Doanh nghiệp vừa gồng vừa gánh

Sau 5 năm gia nhập WTO, nền kinh tế Việt Nam có khả năng gia nhập vào Hiệp định Đối tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP). Tự do hóa thương mại được cho là xu hướng tất yếu trong quá trình vận hành nền kinh tế của một quốc gia.

Sau 5 năm gia nhập WTO, nền kinh tế Việt Nam có khả năng gia nhập vào Hiệp định Đối tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP). Tự do hóa thương mại được cho là xu hướng tất yếu trong quá trình vận hành nền kinh tế của một quốc gia.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt một thời chiếm lĩnh thị trường như giày dép Biti’s, nệm Kymdan, bút bi Thiên Long, vải Thái Tuấn… nay dần mờ nhạt và gần như thụt lùi trong sự phát triển lớn mạnh của những thực thể mới. Với gần 20 năm ra đời và phát triển, những doanh nghiệp này hiểu hơn ai hết về môi trường kinh doanh trong nước và thế giới trước quá trình hội nhập kinh tế và đặc biệt là hội nhập thương mại. Nhưng vì sao họ phải thụt lùi?

Thứ nhất: Môi trường kinh doanh biến động lớn từ chính sách nhất là môi trường tài chính. Những chính sách kìm hãm đột ngột từ khâu tín dụng cho đến lãi suất, làm tê liệt các dự án đầu tư cải thiện năng lực cạnh tranh của các sản phẩm Việt.

Trong 5 năm trở lại đây, hệ thống tài chính thường xuyên bị ngưng cấp tín dụng đột ngột, lãi suất bị điều chỉnh thường xuyên theo hướng tăng cao đã làm các dự án đầu tư dừng lại và ngừng triển khai, việc đầu tư sản xuất bị đình đốn, dẫn đến doanh nghiệp kiệt quệ tài chính, đi đến nguy cơ phá sản.

Điều nguy hại hơn chính là niềm tin trong đầu tư phát triển bị suy giảm, doanh nghiệp ngại phát triển sản phẩm và đầu tư mở rộng sản xuất. Từ báo cáo dòng tiền của các doanh nghiệp niêm yết, có thể thấy mức độ đầu tư mở rộng sản xuất (chi tiêu vốn) cực kỳ thấp.

Các dự án đầu tư đòi hỏi vốn lớn và thời gian hoàn vốn dài, trong khi dòng vốn tài trợ đầy biến động và lãi suất tăng cao đã đẩy doanh nghiệp vào tình thế đầu tư sản xuất thiếu hiệu quả và quần quật làm ăn để trả nợ ngân hàng.

Thứ hai: Những hàng rào kỹ thuật, phi thuế quan được các nước trên thế giới dựng lên để bảo vệ nền sản xuất trong nước, trong khi đó nhiều loại hàng hóa nước ngoài vào Việt Nam gần như không chịu bất kỳ rào cản nào về mặt kỹ thuật, hoặc doanh nghiệp lách khai báo thuế đã làm cho hàng hóa của các nước tràn ngập thị trường Việt Nam, trong khi hàng hóa Việt Nam trở nên khó thâm nhập ra nước ngoài lại bị mất thị trường trong nước.

Cứ thử hình dung trên bình diện cạnh tranh giá cả, doanh nghiệp trong nước đang kinh doanh với mức lợi nhuận biên trên doanh thu khoảng 5% trở lại, trong khi hàng hóa cùng loại nhập khẩu đang được áp mức thuế suất thuế nhập khẩu 5-7%.

Như vậy chỉ cần một động thái lách thuế trong khai báo giá cả nhập khẩu hoặc mã hàng áp dụng, lập tức mặt hàng này nhập vào Việt Nam với thuế suất gần bằng 0% và chiến lược cạnh tranh giảm giá đã làm doanh nghiệp sản xuất trong nước thiệt hại, hàng tồn kho tăng và chi phí vốn cũng gia tăng.

Thứ ba: Các nước có mối quan hệ với Việt Nam thường có chính sách tỷ giá khá linh hoạt, họ hỗ trợ hàng hóa của nước họ tăng sức cạnh tranh trên thị trường thế giới và giảm tính cạnh tranh của hàng hóa nước ngoài trong thị trường nội địa.

Chỉ tính từ năm 2012 và 2013, độ biến động tỷ giá của các quốc gia như Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Thái Lan... thậm chí là Hàn Quốc, Nhật Bản đã lên đến trên 20%. Trong khi đó, tỷ giá Việt Nam trong thời gian qua biến động chưa đầy 2%.

Trên thực tế sự hỗ trợ này đã làm cho hàng hóa nước ngoài thâm nhập thị trường Việt Nam qua cạnh tranh giá cả rất hiệu quả. Trong khi đó, thay vì bảo vệ hàng hóa sản xuất trong nước, Ngân hàng Nhà nước đã cố định tỷ giá làm cho hàng hóa nước ngoài rẻ lại càng rẻ hơn trong việc chuyển đổi VNĐ sang ngoại tệ để thanh toán.

Thư tư: 5 năm trở lại đây, nền kinh tế Việt Nam bị lạm phát cao, chủ yếu đến từ chi phí đẩy hơn là lạm phát từ nhu cầu hàng hóa gia tăng, lại càng gây khó cho doanh nghiệp sản xuất trong nước. Hết điện đến nước, xăng, than... tăng giá, trong khi nhìn lại giá bán sản phẩm không tăng được mà còn chịu cạnh tranh từ hàng hóa nhập khẩu.

Một môi trường kinh doanh mà phần thua thiệt luôn đến từ chi phí đầu vào được tạo ra từ lĩnh vực độc quyền  doanh nghiệp sản xuất hàng hóa trong nước không thể nào cạnh tranh và tồn tại. Chính điều này buộc các doanh nghiệp sản xuất trong nước thu hẹp quy mô đầu tư, chuyển sang thương mại và tiếp tay cho sản phẩm nước ngoài thâm nhập vào hệ thống phân phối đã có từ doanh nghiệp trong nước.

Thứ năm: Mới đây Hội đồng Tiền lương đã thống nhất trình phương án tăng lương từ 15-17% cho năm 2014 lên Chính phủ. Chi phí lương chiếm một tỷ trọng khá lớn trong các sản phẩm được sản xuất ra, nhất là những lĩnh vực có thâm dụng lao động và là lợi thế của Việt Nam hiện nay.

Nếu tính chi phí lương chiếm đến 40% giá thành sản phẩm thì một sự gia tăng tiền lương tối thiểu của nhà nước lên 17% sẽ làm cho chi phí trích theo lương khá lớn được hạch toán vào giá thành sản phẩm. Theo chế độ trích lương hiện nay, doanh nghiệp phải chịu 23% hạch toán vào chi phí và đương nhiên người lao động phải trả thêm 9,5%.

Như vậy khi lương tối thiểu tăng lên 17%, chi phí trích theo lương của doanh nghiệp sẽ tăng khoảng 5%, làm  lợi nhuận gộp bằng 0 nếu giữ giá bán để tồn tại. Nếu cho rằng tăng lương tối thiểu để tăng thu nhập người lao động, mức tăng trong chi phí còn cao hơn nhiều.

Các tin khác