Định vị vai trò bảo hiểm tiền gửi

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Hôm qua 2-11, Quốc hội đã nghe các báo cáo xung quanh dự án Luật Bảo hiểm tiền gửi (BHTG). Việc tạo dựng khuôn khổ pháp lý cao hơn (từ nghị định lên thành luật), cũng như khắc phục những tồn tại, hạn chế của các quy định BHTG hiện hành, giúp khắc phục các tồn tại để hoạt động này hiệu quả hơn, bảo vệ quyền lợi người gửi tiền và góp phần duy trì sự ổn định hệ thống ngân hàng.

Tại các quy định hiện hành, sự bất cập của hệ thống pháp luật về BHTG thể hiện ở việc chưa xác định cụ thể cơ quan nào chịu trách nhiệm trước Chính phủ về hoạt động BHTG.

Thí dụ, việc thanh tra, giám sát an toàn hoạt động ngân hàng được giao cho tổ chức BHTG đã gây chồng chéo, không phù hợp vì theo quy định của Luật Ngân hàng Nhà nước, chức năng này thuộc Ngân hàng Nhà nước.

Hay như quy định tổ chức BHTG mua trái phiếu, tín phiếu hoặc gửi tiền tại các tổ chức tín dụng nhà nước, sẽ dẫn đến việc tổ chức BHTG trở thành người gửi tiền không được bảo hiểm đối với khoản tiền gửi của mình tại tổ chức tín dụng nhà nước.

Theo phương án trình của Chính phủ, trách nhiệm thực hiện thanh tra về BHTG được trao cho Ngân hàng Nhà nước; tổ chức BHTG có chức năng giám sát từ xa trên cơ sở các thông tin nhận được từ Ngân hàng Nhà nước và tổ chức tham gia BHTG nhằm phát hiện và báo cáo Ngân hàng Nhà nước xử lý kịp thời những rủi ro gây mất an toàn trong hệ thống…

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước tập trung vào việc giám sát tuân thủ pháp luật trong khu vực ngân hàng. BHTG Việt Nam giám sát thực hiện các chuẩn mực an toàn, hiệu quả vì lợi ích của người gửi tiền và phối hợp cùng với Ngân hàng Nhà nước xử lý những ngân hàng gặp vấn đề ngoài tầm kiểm soát.

Điểm đáng chú ý trong dự án, chủ thể BHTG là cá nhân và không BHTG của hộ gia đình, tổ hợp tác, doanh nghiệp tư nhân và công ty hợp danh như hiện hành. Theo lý giải của lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, tiền gửi của các tổ chức mang tính luân chuyển cao, chủ yếu nhằm mục đích thanh toán chứ không nhằm mục đích tiết kiệm.

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng cho rằng mục tiêu cao nhất của BHTG là bảo vệ người gửi tiền nhỏ lẻ không có điều kiện tham gia sản xuất - kinh doanh, không có điều kiện tiếp cận thông tin tham gia gửi tiền tại các tổ chức tín dụng.

Đối với tiền gửi của doanh nghiệp tại các tổ chức tín dụng, đây là một phần trong hoạt động luân chuyển vốn thường xuyên, được quản lý chặt chẽ bởi chế độ quản trị doanh nghiệp nên không thể có vấn đề thiếu thông tin về tổ chức tín dụng mà doanh nghiệp gửi tiền. Một điểm đáng lưu ý khác trong dự luật là việc BHTG chỉ tiến hành với đồng Việt Nam của cá nhân, không bảo hiểm đối với tiền gửi bằng ngoại tệ và các loại tiền gửi khác.

Quy định này, theo Chính phủ và một số ý kiến của Ủy ban Kinh tế là phù hợp với chính sách quản lý ngoại hối của Việt Nam, hướng tới mục tiêu trên lãnh thổ Việt Nam chỉ sử dụng đồng Việt Nam, chống tình trạng đô la hóa cũng như khuyến khích người dân bán ngoại tệ cho ngân hàng.

Tuy nhiên, vẫn có nhiều ý kiến cho rằng cần mở rộng đối tượng tham gia BHTG đối với các loại hình doanh nghiệp, các tổ chức sử dụng ngân sách nhà nước và các tổ chức Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Nông dân, hợp tác xã…

Bởi lẽ những tổ chức này có các khoản quỹ hợp pháp đang được gửi tại các tổ chức tín dụng, nên cũng cần được đảm bảo sự công bằng trong chính sách BHTG.

Việc không BHTG cho ngoại tệ cũng có những ý kiến khác nhau, cho rằng cũng nên nghiên cứu áp dụng BHTG với ngoại tệ và các tài sản khác (như kim loại quý…), phù hợp với tình hình thực tế tại hệ thống tổ chức tín dụng vẫn huy động một lượng lớn tiền gửi bằng ngoại tệ nhưng không được bảo hiểm.

Và nếu không BHTG cho ngoại tệ có thể làm tăng việc tích trữ những tài sản này trong dân cư, khó kiểm soát.

Các tin khác