khả thi

Ảnh chỉ mang tính chất minh họa.
 Ảnh chỉ mang tính chất minh họa.

Ảnh chỉ mang tính chất minh họa.

Đầu tuần này, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự luật Quảng cáo. Đây là dự án luật còn nhiều nội dung tạo các quan điểm khác nhau, như đâu là cơ quan chịu trách nhiệm trong quản lý nhà nước về lĩnh vực quảng cáo, làm sao để xác định và xử lý quảng cáo không đúng sự thật… khiến nhiều ý kiến băn khoăn về khả năng thực thi.

Theo tờ trình của Chính phủ, cơ quan chịu trách nhiệm chính là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch. Nhưng thực tế lĩnh vực quảng cáo đã được đề cập trong Luật Thương mại, nên đứng ở góc độ kinh tế Bộ Công Thương phải là cơ quan quản lý, bởi việc quản lý sản phẩm, hàng hóa chủ yếu nhằm mục đích thương mại.

Vì thế đưa ra lý do mỗi sản phẩm quảng cáo, ngoài việc đảm bảo thông tin chính xác, phải hàm chứa yếu tố văn hóa, thẩm mỹ phù hợp với các chuẩn mực đạo đức và thuần phong mỹ tục nước ta, để giao cho Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch chịu trách nhiệm cũng chưa hoàn toàn thuyết phục.

Trên thực tế, khoảng 80% thị phần quảng cáo hiện nay được thực hiện thông qua các phương tiện thông tin đại chúng như báo in, hệ thống đài phát thanh, đài truyền hình, internet, các phương tiện truyền dẫn phát sóng, xuất bản phẩm...

Mà lĩnh vực này lại do Bộ Thông tin - Truyền thông quản lý. Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch chỉ trực tiếp quản lý quảng cáo ngoài trời (quảng cáo trên bảng, biển, pano, băng rôn). Do đó, theo quan điểm của nhiều đại biểu Quốc hội, cơ quan chịu trách nhiệm chính nên là Bộ Thông tin - Truyền thông.

Bởi lẽ nếu để Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch quản lý, cơ quan này cũng phải dò tìm, rà soát các ấn phẩm báo chí để xem quảng cáo có đúng hay không. Đó là điều không hợp lý.

Quảng cáo đóng vai trò quan trọng trong việc đưa thông tin sản phẩm, doanh nghiệp đến người tiêu dùng. Do vậy nếu quảng cáo sản phẩm, hàng hóa sai sự thật là vi phạm quyền lợi người tiêu dùng. Nhưng để xác định được một quảng cáo sai sự thật cần đề cập đến vai trò các bên liên quan như người quảng cáo, phát hành quảng cáo và cần thiết phải có một cơ quan giám định.

Còn nếu chỉ nhận xét quảng cáo sai, vi phạm theo cảm tính sẽ không thuyết phục về mặt pháp lý. Một trong những điều khiến nhiều dư luận băn khoăn là hiện nay trên các phương tiện thông tin đại chúng nhan nhản quảng cáo sai sự thật, gây ảnh hưởng tiêu cực đến người tiếp nhận quảng cáo, nhưng chưa có cơ quan nào chịu trách nhiệm.

Vì thế, vấn đề đặt ra là khi đề cập đến cơ quan giám định, dự luật cần quy định rõ ràng trách nhiệm của cơ quan này, điều mà suốt thời gian dài đã bị buông lỏng. Và để có thể xác định được quảng cáo sai sự thật phải có tiêu chí cụ thể trong các hướng dẫn sau này.

Thực tế, nhiều quy định đã ban hành chỉ mang tính phòng ngừa là chính, nên khi triển khai thực hiện cụ thể đã phát sinh nhiều bất cập, khó thực thi. Trong khi đó, theo thông lệ quốc tế, khi trình dự án luật, cơ quan soạn thảo phải trình cả báo cáo đánh giá tác động của từng điều khoản nếu được ban hành, bao nhiêu nhân lực tham gia…

Hiện nay trong lĩnh vực quảng cáo đang tồn tại thực tế nhiều doanh nghiệp vì mục tiêu lợi nhuận, đã quảng cáo sản phẩm của mình bằng cách phóng đại đến mức phi lý, thậm chí gây phản cảm. Điều đáng buồn là những quảng cáo không đúng sự thật này lại đang hiện diện trên kênh truyền hình, báo giấy.

Cũng phải thừa nhận quảng cáo là nguồn thu đáng kể của nhiều cơ quan báo chí nên việc chấn chỉnh không dễ, vì có thể người quảng cáo, người phát hành quảng cáo cho là đúng nhưng cơ quan khác đánh giá ngược lại. Do đó, điều cấp thiết hiện nay là phải có một cơ quan đứng ra giám định, chịu trách nhiệm chính.

Tuy nhiên lĩnh vực quảng cáo rất rộng, liên quan đến nhiều bộ, ngành… do đó sẽ có sự chồng chéo và làm giảm hiệu quả của công tác giám định. Vì vậy điều khiến nhiều đại biểu băn khoăn nhất là tính khả thi nếu dự luật được ban hành.

Các tin khác