Điều chỉnh giá điện nhìn từ nhiều phía

(ĐTTCO)-Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực cho biết, các yếu tố đầu vào sản xuất điện thời gian vừa qua đã đều được điều chỉnh tăng là một trong những lý do phải tăng giá bán lẻ điện kể từ ngày 20/3.
Điều chỉnh giá điện nhìn từ nhiều phía

Từ ngày 20/3, mức giá bán điện bình quân đã chính thức được Bộ Công Thương điều chỉnh, tăng thêm 8,36%, lên 1.864,44 đồng một kWh (chưa gồm thuế VAT). Với mức điều chỉnh tăng này, mỗi khách hàng sử dụng điện ở mức 50kWh sẽ phải trả thêm 7.000 đồng/tháng, sử dụng đến 400 kWh sẽ phải trả 77.200 đồng/tháng.

Theo lãnh đạo Bộ Công Thương, giá điện trên đã được tính toán để việc tăng giá điện bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và phát triển bền vững.

Tuy nhiên, do điện là khâu đầu vào của cả nền kinh tế, tác động trực tiếp đến sản xuất, chi phí sinh hoạt của người dân, nhất là trong bối cảnh thiếu năng lượng đang dần hiện hữu, nên phương án tăng giá điện được dư luận đặc biệt quan tâm.

Tăng giá điện do sức ép nhiên liệu

Tại buổi Tọa đàm trực tuyến: “Điều chỉnh giá điện, nhìn từ nhiều phía” do Cổng thông tin Chính phủ tổ chức sáng 21/3, ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cho biết, các yếu tố đầu vào sản xuất điện thời gian vừa qua đã đều được điều chỉnh tăng là một trong những lý do phải tăng giá bán lẻ điện kể từ ngày 20/3.

Cụ thể, theo ông Tuấn, giá than bán cho điện sản xuất tăng từ 2,61% đến hơn 7% tuỳ từng loại than, đã tăng chi phí phát điện lên hơn 3.000 tỷ đồng. Giá than năm nay được điều chỉnh đồng thời với giá điện hôm 20/3. Theo đó, than của TKV tăng hơn 3% và Tổng công ty Đông Bắc hơn 5%, tăng hơn 2.000 tỷ đồng.

Đáng chú ý là, một số nhà máy điện của EVN và nhà máy điện ngoài sử dụng than trộn trong nước và nhập ngoại, là than mua của TKV tăng khoảng hơn 1.900 tỷ đồng.

Chưa kể một số loại chi phí khác là đầu vào phát điện cũng tăng, như giá khí, chênh lệch tỷ giá...

“Việc tăng giá điện một mặt thực hiện đầy đủ theo Quy định 24 của Chính phủ nhưng khi xem xét phải xem xét cân đối vĩ mô, phân bổ dần khoản nợ phải treo, tính toán ảnh hưởng kinh tế vĩ mô, mức hỗ trợ cho các hộ nghèo, hộ chính sách,” ông Tuấn nhấn mạnh.

Vẫn theo ông Tuấn, trước khi điều chỉnh, giá điện Việt Nam thấp hơn cả Lào và Campuchia. Sau khi điều chỉnh, giá điện tại Việt Nam bằng với các nước nêu trên và bằng 91% giá điện bình quân của nhiều nước trên thế giới.

Tuy nhiên, nhìn nhận từ góc độ chuyên gia kinh tế, ông Cấn Văn Lực cho rằng: “Mọi so sánh đều khập khiễng, vì mỗi nước có đặc thù, cách thức sản xuất kinh doanh, văn hóa khác nhau. Mặc dù ông Nguyễn Anh Tuấn nói đã rõ nhưng chúng ta phấn đấu càng thấp hơn càng tốt vì đó là lợi ích cho người dân.”

Vị chuyên gia cũng nhấn mạnh, vấn đề người dân quan tâm là tổn thất điện năng. Khách quan mà nói, ngành điện đã có nhiều cải tiến trong thời gian vừa qua. Và mức tổn thất đã giảm. So với các nước là chúng ta đã giảm tổn thất 8-9%. Tuy nhiên còn phải so sánh thêm với mặt bằng giá cả.

“Một điểm nữa cần xem xét là cơ cấu nguồn điện của chúng ta như thế nào để chúng ta có thể có một chiến lược phát triển hợp lý nhất về lâu dài, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia,” ông Lực nêu quan điểm.

Ông Lực cũng cho biết, ban đầu ông khá băn khoăn về giá điện nhưng sau khi tìm hiểu, ngành điện đã đến lúc phải tăng giá, và có lẽ tâm lý của người dân và doanh nghiệp không ai mong muốn tăng, không riêng giá điện, giá xăng dầu cũng là mặt hàng không ai muốn tăng.

Theo đánh giá của ông Lực, hiện nay, giá điện đang tiến dần đến cơ chế thị trường. Trước đây nhà nước bảo trợ nhưng giờ than, khí đầu vào cho sản xuất điện đã theo giá thị trường và các khoản tồn đọng đến giờ phải phân bổ dần dần. Vì thế, đây là thời điểm tương đối thuận vì giá cả các mặt hàng trên thế giới như dầu, than về cơ bản được dự báo gần như không tăng tạo mặt bằng không quá lớn tác động đến lạm phát của Việt Nam.

Bên cạnh đó, việc quyết định điều chỉnh giá điện rơi vào quý 1 năm 2019 nên Chính phủ, các bộ ngành có thể chủ động hơn trong việc đưa ra các chính sách cho năm 2019 để tác động không quá lớn đến kinh tế vĩ mô.

Lãnh đạo EVN: "Tôi cũng không muốn tăng giá điện"

Trong khi đó, về phía Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), ông Đinh Quang Tri - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn cho biết: “Chúng tôi cũng không muốn tăng giá điện, về nhà chúng tôi cũng phải trả tiền điện. EVN cũng mua điện của các đơn vị khác nếu họ không sản xuất cũng thiếu điện. Vì thế sẽ cố gắng điều hành hệ thống điện tối ưu hơn nữa để không gây sức ép tăng giá điện.”

Về việc phải điều chỉnh, ông Tri cho biết, hiện nay giá điện tại Việt Nam thấp hơn so với các nước trên thế giới, qua số liệu thu thập được trong 8 nước Đông Nam Á, giá điện nước ta thấp hơn các nước trong khu vực, sau đợt  điều chỉnh năm 2019 mới bằng 66% của 8 nước Đông Nam Á (số liệu T6/2018).

Tuy nhiên, ông Tri cũng lưu ý, điện là sản phẩm duy nhất kêu gọi mọi người tiết kiệm, không khuyến mại điện, tuyên truyền cùng tham gia đầu tư và tiết kiệm điện. Tất cả khách hàng đều không ai muốn tăng giá điện, đây là việc bắt buộc phải làm, bởi EVN chỉ cung cấp 40-50% điện hệ thống còn lại đi mua.

Bên cạnh đó, những khó khăn về tăng chi phí than, chênh lệch tỉ giá, những khó khăn từ nguồn nước ảnh hưởng đến cơ cấu điện trên toàn quốc... buộc ngành điện phải có phương án tăng giá để bảo đảm sản xuất kinh doanh.

Trước băn khoăn của dư luận về tính minh bạch trong sản xuất, kinh doanh của EVN, Phó Tổng giám đốc Đinh Quang Tri cho biết đơn vị này là doanh nghiệp hiếm hoi thuê kiểm toán độc lập về kiểm toán báo cáo tài chính cũng như các chi phí đầu vào, chi phí sản xuất của ngành điện.

“Chúng tôi minh bạch toàn bộ các hoạt động của tập đoàn. Lần đầu tiên vào năm 2018, chúng tôi thực hiện xếp hạng tín nhiệm của EVN trên quốc tế,” ông Tri nói.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Bạch Thăng Long, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10, cho biết cả người dân và doanh nghiệp, không ai mong muốn tăng giá điện vì sẽ tạo áp lực cho sinh hoạt, sản xuất.

“Tuy nhiên, việc điều chỉnh giá điện lần này không tạo bất ngờ cho doanh nghiệp bởi trong thời gian qua, áp lực về chi phí đầu vào cho sản xuất điện tăng, khả năng cung ứng điện gặp nhiều khó khăn đã được nêu rõ. Các doanh nghiệp khi xây dựng kế hoạch hoạt động cũng đã tính đến việc giá điện tăng,” ông Long nói.

Lãnh đạo doanh nghiệp này cũng bày tỏ quan điểm rằng, trong bối cảnh khó khăn về "sức ép" năng lượng, các doanh nghiệp muốn phát triển bền vững cần sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, thân thiện với môi trường.

Đồng quan điểm trên, ông Cấn Văn Lực cho rằng, doanh nghiệp cần cải thiện sản xuất để nâng cao sức cạnh tranh. Đồng thời, Chính phủ cần tiến tới bỏ cơ chế bù chéo, ngành sản xuất công nghiệp như xi măng sắt thép đang được bù giá điện.

"Vì thế điện công nghiệp hiện chịu mức giá 6,8 cent/kWh, điện sinh hoạt 8,7 cent/kWh, doanh nghiệp ngành khác trả 10 cent/kWh. Trong khi ngành công nghiệp tiêu tốn 55% tổng lượng điện. Vậy nhân cơ hội này phải sửa luật điện lực bỏ bù chéo. Như vậy người dân, doanh nghiệp sẽ đồng thuận và sẵn sàng trả giá điện hợp lý hơn,” ông Lực kiến nghị.

Các tin khác