Định giá bồi thường cho dự án công sát giá thị trường

(ĐTTCO)-Ngày 30-11, Hội nghị Thành ủy TPHCM lần thứ 22 tiếp tục ngày làm việc thứ 2 với phần thảo luận tại tổ và thảo luận tại hội trường. Theo đó, đại biểu đề nghị đánh giá lại việc thực hiện đầu tư công, về trách nhiệm điều hành, chỉ đạo của UBND TP và xác định nguyên nhân, trách nhiệm thuộc về đơn vị, cá nhân nào.
Định giá bồi thường cho dự án công sát giá thị trường

Đồng thời làm rõ cơ chế phối hợp giải quyết các thủ tục hành chính dẫn đến tỷ lệ giải ngân các dự án còn chậm, thấp. Đại biểu cũng đề nghị có giải pháp chọn lựa công trình để đầu tư cùng giải pháp tháo gỡ, hỗ trợ đẩy nhanh quy trình và công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng của một số dự án đang vướng mắc.

Phân tích sâu hơn, có đại biểu chỉ rõ điểm nghẽn về thủ tục dẫn đến tỷ lệ giải ngân trong những tháng đầu năm thấp, từ đó đề nghị UBND TP chỉ đạo các sở - ngành (trong đó có Sở KH-ĐT, Sở Tài chính, Sở GTVT) tham mưu phân bổ ngân sách kịp thời để thực hiện giải ngân đúng tiến độ. Song song đó là việc kiên quyết xử lý các trường hợp được bố trí vốn mà không triển khai và nâng cao trách nhiệm giám sát điều phối vốn.

Liên quan đến vướng mắc trong thực hiện dự án theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao), một số đại biểu cho rằng các dự án BT thanh toán bằng tiền hiện đang vướng cơ chế pháp lý và cơ chế này phải được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Do đó, TPHCM cần kiến nghị để thành phố được chọn lựa nhà đầu tư phù hợp với ngân sách thành phố. Tại các buổi thảo luận, có ý kiến phân tích quy trình duyệt giá bồi thường kéo dài với thời gian trung bình thực hiện là 195 ngày nhưng thực tế phải mất 400 - 500 ngày. Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị Sở TN-MT cần phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, xác định để đảm bảo mức giá bồi thường trong các dự án công trình công cộng sát với giá thị trường.

Về việc thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội, có ý kiến cho rằng thành phố nên nghiên cứu, bổ sung vào danh mục những ngành nghề khuyến khích, ngành nghề hạn chế khi áp dụng Nghị quyết 54. Trong đó, các ngành nghề như rượu bia, thuốc lá… không khuyến khích nên cần tăng các loại phí, thuế để điều tiết hành vi của người dân.

Một số đại biểu cũng cho rằng cần điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2019 của TPHCM vì chỉ tiêu 8,3% - 8,5% là cao; đồng thời cho rằng thành phố phải có giải pháp phát triển quy mô sản xuất kinh doanh và đề nghị Trung ương hỗ trợ, tạo điều kiện để TPHCM phát triển các cơ chế, chính sách đặc thù.

Đại biểu nhận xét công tác cải cách hành chính của thành phố vẫn còn hạn chế, nhất là các thủ tục liên quan đến lĩnh vực đất đai nên thành phố cần có giải pháp thực hiện tốt hơn. Đại biểu cũng đề nghị đánh giá, phân tích sâu hơn công tác an ninh trật tự, trật tự an toàn xã hội, nhất là “tín dụng đen”, cho vay nặng lãi và một số loại tội phạm mới phát sinh.

Ngoài ra, đại biểu cũng cho rằng số liệu về khởi tố vụ án tham nhũng được nêu ra không đánh giá được thực trạng phòng, chống tham nhũng tại thành phố; đồng thời chưa đánh giá được tình trạng tham nhũng vặt…

Dự kiến, phiên bế mạc của hội nghị sẽ diễn ra trong sáng nay (1-12), với nội dung chính là tiếp tục thảo luận tại hội trường về công tác xây dựng Đảng, báo cáo kết quả biểu quyết các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2019. Cũng tại ngày làm việc cuối này, hội nghị sẽ bàn về công tác cán bộ, gồm một hội nghị chủ chốt với thành phần mở rộng và một phiên nội bộ.

Các tin khác