Định hướng đầu tư: Đặt chỉ tiêu từ thực tiễn

(ĐTTCO)-Nghị quyết 05 của Bộ Chính trị đặt chỉ tiêu hàng năm có khoảng 30% - 35% DN có hoạt động đổi mới sáng tạo. Thế nhưng, toàn TPHCM chỉ có 80 trường hợp nộp hồ sơ xét là dự án khoa học công nghệ và đến giờ chỉ hơn 10 DN được công nhận.
 
Hóa dược - cao su là 1 trong 4 ngành công nghiệp TPHCM được ưu tiên phát triển. Ảnh: CAO THĂNG
Hóa dược - cao su là 1 trong 4 ngành công nghiệp TPHCM được ưu tiên phát triển. Ảnh: CAO THĂNG
Tương tự, Bộ Khoa học - Công nghệ dành 2.000 tỷ đồng hỗ trợ vốn cho DN có hoạt động đổi mới sáng tạo, nhưng hiện chỉ duyệt được… 3 hồ sơ! 
Đừng đặt chỉ tiêu… định tính!
Nếu không có con số khảo sát chính xác từ thực tiễn, việc hoạch định chiến lược có thể xa rời thực tế, đó là lý do HĐND TPHCM yêu cầu Cục Thống kê TP phải có khảo sát về chỉ số TFP (chỉ tiêu đo lường tốc độ tăng năng suất nền kinh tế dựa vào năng suất lao động, vốn và sự tiến bộ của KH-CN).
Lâu nay, TPHCM luôn đề ra mục tiêu ưu tiên phát triển 4 ngành công nghiệp có hàm lượng KH-CN và giá trị gia tăng cao (cơ khí; điện tử - công nghệ thông tin; hóa dược - cao su; chế biến lương thực, thực phẩm) cùng các ngành công nghệ sinh học, công nghệ sạch, tiết kiệm năng lượng, công nghiệp phụ trợ. Thế nhưng, chưa có một con số thống kê nào cho thấy hiệu quả đầu tư cũng như giá trị gia tăng của từng ngành đó mang lại. 
Đúng như nhận xét của Phó Chủ tịch HĐND TPHCM Trương Thị Ánh, TP luôn đặt mục tiêu phải tập trung đầu tư vào các ngành có năng suất cao, nhưng đến nay chưa có một đánh giá nào cho từng ngành kinh tế để biết ngành nào có năng suất cao mà tập trung đầu tư. Do vậy, HĐND TPHCM đề nghị Cục Thống kê khảo sát chỉ số TFP để làm cơ sở cho việc hoạch định chính sách, chiến lược phát triển kinh tế TP.
Ông Huỳnh Văn Hùng, Cục trưởng Cục Thống kê, cho biết sẽ tập hợp cơ sở dữ liệu về DN, khảo sát hiệu quả của từng ngành nghề, chất lượng lao động, vốn… để làm cơ sở dữ liệu, phục vụ cho hoạt động quản lý, hoạch định chính sách của các cơ quan nhà nước được hiệu quả hơn.
Qua khảo sát TFP cũng thể hiện tốc độ tăng dân số có giới hạn, do đó, tăng trưởng lực lượng lao động cũng sẽ chậm dần sau một thời gian. Nguồn vốn đầu tư cho nền kinh tế cũng không phải vô hạn; hơn nữa, nếu tỷ lệ vốn đầu tư từ nguồn tín dụng cao chưa hẳn mang lại lợi ích kinh tế, còn tiến bộ của khoa học - kỹ thuật, của tri thức là vô hạn.
Do vậy, thông qua việc ứng dụng các thành tựu kỹ thuật, đổi mới công nghệ, cải tiến quản lý… vào sản xuất, thì sẽ làm tăng chỉ số TFP. Từ đó, đòi hỏi phải khảo sát cho ra một con số định lượng cụ thể để làm cơ sở trong hoạch định phát triển kinh tế.
Lao động đang lệch pha trình độ
TFP cũng chỉ ra sự bất cập về nguồn lực lao động: dù TPHCM rất thiếu lao động có trình độ cao, nhưng lại có rất nhiều người trình độ cao đẳng, đại học trở lên phải làm những công việc bậc thấp. Theo số liệu điều tra 6 tháng đầu năm 2014, khi ấy cả nước có 1,16 triệu người trình độ chuyên môn từ cao đẳng trở lên đang làm công việc thấp hơn so với trình độ; trong đó, 631.000 người trình độ từ đại học trở lên, chiếm 55%. Đây là một dạng “thất nghiệp trá hình”.
Khảo sát TFP cũng thể hiện sự bất cập trong lao động, đó là lao động có trình độ cao đang tập trung ở những ngành tạo ra giá trị gia tăng thấp, trong khi những ngành tạo ra giá trị gia tăng cao lại có ít lao động có trình độ. Để phát triển nền kinh tế trong thời đại công nghệ số thì đòi hỏi phải có nhiều DN đổi mới sáng tạo, DN khoa học công nghệ, thế nhưng trong thực tế, con số DN có đổi mới sáng tạo thật hiếm hoi…
Về vốn, theo khảo sát cho thấy, khu vực dịch vụ có tỷ trọng vốn đầu tư cao nhất - trên 69%, tiếp theo là khu vực công nghiệp và xây dựng với trên 26%. Trong khi đó, khu vực nông, lâm, thủy sản mặc dù có tỷ trọng vốn đầu tư thấp nhất - dưới 1%, nhưng hiệu quả sử dụng vốn đầu tư lại cao hơn 2 khu vực trên.  
Thống kê năm 2014 còn cho thấy, tỷ trọng lao động có trình độ từ phổ thông trở xuống vẫn chiếm đa số - gần 75%, đến năm 2015 giảm xuống còn 72%, vẫn ở mức cao. Nhưng một bất hợp lý là tại khảo sát năm 2012 cho thấy, lao động đã qua đào tạo có trình độ đại học lại tập trung làm việc ở những ngành tài chính, ngân hàng, bảo hiểm (65,9%); giáo dục (53,3%); thông tin và truyền thông (52,7%)…; còn các ngành chiếm dụng lao động lớn là nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, công nghiệp chế biến, chế tạo, thì tỷ lệ lao động đã qua đào tạo rất thấp, dù những ngành này mang lại hiệu quả cao cho nền kinh tế. 
Do vậy, để có cơ sở giúp các nhà hoạch định chính sách đưa ra chỉ tiêu chính xác, thời gian tới Cục Thống kê TPHCM sẽ xây dựng cơ sở dữ liệu về nguồn lực, cơ sở, chỉ số từng ngành. Cơ sở dữ liệu này cũng sẽ được công khai cho các DN tham khảo khi tự chọn, quyết định ngành đầu tư.

Các tin khác