DN “nhàn” nhất thủ tục hành chính thuế, khổ nhất thủ tục xây dựng

(ĐTTCO)-Mức chi phí tuân thủ 64,1 triệu đồng cùng thời gian thực hiện 108,9 giờ đã đẩy nhóm xây dựng trở thành nhóm chi phí thủ tục hành chính (TTHC) gây khổ sở nhất cho doanh nghiệp trong bảng xếp hạng chỉ số APCI 2018. Ngoài việc lần đầu tiên công bố báo cáo chi phí tuân thủ TTHC, nhiều vấn đề sát sườn mà doanh nghiệp quan tâm đã được đề cập thẳng thắn tại hội nghị.
DN “nhàn” nhất thủ tục hành chính thuế, khổ nhất thủ tục xây dựng

Lần đầu tiên công bố báo cáo chi phí tuân thủ thủ tục hành chính

Lần đầu tiên báo cáo Chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ thủ tục hành chính (chỉ số APCI 2018) đã được Hội đồng Tư vấn cải cách TTHC công bố ngày 17-8, tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Chủ tịch Hội đồng.

Đây là lần đầu tiên báo cáo được công bố với những thông tin về gánh nặng thực thi thủ tục hành chính của hơn 3.000 doanh nghiệp đã thực hiện các TTHC trên cả nước trong sáu tháng cuối năm 2017 (từ tháng 6 đến tháng 12 năm 2017) về thời gian và chi phí cần thiết để hoàn thành TTHC đó.

Các chỉ số được khảo sát ở 8 nhóm TTHC quan trọng với doanh nghiệp gồm: Khởi sự doanh nghiệp/đăng ký kinh doanh; thuế; đầu tư; giấy phép, chứng chỉ hành nghề; hải quan; đất đai; môi trường và xây dựng.

Kết quả, lĩnh vực có mức chi phí tuân thủ thấp nhất là Thuế, Hải quan và Khởi sự doanh nghiệp. Bốn nhóm TTHC Đất đai, Đầu tư, Môi trường và Xây dựng đứng ở nửa cuối của bảng xếp hạng, trong đó nhóm TTHC Môi trường và nhóm thủ tục Xây dựng có mức chi phí tuân thủ TTHC ở mức cao cách biệt so với các nhóm thủ tục khác.

Báo cáo cũng cho thấy chi phí thực hiện cùng một thủ tục có sự khác biệt giữa các địa phương. Chẳng hạn về thủ tục xây dựng, các tỉnh tại vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ có mức chi phí tuân thủ cao nhất, gấp gần 2,3 lần so với mức trung bình trên cả nước.

Trong khi đó, mức chi phí tuân thủ tại các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm phía Nam chỉ tương đương 20% mặt bằng chung toàn quốc.

“Chi phí tại vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ cao do thời gian chuẩn bị hồ sơ dài, cộng với chi phí trực tiếp cao, gồm cả chi phí không chính thức và chi phí tư vấn”, ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC, Phó Chủ tịch Hội đồng cho biết.

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Báo cáo Chỉ số APCI 2018 so sánh chi phí tuân thủ TTHC từ góc độ doanh nghiệp giúp cho Chính phủ có một cái nhìn tổng quan về gánh nặng chi phí tuân thủ của doanh nghiệp, từ đó đưa ra các quyết sách phù hợp nhằm tiếp tục đơn giản hóa TTHC và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

“Báo cáo cũng sẽ tạo áp lực và cạnh tranh trong cải cách của các ngành, địa phương”, ông Mai Tiến Dũng nói.

Cải cách phải chấp nhận va chạm

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng – Chủ tịch Hội đồng tư vấn cải cách TTHC nhấn mạnh: “Cải cách thì phải quyết liệt, đồng bộ từ trên xuống vì thực sự không ai muốn rời bỏ quyền lợi của mình trong thực thi công vụ. Nếu làm tốt, công khai tốt thì các chi phí sẽ giảm, chi phí về thời gian và cả những khoản như "bao thư", "lót tay", bởi chúng ta sẽ giám sát được. Muốn cải cách chắc chắn sẽ có va chạm nhưng phải chấp nhận va chạm và không muốn làm cũng phải làm".

Trong thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng hết sức quan tâm vấn đề kéo giảm chi phí cho doanh nghiệp, trong đó có tình trạng đi lại nhiều lần, mất nhiều thời gian để thực hiện TTHC.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, theo một nghiên cứu, riêng trong lĩnh vực kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu, mỗi năm doanh nghiệp phải bỏ ra 28,6 triệu ngày công và 14.300 tỷ đồng chi phí.

“Nếu chúng ta không đồng bộ, không áp từ trên xuống thì không ai muốn cải cách, vì cán bộ thực thi thủ tục không ai muốn rời bỏ quyền lợi của mình. Trên thực tế, nhiều địa phương đã triển khai tốt mô hình trung tâm hành chính công, người dân muốn cám ơn cũng không biết đưa phong bì cho ai”, Bộ trưởng nêu thực tế.

Chính phủ đã đặt chỉ tiêu và thời gian cụ thể là: rà soát và cắt giảm 50% về điều kiện kinh doanh và thủ tục kiểm tra chuyên ngành.

“Chúng ta chấp nhận va chạm trong quá trình cải cách vì lợi ích chung cả đất nước, bởi có rào cản mới cần cải cách, cải cách mà không có người phản đối là cải cách tồi”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm nêu rõ, thông qua những kết quả khách quan được phản ánh bởi APCI 2018, Hội đồng tư vấn cải cách TTHC đã đưa ra những đề xuất, khuyến nghị với các bộ, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp.

Theo đó, nỗ lực cải cách TTHC cần phải được tiếp tục duy trì và đẩy mạnh nhằm xây dựng được môi trường kinh doanh thuận lợi, không chỉ phấn đấu đứng đầu trong nhóm các nước ASEAN, mà còn vươn lên tiêu chí của các nước nhóm OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế).

Cần thiết phải tiếp tục đẩy mạnh cải cách TTHC gắn kết chặt chẽ với ứng dụng công nghệ thông tin nhằm tăng cường hiệu quả hoạt động phục vụ doanh nghiệp, tăng tính minh bạch, trách nhiệm giải trình và giảm thiểu nhũng nhiễu, tiêu cực.

Bộ trưởng cho biết thêm, trong các năm tới, Chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ TTHC sẽ thực hiện so sánh mức độ cải cách mà các bộ ngành, địa phương đã thực hiện trong năm trước, nhằm giúp các cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương và địa phương xem xét, đo lường được mức độ cải cách của ngành, lĩnh vực, địa phương mình và xác định được những vấn đề cần tiếp tục cải cách cho những năm tiếp theo. Chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ TTHC năm sau cũng sẽ tạo động lực giữa các địa phương trong việc cải cách TTHC theo yêu cầu của Chính phủ.

Các tin khác