Điều hành vênh nhau giữa các bộ

Việc mặt hàng sữa không quản được giá, Bộ Tài chính đã “phản pháo” Bộ Y tế, một lần nữa cho thấy đang có sự phối hợp thiếu chặt chẽ giữa các bộ quản lý ngành và lĩnh vực. Việc vênh nhau này đòi hỏi cần có sự khắc phục mới có thể quản lý hiệu quả giá cả các mặt hàng nói chung và sữa nói riêng.

Việc mặt hàng sữa không quản được giá, Bộ Tài chính đã “phản pháo” Bộ Y tế, một lần nữa cho thấy đang có sự phối hợp thiếu chặt chẽ giữa các bộ quản lý ngành và lĩnh vực. Việc vênh nhau này đòi hỏi cần có sự khắc phục mới có thể quản lý hiệu quả giá cả các mặt hàng nói chung và sữa nói riêng.

Ngày 19-9 vừa qua, Bộ Tài chính có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về cách điều hành giá sữa hiện nay, trong đó nêu những bất cập trong việc thay đổi tên gọi từ sữa thành: sản phẩm dinh dưỡng, sản phẩm dinh dưỡng công thức, thực phẩm dinh dưỡng công thức, thực phẩm bổ sung dinh dưỡng, thực phẩm bổ sung (gọi chung là sản phẩm dinh dưỡng), đã khiến các sản phẩm trước đây là sữa (thuộc danh mục hàng hóa bình ổn giá) nay gọi là sản phẩm dinh dưỡng (không thuộc danh mục hàng hóa bình ổn giá) nên không theo quy định của Luật Giá.

Bộ Tài chính cho rằng, Bộ Y tế là cơ quan quản lý chất lượng và tiêu chuẩn sản phẩm sữa cũng như sản phẩm dinh dưỡng. Vì vậy, Bộ Y tế chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính để quy định cụ thể đối với các sản phẩm dinh dưỡng, xem xét việc kê khai giá đối với những sản phẩm này. Tuy nhiên, thông qua kiến nghị này, Bộ Tài chính đang muốn trả quản lý giá mặt hàng sữa này về cơ quan quản lý chuyên ngành là Bộ Y tế.

Việc quản lý giá sữa bị các bộ đá qua đá lại. Ảnh: CAO THĂNG 

Việc quản lý giá sữa bị các bộ đá qua đá lại. Ảnh: CAO THĂNG 

Trước khi Bộ Tài chính có văn bản này, Bộ Y tế cho rằng việc ban hành quy chuẩn kỹ thuật với sữa bột, sản phẩm dinh dưỡng công thức dành cho trẻ nhỏ và áp dụng từ giữa năm 2013 không gây hiểu lầm, cũng như không làm tăng giá sản phẩm. Đại diện bộ này khi trả lời báo chí còn “đá xéo” trách nhiệm Bộ Tài chính về việc kể từ năm 2007 đến nay giá sữa đã tăng 30 lần mà không kiểm soát được.

Thực ra đây không phải là lần đầu tiên có những tranh luận về quản lý giá giữa 2 cơ quan quản lý. Cách đây không lâu giữa Bộ Tài chính với Bộ Công Thương và một số doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối cũng đã có những “va” nhau về quan điểm quản lý giá với mặt hàng này, tính công khai minh bạch trong lỗ, lãi hay thời điểm tăng, giảm giá.

Bộ Công Thương cho rằng họ đang có trách nhiệm trong việc đảm bảo nguồn cung, không để vỡ hệ thống. Thế nhưng thời gian qua, Bộ Tài chính điều hành giá xăng theo kiểu dư luận tới đâu điều hành tới đó. Các mục tiêu cân đối cung cầu, hệ thống, doanh nghiệp lỗ lãi, xuất lậu ra sao đều bị bỏ qua. Trong khi đó, lãnh đạo Bộ Tài chính cho rằng kinh doanh xăng dầu vẫn còn mang tính độc quyền, thiếu minh bạch, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng.

Cách đây 5 tháng, Bộ Tài chính cũng đã có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ về việc tham gia ý kiến vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Trong đó bộ này đã có quan điểm chính thức về những vấn đề “chưa được Bộ Tài nguyên - Môi trường nghiên cứu, tiếp thu hoàn thiện” tại một bản dự thảo báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước đó. Theo quan điểm của Bộ Tài chính, những điểm không tiếp thu lại dễ làm nảy sinh vướng mắc thực hiện, gây thất thoát cho ngân sách.

Trong cuộc sống thực tiễn có muôn hình muôn vẻ, chuyện các tổ chức, cá nhân có những quan điểm khác nhau là việc bình thường, kể cả tranh luận giữa các bộ quản lý ngành, lĩnh vực trong cách điều hành không phải là chuyện bất bình thường. Bởi dựa trên góc nhìn của cơ quan quản lý ngành như y tế hay công thương, họ hiểu rõ bản chất vấn đề hơn cơ quan quản lý lĩnh vực giá cả và ngược lại (tất nhiên điều này có thể do vô tình hoặc cố ý).

Tuy nhiên, việc 2 cơ quan cùng điều hành một loại mặt hàng có sự vênh nhau quá lớn, mà tình trạng vênh này chỉ được thông tin rộng rãi khi thực tế đã vượt “quá sức chịu đựng” của người tiêu dùng là điều không hợp lý. Khi “cơm không lành, canh chẳng ngọt” mới phải đưa nhau lên Thủ tướng để giải quyết, cho thấy công tác điều hành, quản lý giá rõ ràng đang có sự bất cập. Một cơ quan quản lý doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, cung - cầu hàng hóa, trong khi cơ quan kia lại quyết định vấn đề giá cả, rõ ràng là điều không dễ dàng cho cả 2.

Trao đổi với ĐTTC, một chuyên gia am hiểu lĩnh vực giá cả vẫn giữ nguyên quan điểm, đó là nên đưa vấn đề quản lý giá sữa, thuốc về Bộ Y tế, bởi đây là cơ quan có trách nhiệm trong việc cấp phép kinh doanh, quản lý chuyên ngành, họ sẽ hiểu rõ bản chất vấn đề hơn Bộ Tài chính. Điều này sẽ tránh việc đẩy “quả bóng trách nhiệm” giữa các bộ. Còn đối với những mặt hàng mang tính độc quyền, có vị trí thống lĩnh thị trường cũng vẫn rất cần có sự giám sát chéo chứ chưa thể quy về 1 bộ.

Việc quản lý nhà nước về giá cả cần phải có sự thay đổi cách nhìn nhận, xác định rõ trách nhiệm và thực chất hơn của từng cơ quan. Thay vì như cách làm hiện nay, ai cũng có trách nhiệm nhưng khi nảy sinh những tranh cãi, bất cập trách nhiệm chưa biết quy vào ai.

Các tin khác