Đòi hỏi bức thiết của thực tiễn

(ĐTTCO) - Dự thảo Nghị quyết cơ chế, chính sách phát triển TPHCM sẽ được Chính phủ trình ra Quốc hội ngày mai 3-11, nội dung này sẽ được thảo luận tại tổ ngày 15-11 trước khi thảo luận tại hội trường ngày 15-11.

Dự kiến, dự thảo nghị quyết sẽ được biểu quyết vào ngày 24-11. Đánh giá một cách tổng thể về dự thảo này, trao đổi với ĐTTC, ĐB Phan Nguyễn Như Khuê, Phó Trưởng đoàn ĐBQH TPHCM nói:

Qua hơn 30 năm đổi mới, TPHCM đã khẳng định là đô thị lớn thứ 2 của cả nước với nhiều chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội. Và sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 16-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TPHCM đến năm 2020, đến nay có thể thấy rằng bên cạnh các kết quả đạt được, TPHCM cũng đang đối mặt với những thách thức lớn. Từ một đô thị với nhiều ưu thế, đến nay một số cơ chế cho TPHCM cần phải được xem xét thông thoáng hơn để tạo cho TP có sự bứt phá, phát triển mạnh hơn, là hạt nhân liên kết vùng tốt hơn.
PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, những thách thức TPHCM đang đối mặt là gì?
Đòi hỏi bức thiết của thực tiễn ảnh 1
Ông PHAN NGUYỄN NHƯ KHUÊ: - TPHCM là đô thị đông dân nhưng nguồn nhân lực cũng rất thiếu. Cũng vì đông dân mà tình hình tội phạm trên địa bàn diễn biến phức tạp và tình trạng ùn tắc giao thông, ngập úng, chất lượng cuộc sống, an sinh xã hội…
Thực trạng này của TPHCM đang đặt ra những vấn đề bức bách về việc cần có vốn đầu tư và thu hút nguồn nhân lực, giúp TP giải quyết những bất cập và phát triển thời gian tới.
Đặc biệt, đặt trong bối cảnh nhu cầu đầu tư thì nhiều nhưng việc thu hút đầu tư có những thời điểm bị giảm và tỷ lệ điều tiết để lại TP chỉ 18%. Thực tiễn đó đòi hỏi cần phải có cơ chế thông thoáng để giải quyết những điểm nghẽn, bức bách hiện nay cũng như tạo điều kiện cho TP phát triển.
- Theo ông, vậy các cơ chế đó là gì?
- Thí dụ, tạo điều kiện để TP có thể tự rà soát sắp xếp lại bộ máy hành chính sao cho tinh gọn, hiệu quả và công chức thể hiện được năng lực chuyên môn, lấy thước đo sự hài lòng của người dân là mục tiêu. Bên cạnh đó có nguồn kích thích, đãi ngộ chất lượng nguồn nhân lực tâm huyết, có năng lực chuyên môn, trình độ cao làm việc cho TP.
Ngoài ra còn là những vấn đề thu hút nguồn lực như vay để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; tăng khai thác nguồn thu từ phí, lệ phí… Nếu những kiến nghị đó được Chính phủ, Quốc hội chấp thuận, TP sẽ bắt tay ngay vào thực hiện và tôi nghĩ cũng sẽ tạo ra sự bứt phá cho TP thời gian tới.
- Theo dự thảo TP sẽ có quyền khá chủ động trong việc tạo nguồn thu từ thuế, phí. Theo ông, những cơ chế chính sách như vậy đã đủ?
 Dự thảo Nghị quyết cơ chế, chính sách phát triển TPHCM được xây dựng trên nguyên tắc: đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tăng tính tự chủ, tăng trách nhiệm của chính quyền TPHCM; đồng thời bảo đảm nhiệm vụ kiểm tra, giám sát của Quốc hội, Chính phủ, HĐND các cấp ở TP để phát triển TPHCM…
- Theo dự thảo Nghị quyết cơ chế, chính sách phát triển TPHCM, TP được giao quyền chủ động trong xây dựng thuế tài sản; phí và lệ phí không có trong danh mục tại Luật phí, lệ phí; tăng dư nợ của TPHCM lên 90% số thu NS TP được hưởng theo phân cấp, thẩm quyền; thẩm quyền quyết định một số vấn đề…
Nếu nói những cơ chế đề xuất này đã đủ chưa cũng có thể nói là chưa thể đủ, bởi trong quá trình phát triển của TP đòi hỏi một nguồn vốn hết sức lớn, cùng sự quyết tâm chính trị cao. Tuy nhiên, trong từng giai đoạn phát triển, TP sẽ luôn luôn cố gắng làm tròn trách nhiệm Trung ương giao, đồng thời quyết tâm giải quyết những thách thức đang đặt ra.
- Nếu nghị quyết được thông qua TP có đặt ra các mục tiêu cụ thể nào trong 5 năm thí điểm, thưa ông?
- Về NS, từ nay đến năm 2021, TPHCM sẽ tiếp tục thực hiện các yêu cầu phát triển trong tỷ lệ điều tiết NS cho địa phương mà Nghị quyết Quốc hội giao (TPHCM là 18%), cùng với đó TP sẽ cố gắng làm sao bảo đảm vượt các kế hoạch đã đề ra.
Từ năm 2021 trở đi, TP sẽ kiến nghị Trung ương có thể đưa ra tiêu chí, nguyên tắc một cách rõ hơn về tỷ lệ phân bổ NS lại cho địa phương. Việc này quan trọng vì đây là tiền thuế của dân, rất cần phải được công khai, minh bạch để sử dụng NS một cách đúng mục đích.
- Tờ trình của Chính phủ có đề cập việc TP đề nghị cho phép được quyết định hình thức và phương án chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đối tác công tư (PPP) trong trường hợp xuất hiện các điều kiện riêng biệt mà không thể áp dụng các hình thức lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư theo quy định tại Luật Đấu thầu. Ông lý giải sao về đề xuất này?
- Đề xuất là như vậy nhưng trong trường hợp đó TP vẫn sẽ báo cáo và để Trung ương quyết từng trường hợp cụ thể, không tìm cách vượt luật, bởi Luật Đấu thầu đang có các quy định rất chặt chẽ về vấn đề này.
Với dự thảo báo cáo và Nghị quyết do Bộ Tài chính chuẩn bị, điều tôi cảm nhận là Bộ Tài chính rất chia sẻ với TPHCM và đã cố gắng thông thoáng tối đa trong khuôn khổ của luật, nhưng vẫn có những vấn đề riêng của TP, muốn tạo điều kiện cho TP bứt phá trong thời gian tới.
- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác