Đón đọc ĐTTC bộ mới số 25 phát hành thứ hai ngày 23-9

(ĐTTCO)-Mời quý độc giả đón đọc báo ĐTTC bộ mới số 25 phát hành ngày 23-9 với nhiều chuyên mục:
Đón đọc ĐTTC bộ mới số 25 phát hành thứ hai ngày 23-9 ảnh 1
- Chưa tận dụng thị trường ASEAN: Nói về tiềm năng thị trường ASEAN, bà Phạm Chi Lan, nguyên thành viên Ban Nghiên cứu kinh tế của Chính phủ, cho rằng dự báo Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ tư trên thế giới vào năm 2030. Trong khi đó, sau 4 năm tham gia AEC, doanh nghiệp Việt vẫn còn thờ ơ và bỏ qua thị trường này. Bên cạnh đó, những cam kết về tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp vẫn chưa phát huy hiệu quả, gỡ chỗ nọ lại vướng chỗ kia, khiến doanh nghiệp không mặn mà với AEC. (Lưu Thủy) 
- Nhà giá thấp cần cơ chế riêng: Theo mục tiêu chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, để đáp ứng nhu cầu NoXH cho người thu nhập thấp, công nhân các khu công nghiệp, đến năm 2020 cần có 12,5 triệu m2 sàn NoXH. Song, đến nay việc phát triển NoXH mới đạt khoảng 33% (hơn 4 triệu m2 sàn). Vì sao lại chậm trễ như vậy? Đó là do doanh nghiệp không mặn mà vì lợi nhuận thấp; chính sách NoXH dựa trên cơ chế bao cấp nên luôn có nguy cơ bị biến dạng, trục lợi. Thực tế này đòi hỏi phải có cơ chế riêng để tạo động lực phát triển cho nhà giá thấp. (Nguyễn Hồng) 
- Phát triển nhà ở khu đô thị vệ tinh: 5 năm dân số TPHCM tăng thêm 1 triệu người, phần lớn trong số này là cán bộ công chức, sinh viên, công nhân lao động, người nhập cư có mức thu nhập trung bình và thấp. Trong khi đó giá nhà, đất lại tăng cao theo năm tháng. Vì thế, giải quyết nhu cầu nhà ở cho các đối tượng này là vấn đề cấp thiết của TPHCM nhằm đảm bảo an sinh xã hội và phát triển bền vững, nhưng cũng không hề dễ dàng ở đô thị có giá bất động sản quá cao. Để giải quyết nhu cầu nhà ở, trước tiên cần áp dụng mô hình phát triển các dự án nhà ở trong các khu đô thị vệ tinh. (Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM)
- Phá vỡ quy hoạch không gian đô thị: TPHCM hiện không thiếu đất để xây dựng nhà ở khi diện tích TP lên đến 2.100km2. Nhưng có thực tế, cách tổ chức không gian đô thị của TP đang dẫn đến tình trạng vừa thiếu vừa thừa đất hữu dụng. Sự dôi dư, thiếu hụt sản phẩm hay giá cả nhà ở lên xuống phụ thuộc rất nhiều vào công tác quy hoạch không gian. Vì thế, tái quy hoạch không gian để khơi thông quỹ đất cho thị trường BĐS, trong đó có nhà chung cư, là việc cấp thiết hiện nay của TPHCM. (PGS.TS Nguyễn Minh Hòa)
- Áp lực nhà ở các siêu đô thị: Theo kết quả điều tra dân số và nhà ở năm 2019, Hà Nội hơn 8 triệu dân và TPHCM gần 9 triệu người. Nếu kể cả số khách vãng lai và người đến làm ăn, sinh sống theo mùa vụ, dân số tại 2 siêu đô thị này lên tới 12-13 triệu người, tạo ra gánh nặng lớn cho phát triển hạ tầng, tiện ích công cộng. Giải tỏa áp lực này, cần xem xét, điều chỉnh lại chính sách phát triển NoXH, theo hướng cắt bỏ hoàn toàn cơ chế bao cấp; giải quyết hợp tình, hợp lý vấn đề dân di cư… (GS.TSKH Đặng Hùng Võ)
- Không thể cấp bù lãi suất cho BOT giao thông: Hiện nay, các chủ đầu tư dự án BOT giao thông chỉ tự đáp ứng được 10-15% tổng vốn, còn lại đều dựa vào tín dụng ngân hàng. Theo đề xuất mới đây, những doanh nghiệp đảm bảo được 50% tổng mức đầu tư dự án và vay từ NH 50%, có thể chỉ vay với mức lãi suất 6%/năm, phần chênh lệch lãi suất Nhà nước bù. Thực chất đây là đề xuất phục hồi và mở rộng cơ chế lãi suất ưu đãi và cấp bù lãi suất trước đây. Cơ chế này chỉ giải quyết được một phần chủ đầu tư dự án BOT có năng lực tài chính yếu kém, chưa đụng chạm đến vấn đề cốt lõi là rủi ro tín dụng bắt nguồn từ rủi ro chính sách. (TS. Vũ Đình Ánh)
- Tạo niềm tin và pháp lý để hút vốn từ PPP: Ước tính nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng của Việt Nam khoảng 480 tỷ USD trong thời gian 2017-2030. Do đó, ngoài sử dụng nguồn ngân sách, cần thu hút đầu tư tư nhân như các thị trường mới nổi đã áp dụng hình thức đối tác công tư (PPP) để đầu tư phát triển các dự án hạ tầng. PPP thu hút nguồn tài chính tư nhân sẽ giúp chính phủ phát triển tài sản khu vực công không phải chi trả trước những khoản vốn đầu tư lớn. Nguồn tài chính tư nhân sẽ bổ sung nguồn tài chính ngân sách, giúp tài trợ các dự án mà nếu không có không thể thực hiện được. (Lynn Tho, chuyên gia Công ty EY Singapore) 
- Đừng bỏ lỡ cơ hội "vàng": Mỹ và Trung Quốc là 2 đối tác lớn trong quan hệ thương mại của Việt Nam. Vì thế, thương chiến Mỹ - Trung đang gây sức ép lớn lên doanh nghiệp Việt. Nhưng đây cũng là cơ hội tốt để doanh nghiệp thay đổi cơ cấu sản xuất kinh doanh, trở thành “mắt xích” trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Để có thể tận dụng, chuyển hóa được cơ hội thành thực tế trong đời sống kinh tế, cần có cuộc cách mạng bằng việc chuyển hóa về chiến lược, nhận thức, quyết tâm thực hiện của các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp. Nếu không sẽ bỏ lỡ cơ hội ngàn vàng này. (PGS.TS Đinh Trọng Thịnh)
- Vì sao starup công nghệ khó gọi vốn: Mỗi năm ước tính thế giới có trên 50 triệu dự án startup (khởi nghiệp) công nghệ ra đời, nhưng đa phần thất bại. Nguyên nhân chính không phải vì mô hình kinh doanh hay năng lực điều hành yếu kém, mà là không thể gọi vốn cho các giai đoạn phát triển. Các startup có xu hướng định giá trị công ty của mình rất cao khi gọi vốn. Nguyên nhân do họ thường dựa trên những thành công vượt trội về giá trị công ty của các công ty công nghệ Mỹ. (TS. Đinh Thế Hiển)
- EVN gập ghềnh thoái vốn: Nhiều đầu mối cơ quan chức năng cùng tham gia cho ý kiến, với nhiều cách hiểu khác nhau về các văn bản quy phạm pháp luật, thiếu nhất quán, là một trong những nguyên nhân chính khiến tiến trình thoái vốn của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) rơi vào cảnh “gập ghềnh”. Cơ chế phối thuộc giữa các cơ quan chức năng về chỉ đạo CPH hiện nay rất lỏng lẻo. Không chỉ khó về thoái vốn, việc chưa có quy định và hướng dẫn cụ thể thực hiện, cách hiểu văn bản của mỗi cơ quan mỗi khác khiến thu hút nhà đầu tư khó khăn. (Lưu Thủy)
- Viet Capital Bank: Có quá sức mục tiêu Basel II?: Ngày 23-8, NHTMCP Bản Việt (Viet Capital Bank) công bố đã rà soát và triển khai xây dựng mô hình quản trị rủi ro theo chuẩn mực Basel II, và tự hoàn thành một số hạng mục của lộ trình. Nhà băng này cũng nộp hồ sơ lên NHNN xin chấp thuận về việc áp dụng tỷ lệ an toàn vốn sớm hơn dự kiến. Nhưng xét về tình trạng sức khỏe, việc áp dụng Basel II sẽ không dễ đối với NH này. Đến thời điểm này vẫn chưa thấy có phương án tăng vốn điều lệ nào được đưa ra. Chưa có kế hoạch tăng vốn nhưng lại muốn sớm áp dụng Basel II là việc khá mâu thuẫn tại NH này. (Đỗ Linh)
- Cổ phiếu Mỹ có giá quá cao, liệu có lao dốc?: Theo tính toán của một số tổ chức đầu tư ở Mỹ, chỉ số P/E của Mỹ đang ở mức 26, cao so với mức 15 của mặt bằng trung bình cổ phiếu ở nước khác. Deutsche Bank vừa đưa ra một báo cáo cho rằng, với việc chỉ số ISM (Institute for Supply Management) đi vào mức thu hẹp, chỉ số S&P 500 phải giảm xuống 2.600 thay vì ở mức 3.000 hiện tại. Một mức giảm khoảng 13%. (Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên Đại học Bristol, Vương quốc Anh)
- Thất vọng RAL: Dù hoạt động sản xuất kinh doanh tương đối khả quan, nhưng vụ cháy nhà xưởng mới đây đã khiến CP của CTCP Bóng đèn và Phích nước Rạng Đông (RAL) bị tác động tiêu cực. Đáng chú ý, dù niêm yết từ khá lâu trên TTCK nhưng RAL khiến cổ đông và NĐT thất vọng bởi sự thiếu minh bạch về thông tin. (Kim Giang)
- TKV thoát “nạn” nhưng chưa an toàn: Trong báo cáo kết quả kinh doanh hợp nhất 6 tháng đầu năm 2019 của Tổng Công ty Khoáng sản Việt Nam (TKV), cho thấy doanh nghiệp này đã có lợi nhuận trước thuế. Song, những con số này vẫn chưa đủ để đảm bảo sức khỏe TKV đã thực sự phục hồi ở ngưỡng an toàn. (Lưu Thủy)
- Bài học cảnh tỉnh: Việc Cơ quan CSĐT Công an TPHCM  căn cứ theo chỉ đạo của Bộ Công an ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giữ, tạm giam ông Nguyễn Thái Luyện và Nguyễn Thái Lĩnh, Chủ tịch và Tổng giám đốc CTCP Địa ốc Alibaba, để điều tra hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015, đã làm rúng động hàng ngàn nhà đầu tư, khách hàng đang đầu tư tại các dự án mà doanh nghiệp này đang rao bán thời gian qua. (Trà Giang)
- Bất động sản dò dẫm tìm vốn: Quý III-2019, vốn đầu tư tiếp tục là bài toán khó với các doanh nghiệp bất động sản (BĐS). Không chỉ doanh nghiệp nhỏ, những doanh nghiệp tầm trung cũng lao đao khi tín dụng BĐS ngày càng siết chặt, trong khi các kênh huy động vốn khác vẫn chưa phát huy tác dụng. (Lưu Thủy)
- Nông nghiệp hữu cơ: Tham vọng thiếu cơ sở: Bộ NN-PTNT đang xây dựng dự thảo đề án “Phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020-2030”. Mục tiêu của đề án đến năm 2030, Việt Nam đứng trong top 15 thế giới về nông nghiệp hữu cơ (NNHC). Đây là mục tiêu khá tham vọng và để hoàn thành cần nhiều chính sách cho NNHC và những chính sách ấy phải đến được doanh nghiệp (DN) và nông dân. Hành lang pháp lý cho NNHC phát triển gần như chưa có, việc xin được giấy chứng nhận cho vùng nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi hữu cơ cũng phải trải qua “rừng” thủ tục, nên dễ khiến DN nản. (Thanh Lâm)
- Tuyệt tác đồng hồ lộ máy (Cao Nguyên)
- Không gian sống 4.0 (Nhã Trúc)
- Bữa trưa thư giãn cùng khách sạn Rex (Phương Hằng)
- Điều trị viêm loét dạ dày tá tràng (BS.CKII Trần Minh Quang, Viện Y dược học dân tộc TPHCM)
- Kiên Giang - Hà Huy Hà: Đa tài, nhân hậu và nghĩa tình: Kiên Giang - Hà Huy Hà là tên tuổi nổi bật của đất phương Nam, không chỉ trong văn chương mà còn trên sân khấu kịch trường Sài Gòn trước đây với tư cách soạn giả và nhà báo. Có thể nói Kiên Giang là nghệ sĩ lãng tử cuối cùng của thế hệ tài hoa bước ra từ cuộc kháng chiến chống Pháp ở Nam bộ. Năm nay kỷ niệm 90 năm ngày sinh của ông (1929-2019) và tròn 5 năm ngày ông vĩnh viễn ra đi. (Phan Hoàng)
- AMEB và AMPA Education: Nâng cao tiêu chuẩn đào tạo âm nhạc: Hội đồng khảo thí Âm nhạc quốc gia Australia AMEB (Australian Music Examinations Board) vừa ký kết hợp tác kết nối - đào tạo - cung cấp chứng chỉ âm nhạc quốc tế AMEB với Tổ chức Giáo dục Âm nhạc và Nghệ thuật Biểu diễn Á Châu (AMPA Education). Sự kiện đánh dấu bước phát triển mới của AMPA Education hướng đến mục tiêu kết nối, giáo dục và phát triển cộng đồng thông qua âm nhạc - nghệ thuật tại Việt Nam. (Đoàn Loan)
- Đỉnh cao nghệ thuật gốm sứ Seto Celadon: Đồ sứ nghệ thuật Seto Celadon (瀬戸青瓷) đã trở nên nổi tiếng thế giới từ thời Minh Trị Thiên Hoàng, khi người Nhật dành hơn 7% sản phẩm này xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Vượt trên cả sứ Sato Ruri (瀬戸瑠璃) hay Sometsuke (染付) với đặc trưng nét vẽ dưới men màu xanh thanh thiên và trắng tinh hoàng gia quý phái, Seto Celadon luôn sống động như một bức tranh hoa lá và chim chóc được vẽ nổi 3D trên nền men phủ xanh màu ngọc bích. (TS. Trương Đình Bảo Long)
- Nhiễm độc chì vụ cháy nhà thờ Đức Bà Paris: Khi ngọn lửa bao trùm mái vòm nhà thờ Đức Bà Paris vào ngày định mệnh tháng 4, sự xót xa và tâm lý nôn nóng muốn nhanh chóng phục hồi di sản vô giá 850 năm tuổi đã làm cộng đồng quên mất một rủi ro rất lớn: nhiễm độc chì. Cuối tháng 7, một nhóm môi trường Pháp đã đệ đơn kiện Chính phủ về phản ứng chậm trễ. Cho đến tận bây giờ, các nỗ lực tẩy ô nhiễm chì trong khu vực vẫn tiếp tục. (Cẩm Hà)
- Ingvar Kampard: Nhà sáng lập đế chế IKEA vĩ đại: Tỷ phú Ingvar Kampard là một nhà tư sản người Thụy Điển, đồng thời là người sáng lập thương hiệu bán lẻ nội thất IKEA lớn thứ 3 trên toàn thế giới. Tạp chí Forbes đánh giá Ingvar Kampard là doanh nhân vĩ đại nhất thế kỷ 20, luôn nằm trong top 10 người giàu nhất thế giới với khối tài sản trị giá đến 28 tỷ USD trong khoảng thời gian từ năm 2006-2010. (Thiên Bảo)
- Nhà kính có thực sự đe dọa môi trường?: Gần đây, báo chí trong nước dẫn lời nhiều quan chức và nhà khoa học trong nước, cho rằng việc các hộ nông dân ở Đà Lạt canh tác bằng nhà nylon (nhà kính) đã góp phần làm biến đổi khí hậu Đà Lạt, chịu trách nhiệm lớn cho trận ngập lụt lịch sử vừa qua. Để cung cấp cho bạn đọc nhiều thông tin hơn, chúng tôi đã tìm hiểu các tài liệu nước ngoài về vấn đề tác động môi trường từ hoạt động canh tác bằng nhà kính. (Anh Kiệt)
Và nhiều chuyên mục khác...
MỜI BẠN ĐỌC ĐÓN XEM

Các tin khác