Dỡ rào cản, gỡ nút thắt thể chế cho kinh tế tư nhân phát triển

(ĐTTCO)-Về phía Nhà nước và đội ngũ cán bộ, công chức, cần có sự đột phá trong tư duy và hành động, kiên trì đổi mới, hoàn thiện và tổ chức thực hiện thật tốt luật pháp, cơ chế chính sách phù hợp với quy luật thị trường và thông lệ, chuẩn mực quốc tế; 
Dây chuyền sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty trách nhiệm hữu hạn Bokwang Vina (Khu công nghiệp Điềm Thụy). (Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN)
Dây chuyền sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty trách nhiệm hữu hạn Bokwang Vina (Khu công nghiệp Điềm Thụy). (Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN)
Đồng thời, xóa bỏ mọi định kiến, rào cản; cải cách mạnh các thủ tục hành chính rườm rà, tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế tư nhân phát triển.
Đây là một phần nội dung trong bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về việc phát triển kinh tế tư nhân.

Có thể thấy rằng, nếu xóa bỏ định kiến chính là việc thay đổi tư duy, thì việc dỡ bỏ rào cản, gỡ nút thắt thể chế đòi hỏi hành động cụ thể để sửa đổi, bổ sung các quy định, các cơ chế, chính sách đang cản trở khu vực kinh tế này phát triển. Điều này đòi hỏi nỗ lực rất lớn từ phía các cơ quan thực thi, mà trước hết là từ Chính phủ và các bộ ngành.

Nghị quyết Trung ương 5 về kinh tế tư nhân thực sự tạo niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp, cho người dân, nhưng phải hành động như thế nào để Nghị quyết đi vào cuộc sống nhanh nhất. Rào cản về định kiến được xóa bỏ, nhưng chính sách phải được vạch ra ngay lập tức và đó là vai trò quan trọng của một Chính phủ kiến tạo. 

Gỡ nút thắt thể chế

Hai tháng sau nhiệm kỳ mới, tại Hội nghị về cải cách hành chính, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thẳng thắn nói với đại diện các bộ, ngành, chính quyền địa phương rằng, tăng trưởng kinh tế của đất nước là do người dân và doanh nghiệp làm ra. Vì vậy nhiệm vụ quan trọng nhất của Chính phủ là ban hành cơ chế chính sách, pháp luật, đặc biệt là kịp thời tháo gỡ cơ chế, chính sách chưa phù hợp tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.
“Thể chế do chúng ta nghĩ ra nhưng mà chúng ta lại sợ nó. Thể chế ràng buộc sự phát triển thì phải bãi bỏ ngay, đừng để các thể chế đó bắt chúng ta phải chạy theo, phải sợ nó một cách vô lý.” Đây là nỗi trăn trở lớn mà Thủ tướng thường chia sẻ và chỉ đạo mỗi khi chủ trì những hội nghị, buổi làm việc mà các ngành, địa phương còn đang loay hoay tìm hướng ra cho phát triển.

Từ quyết tâm của Người đứng đầu Chính phủ, một tư duy mới về tầm quan trọng của công tác xây dựng thể chế đã được hình thành, xóa bỏ tâm lý xem nhẹ, trì trệ trong xây dựng văn bản quy phạm trước đó.

Đổi mới đầu tiên và ở cấp Trung ương bắt nguồn từ Chính phủ với động thái thay đổi nội dung làm việc trong các Phiên họp Chính phủ với phần họp về xây dựng thể chế được đôn lên đầu tiên rồi mới đến nội dung kinh tế-xã hội. Sự thay đổi tưởng chừng như “bình thường” này lại chứa đựng một điều khẳng định lớn lao, thể hiện một cái nhìn thấu đáo của Thủ tướng và tập thể Chính phủ: Mọi cải cách, sáng tạo phải khởi đầu từ thể chế. 

Mang một ý nghĩa to lớn hơn, mục tiêu “chắp cánh” cho kinh tế tư nhân cũng vậy, phải bắt đầu từ rà soát, tháo gỡ và hoàn thiện khung pháp lý vốn đang chứa đựng những rào cản kìm hãm sự phát triển của thành phần kinh tế này.

Những số liệu thống kê cho thấy một lượng công việc khổng lồ dưới sự đôn đốc thường xuyên và quyết liệt của Thủ tướng và Tổ công tác của Chính phủ đã được các bộ, ngành, địa phương ngày đêm giải quyết với nỗ lực và tiến độ cao nhất. 

Trong hơn 1 năm qua, Chính phủ đã ban hành tới 50 nghị định về điều kiện đầu tư kinh doanh; tập trung cắt giảm nhiều thủ tục, giấy phép, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp cùng với các chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất.

Một ví dụ hết sức sinh động, minh chứng cho khẩu hiệu “chuyển lời nói thành hành động” của Thủ tướng trong việc gỡ nút thắt thể chế, xóa bỏ quy định cũ kỹ, kìm kẹp doanh nghiệp diễn ra ngay tại hội nghị “Diên Hồng” lần thứ 2 với doanh nghiệp. Viện dẫn lại những quy định ràng buộc điều kiện kinh doanh chặt chẽ trong điều kiện kinh doanh mũ bảo hiểm, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc than thở: "Ngay cả Boeing nếu muốn đầu tư vào Việt Nam cũng bó tay."

Đúng 3 ngày sau đó, dưới sự chỉ đạo ngay lập tức của Thủ tướng, Bộ Khoa học và Công nghệ phát đi thông tin về việc sửa đổi quy định này. 

“Ta đã bắn chỉ thiên quá nhiều, không trúng vào ai cả, bây giờ phải bắn có địa chỉ,” Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc so sánh như vậy khi chỉ đạo công tác quản lý, điều hành và xây dựng thể chế. 

Những chỉ đạo “đúng địa chỉ”, kịp thời và dứt khoát từ Chính phủ đã đánh trúng “yếu huyệt” của thể chế; từng bước khắc phục được tình trạng “trên bảo, dưới không nghe,” “trên nóng, dưới lạnh” đang diễn ra ở nhiều nơi và quan trọng hơn, những hành động quyết đoán ấy đã củng cố và lan tỏa nhanh chóng niềm tin của doanh nghiệp về một môi trường kinh doanh thân thiện, cởi mở và cầu thị.

Sóng sau nối sóng trước, việc xóa bỏ các quy định rườm rà về thủ tục hành chính đã được triển khai đồng loạt ở nhiều bộ, ngành, địa phương với sự ra đời của các trung tâm hành chính công. Qua đó, góp phần giảm thiểu thời gian đi lại và sự phiền hà cho người dân, doanh nghiệp, nhất là trong các lĩnh vực: đăng ký kinh doanh, kê khai thuế; tiếp cận các dịch vụ công, hải quan… Theo thống kê, những chi phí này đang có xu hướng giảm nhanh, cụ thể là năm 2015 là 28%, năm 2016 giảm còn 18,8%, năm 2017 và những năm tiếp theo tiếp tục giảm.

Đánh giá về công tác hoàn thiện thể chế, Thủ tướng nhìn nhận trong một năm qua, Chính phủ và các địa phương đã “gãi đúng chỗ” chứ không phải “ngứa trên đầu, gãi dưới chân.” 

Không chỉ có vậy, việc thành lập Tổ công tác theo dõi, kiểm tra các ngành, các địa phương – một sáng kiến hết sức hữu dụng, cũng mang dấu ấn của nhiệm kỳ đã đạt được kết quả bước đầu rất ấn tượng. 4.500 thủ tục đã xử lý và bãi bỏ; trong 1.100 kiến nghị của doanh nghiệp, đã xử lý được 850 (77,5%). Có đến 75% các doanh nghiệp được khảo sát nói rằng kết quả cải cách đã tích cực. 

Công bằng trong phân bổ nguồn lực

Nhìn vào bức tranh cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, không khó để nhận thấy, cơ chế phân bổ nguồn lực đang là “điểm nghẽn” cần dỡ bỏ nhất nếu muốn tạo ra một sân chơi bình đẳng giữa các thành phần kinh tế và cơ chế đó phải theo quy luật thị trường. Bởi suy cho cùng, việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường cũng chủ yếu nhằm tạo điều kiện cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển. Các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế đều cần môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch và lành mạnh, nhưng trông chờ nhất vẫn là các doanh nghiệp khối dân doanh.

“Đoạn tuyệt với quy hoạch phi thị trường;” “chống xin-cho, ban phát, chống lợi ích nhóm,” là những phát ngôn mạnh mẽ của Thủ tướng khi chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện kiến trúc thượng tầng với chủ trương đem lại sự công bằng giữa các thành phần kinh tế bất kể là doanh nghiệp Nhà nước hay tư nhân. 

Đối chiếu với chủ trương, để khu vực kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Nghị quyết 10 đã đề ra nhiều nhiệm vụ và giải pháp lớn, trong đó nổi bật là “tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho phát triển kinh tế tư nhân.” 

Theo ý kiến nhiều chuyên gia, việc tăng cường khả năng cho khu vực kinh tế tư nhân được tiếp cận các nguồn lực đa dạng hơn, bình đẳng hơn có ý nghĩa mang tính quyết định. Nhưng muốn làm được điều này, điều kiện hàng đầu là phải hoàn thiện khuôn khổ pháp luật điều chỉnh các nguồn lực của đất nước như đất đai, tài nguyên, môi trường, vốn và phải đảm bảo sao cho kinh tế tư nhân được tiếp cận những nguồn lực này bình đẳng với các thành phần khác. 

Tại hội nghị đối thoại với doanh nghiệp lần thứ 2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã cam kết, Chính phủ sẽ nỗ lực hơn trong xóa bỏ bất bình đẳng công-tư, thu hồi nguồn lực đang được sử dụng lãng phí để phân bổ lại nhằm cải thiện năng suất. Theo định hướng của Chính phủ, các nguồn lực sẽ được chuyển giao cho các thành phần kinh tế để tối ưu hóa, chứ không chỉ ưu tiên cho doanh nghiệp Nhà nước. 

“Một Chính phủ không hướng về nhân dân thì người dân không ủng hộ,” Thủ tướng nói.

Bình đẳng về cả cơ hội và chế độ đối xử, đó mới là điểm mấu chốt để kinh tế tư nhân tư tin dấn thân, mạnh dạn đầu tư và phát triển, đóng góp của cải vật chất cho xã hội. Dẫu rằng, cạnh tranh là quy luật sinh tồn, nhưng đây cũng nguyên tắc cơ bản của kinh tế thị trường. Vai trò của Chính phủ hành động trong vấn đề này là phải xây dựng và thực thi cơ chế cạnh tranh lành mạnh, tránh tuyệt đối sự độc quyền và lợi ích nhóm; đảm bảo cho một sân chơi minh bạch, công bằng và lành mạnh.

Các tin khác