Đón đọc ĐTTC bộ mới số 24 phát hành thứ hai ngày 16-9

(ĐTTCO)-Mời quý độc giả đón đọc báo ĐTTC bộ mới số 24 phát hành ngày 16-9 với nhiều chuyên mục:
Đón đọc ĐTTC bộ mới số 24 phát hành thứ hai ngày 16-9 ảnh 1
- GDP tăng vọt, mừng hay lo?: Theo cách tính mới của Tổng cục Thống kê, trong giai đoạn 2010-2017 nền kinh tế tăng trưởng hàng năm cao hơn các số liệu trước đây tới 25,4%. Theo đó, nước ta có GDP cao hơn các số liệu cũ trung bình 40 tỷ USD/năm, thu nhập bình quân đầu người cũng tăng thêm khoảng 500USD. Nếu những con số GDP này là chính xác sẽ rất đáng mừng vì nó đẫn đến những thay đổi quyết sách quan trọng. Còn nếu không đúng sự thật, những con số GDP ảo này sẽ dẫn đến lợi bất cập hại, mình tự hại mình. (Linh Trúc)
- Giảm lãi suất điều hành, không có nghĩa lãi vay giảm: Việc NHNN quyết định điều chỉnh lãi suất điều hành theo hướng giảm xuống nhằm thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế, hỗ trợ xuất khẩu. Dù vậy, theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - NH, lúc này các NHTM đang chịu áp lực tăng lãi suất huy động trung và dài hạn để huy động vốn nên cũng khó giảm lãi suất cho vay. (Yên Lam)
- Lãi suất châu Âu xuống đáy, Việt Nam đối phó ra sao?: Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vừa thông qua một loạt chính sách để kích thích nền kinh tế đang trì trệ, như hạ lãi suất tiền gửi các ngân hàng gửi ở ECB xuống mức thấp kỷ lục, từ -0,4% xuống -0,5%; khởi động lại chương trình mua trái phiếu với quy mô 20 tỷ EUR/tháng bắt đầu từ 1-11… Động thái này cho thấy chính sách tiền tệ của ECB đang chạm đến điểm giới hạn về hiệu quả của nó. Với Việt Nam cũng đang chạm vào điểm chính sách tiền tệ không còn nhiều dư địa để xoay sở. Sớm hay muộn sẽ phải kêu gọi gia tăng chi tiêu công hoặc giảm thuế để hỗ trợ doanh nghiệp. (Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên Đại học Bristol, Vương quốc Anh)
- Chống rửa tiền qua BĐS và khoảng trống: Trong thời gian gần 10 năm nay, các tổ chức quốc tế đã đặt vấn đề cần có hành động chung về phòng chống rửa tiền và tài trợ khủng bố như một trọng điểm trên phạm vi toàn cầu, cần sự tham gia của tất cả quốc gia. Đây là hoạt động quốc tế ở tầm cao. Nó không chỉ đặt ra yêu cầu ngăn chặn hành vi bằng cơ chế minh bạch, còn đặt ra yêu cầu kiểm soát việc lưu thông tiền tệ trên thị trường, và Việt Nam cũng không ngoại lệ. (GS.TSKH Đặng Hùng Võ)
- Báo cáo giao dịch trên 300 triệu đồng: Không khả thi, phi thực tế: Thực hiện chỉ đạo của Bộ Xây dựng, Sở Xây dựng các tỉnh, thành phố đã có văn bản yêu cầu doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quản lý, môi giới và sàn giao dịch bất động sản (BĐS) về việc thực hiện công tác phòng, chống rửa tiền trong lĩnh vực kinh doanh BĐS theo quy định. Hiện có rất nhiều đánh giá về các quy định của Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2012 không khả thi, không hiệu quả so với tình hình thực tế. ĐTTC đã trao đổi với LS. Trần Đức Phượng, Đoàn Luật sư TPHCM, xung quanh vấn đề này. (Minh Tuấn) 
- Pháp lý fintech, chờ đến bao giờ?: Số lượng công ty công nghệ tài chính (fintech) đang tăng lên rất nhanh ở nước ta. Tuy nhiên, đến nay thể chế quản lý hoạt động fintech vẫn chưa được đề cập tại văn bản pháp lý cụ thể nào, chưa có quy định về đơn vị chuyên trách hỗ trợ xử lý các vấn đề liên quan đến fintech. Nhiều DN fintech mong muốn Chính phủ, NHNN sớm xây dựng cơ chế hoạt động cho lĩnh vực fintech, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý đối với lĩnh vực thanh toán điện tử. (Thiên Minh)
- Ngân hàng - fintech hợp tác, không đối đầu: Quan điểm các công ty công nghệ tài chính (fintech) sẽ cạnh tranh với ngân đã có sự thay đổi. Công ty fintech muốn hợp tác với NH để cải thiện trải nghiệm của khách hàng, cũng như kết hợp thương hiệu và tăng cường lợi thế về quy mô. Thực tế, sự hợp tác này đem lại lợi ích cho cả 2 bên. Vì thế, Việt Nam cần tăng cường nhu cầu cho các giải pháp của công ty fintech, khuyến khích định chế tài chính chấp nhận các giải pháp của công ty fintech, tức cần có sự hỗ trợ của Chính phủ. (Arthur Leong, Phó Chủ tịch cao cấp và Trưởng ban Chiến lược, các dự án đặc biệt và đầu tư Fintech, Ngân hàng UOB Singapore)
- Trái phiếu riêng lẻ theo luật nào?: Việc luật hóa các quy định tại Nghị định 163/2018/NĐ-CP, trong đó có quy định chào bán trái phiếu riêng lẻ (TPRL) của doanh nghiệp không phải là công ty đại chúng (CTĐC), đang có những ý kiến khác nhau. Theo ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nên đưa các quy định tại Nghị định 163/2018/NĐ-CP vào Luật Doanh nghiệp. Tuy nhiên, quan điểm của Chính phủ, cụ thể là Bộ Tài chính, cho rằng nên luật hóa vào Luật Chứng khoán (sửa đổi). (Quang Minh)
- Nhà băng vừa phát hành vừa mua trái phiếu!: Dù cơ quan quản lý áp dụng nhiều giải pháp để giảm áp lực cung ứng vốn trung và dài hạn cho các NHTM, nhưng các nhà băng vẫn tìm cách để rót vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế, khi chuyển sang đầu tư trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), đặc biệt là các công ty bất động sản (BĐS). Câu chuyện này tiếp tục đặt ra những vấn đề về thị trường tài chính Việt Nam. Có thể thấy dù đã có những bước phát triển đáng kể, nhưng trên thị trường tài chính vai trò của hệ thống NH vẫn không giảm, các nhà băng vẫn chuộng đổ vốn trung và dài hạn vào những lĩnh vực được cảnh báo, cũng như đầu tư lẫn nhau để tìm kiếm lợi nhuận cao, bất chấp nhiều rủi ro có thể xảy ra. (Đỗ Linh)
- VN Index "có cửa" vượt mốc 1.000 điểm: TTCK đang trong giai đoạn cực kỳ nhạy cảm do chịu sự tác động từ các yếu tố bên ngoài. Tuy nhiên, với sự ổn định về vĩ mô và lợi thế so với các nước trong khu vực, nhiều khả năng VN Index sẽ chinh phục được mốc 1.000 điểm vào cuối năm 2019. NĐT nên tìm hiểu và tích lũy CP thuộc các nhóm ngành không phụ thuộc vào biến động bất thường của thương mại toàn cầu. Đơn cử, các nhóm ngành liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến tiêu dùng. (TS. Đinh Thế Hiển)
- Chiêu làm giá, đẩy lên đỉnh, rớt xuống vực: Với hàng chục phiên “lau sàn” liên tục trong 1 tháng trở lại đây, mã FTM (CTCP Đầu tư và Phát triển Đức Quân) đang khiến không ít NĐT “cháy” tài khoản. Trên TTCK, FTM đã không còn là hiện tượng hiếm, nên việc xử lý mạnh tay hơn với các chiêu trò làm giá CP là điều NĐT chân chính mong đợi. Không có nguyên tắc chung để tránh mua những mã CP bị làm giá. Do đó, NĐT phải tự bảo vệ mình bằng cách trang bị kiến thức về dòng tiền, kiểm soát lòng tham và đừng nghĩ mình luôn là người chạy được trước khi đạt đỉnh. (Kim Giang)
- Khôi phục mỹ quan sông Sài Gòn bằng cách nào?: Hiện tại bờ sông Sài Gòn bị chia cắt bởi các dự án bất động sản và con đường kết nối ven sông không được thông suốt. Các công viên bờ sông trở thành không gian riêng của những người sống trong các dự án. Tại hội thảo “Quy hoạch và phát triển bờ kè sông Sài Gòn và sông, kênh nội thành và các giải pháp để hoàn thành cơ bản kè sông Sài Gòn, sông và kênh nội thành vào năm 2025”, tổ chức đầu tuần qua, nhiều ý kiến, đề xuất giải pháp đã được đưa ra nhằm khai thác tiềm năng bờ sông Sài Gòn cùng hệ thống kênh rạch TPHCM một cách hiệu quả nhất. (Đỗ Trà Giang)
- Địa ốc phía Bắc “ẩn mình” chờ thời: Đã sắp hết quý III, nhưng vẫn không có dấu hiệu nào cho thấy thị trường BĐS các tỉnh phía Bắc đã phục hồi sau thời gian khá dài trầm lắng. Trong khi đó, giới đầu tư nhìn nhận cơ hội cho BĐS miền Bắc vẫn còn nhiều, làn sóng đầu tư vào BĐS công nghiệp sẽ đến trong quý IV hoặc đầu năm tới. (Lưu Thủy)
- Du lịch thông minh ngổn ngang, dang dở: Du lịch thông minh (DLTM) đang trở thành xu hướng của nhiều TP, quốc gia trên thế giới. TPHCM cũng đang trong chiến lược phát triển DLTM để đáp ứng nhu cầu du khách. Song phía sau cái gọi thông minh công nghệ chính là con người, sự kết nối dữ liệu và chính sách, đặc biệt sản phẩm, dịch vụ mới là yếu tố quan trọng để níu chân du khách. (Thanh Lâm)
- Hiện đại nhà vệ sinh (KTS BK Nguyen)
- Lễ hội ẩm thực Argentina (Phương Hằng)
- Trái táo cắn dở 11 có gì mới (Trần Đăng)
- Đặt stent mạch vành điều trị nhồi máu cơ tim (GS.TS Võ Thành Nhân, Giám đốc Trung tâm tim mạch, BV Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park-TPHCM)  
- Thanh gươm báu và bài học đánh giặc: Thượng tướng Trần Văn Trà là vị tướng luôn bám sát chiến trường, không ngừng nghiên cứu binh pháp, đặc biệt thấm nhuần và vận dụng linh hoạt những bài học đánh giặc của tổ tiên. Trên hành trình binh nghiệp của mình, ông từng được Chủ tịch Hồ Chí Minh trao cho thanh gươm quý trong lần đầu được diện kiến lãnh tụ ở Việt Bắc, mà ông xem như báu vật của đời mình, đến khi vĩnh biệt cõi đời còn khắc hình ảnh thanh gươm trên bia mộ… (Phan Hoàng)
- Ibaraki - Vùng đất thiên nhiên trù phú: Nhắc đến du lịch Nhật Bản, du khách thường nghĩ đến những nơi nổi tiếng như Tokyo, Osaka, Kyoto hay Hokkaido. Tuy nhiên nếu chưa đặt chân đến Ibaraki có lẽ sẽ chưa hiểu hết giá trị thiên nhiên trù phú và cách làm du lịch thật tài tình của người Nhật. (Phạm Hoàn Khải, Youtube: Fahoka Xê Dịch)
- Huyền thoại bộ chén trà Mai Hạc thơ Nôm: Phong trào “Uống nước chè Tàu, ngồi ghế trường kỷ” hậu bán thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19, đã đưa giới quý tộc Việt thời Lê-Trịnh-Nguyễn dần quen với thú uống trà bằng đồ sứ ký kiểu “xác Tàu, hồn Việt”, do các sứ thần đi sứ Trung Hoa mang về. Nổi tiếng từ thời vua Gia Long (1802-1819), bộ chén trà Mai Hạc xứ Huế vẫn luôn hấp dẫn không chỉ các nhà sưu tập Việt Nam, mà còn được du khách Nhật Bản, Trung Hoa tìm kiếm. (TS. Trương Đình Bảo Long)
- Sương mù bủa vây đế chế Sir Philip Green: Philip Nigel Ross Green là một người London, đặc biệt hơn là một “cậu bé ngoại ô Croydon” và là một doanh nhân được truyền thông gọi là “wheeler-dealer - người khéo mặc cả trong các thương vụ”. Tuy nhiên, đế chế hùng mạnh này đang phải đối mặt với nguy cơ sụp đổ, nếu không thể ứng phó được với những khủng hoảng trong tương lai, đặc biệt là những rắc rối xung quanh kế hoạch Brexit cứng của Thủ tướng Boris Johnson. (Nhã Trúc)
- Strive Masiyiwa: Tỷ phú vì mọi người: Strive Masiyiwa không chỉ giàu có và quyền lực ở châu Phi, còn nổi tiếng với những nỗ lực từ thiện và nhiệt huyết không ngừng nhằm cải thiện kinh tế-xã hội ở đất nước mình và lục địa đen. Ông được biết đến như một người đàn ông có hành động thay đổi cuộc sống và tạo ra những di sản lâu dài. Chính nỗ lực cải thiện cuộc sống cho người dân, quốc gia đã đưa ông trở thành tỷ phú. (Kim Bang)
Và nhiều chuyên mục khác...
MỜI BẠN ĐỌC ĐÓN XEM

Các tin khác