Dệt may trước cơ hội tự hoàn thiện

Để đạt được thỏa thuận thuế suất bằng 0% đối với các thị trường lớn, đòi hỏi ngành Dệt may Việt Nam phải khắc phục tình trạng phát triển không đồng nhất giữa các khâu từ dệt-sợi-nhuộm-hoàn tất và may.

Để đạt được thỏa thuận thuế suất bằng 0% đối với các thị trường lớn, đòi hỏi ngành Dệt may Việt Nam phải khắc phục tình trạng phát triển không đồng nhất giữa các khâu từ dệt-sợi-nhuộm-hoàn tất và may.

Sáng 6-9, tại Đà Nẵng, diễn ra Hội nghị chuyên đề thảo luận về sự tác động của Hiệp định Đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) đối với ngành Dệt may.

Thị trường lớn-Thách thức nhiều

Hiện nay, các nước EU chiếm 50%, TPP chiếm 30% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam, tiếp sau là thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc. Tuy nhiên, thuế suất hiện nay tại các thị trường Mỹ và EU đối với ngành hàng Dệt may Việt Nam rất cao: Hoa Kỳ là 17,5%; EU là 9,6%.

Thời gian qua, Chính phủ đang nỗ lực mở rộng cánh cửa xuất khẩu cho Dệt may Việt Nam bằng việc đẩy nhanh tiến trình đàm phán tham gia vào Hiệp định Đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định thương mại tự do với EU và Hiệp định thương mại tự do với Hàn Quốc để đưa thuế xuất về 0%.

Ông Nguyễn Đình Trường, Phó Chủ tịch VITAS, nhận định: “TPP sẽ tạo ra cú huých lớn và mang đến động lực quan trọng cho sự phát triển của Dệt may Việt Nam, góp phần đưa dệt may Việt vươn lên tầm cao hơn trong tương lai gần”.

Tuy nhiên, để được hưởng thuế suất 0%, các doanh nghiệp dệt may phải chấp nhận áp dụng nhiều qui định khắt khe mà công thức “từ sợi trở đi” với việc các khâu đoạn từ kéo sợi-dệt-nhuộm-hoàn tất và may phải được làm tại các nước thành viên TPP. Chính điều này đã gây trở ngại cho dệt may Việt bởi phân khúc dệt-nhuộm-hoàn tất tại nước ta phát triển yếu, trở thành nút thắt cổ chai gây cản trở cho toàn ngành.

Hiện 70% hàng dệt may xuất khẩu của Việt Nam được thực hiện theo phương thức CMT (cắt-ráp-hoàn thiện), với 88% nguyên phụ liệu (chủ yếu là vải) phải nhập khẩu từ nước ngoài, mà phần lớn các nước này không nằm trong TPP. Bên cạnh đó, trang thiết bị, công nghệ không theo kịp các nước khác, gia công giá rẻ làm lợi thế cạnh tranh đang bị các quốc gia mới nổi trong ngành dệt may lấn sân.

Đồng thời, thách thức rất lớn với các doanh nghiệp dệt may trong nước là tiêu chuẩn về lao động và môi trường của TPP khá cao, nhất là trong khâu dệt-nhuộm. Nếu doanh nghiệp dệt may vi phạm những tiêu chuẩn này có thể bị truy thu thuế ngược lại với những lô hàng đã được miễn thuế hoặc bị khởi kiện và không được tiếp tục xuất sang các nước thành viên TPP nữa.

Tìm hướng gia nhập sân chơi lớn

Để tháo gỡ vướng mắc trên, các bên đàm phán kiến nghị giải pháp tạm thời “nguồn cung thiếu hụt” (short supplying list) trong thời hạn nhất định (3 năm). Qua đó, các nước trong TPP được tiếp tục mua nguyên liệu mà TPP chưa sản xuất hoặc không có từ bên ngoài TPP để sản xuất hàng may mặc. Tuy nhiên, hết thời hạn trên thì buộc phải áp dụng công thức “từ sợi trở đi”.

Sáng kiến này được coi là động lực giúp thúc đẩy sản xuất hàng dệt (bao gồm cả kéo sợi) trong nội bộ TPP mà đặc biệt là tại Việt nam.

Theo ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam, giải pháp để phát triển ổn định khi Việt Nam tham gia TPP là phải liên kết chuỗi để chủ động nguồn lực, thiết bị công nghệ và thị trường; đầu tư vào vào khâu dệt-nhuộm-hoàn tất; gia tăng giá trị bằng cách giảm dần gia công; tiếp tục mở rộng thị trường và phát triển ngành công nghệ may thời trang.

Ông Tuấn cho rằng Chính phủ cần có chiến lược rõ ràng nhằm hoạch định vùng phát triển dệt nhuộm, đặc biệt là nhuộm khi nhiều địa phương không còn mặn mà với khâu này. Bên cạnh đó, nguồn lao động có kĩ thuật cần được tái đào tạo để tham gia vào quá trình phát triển toàn diện của ngành Dệt may Việt Nam.

“Trong xu hướng phát triển chung không thể tránh được của ngành dệt may thế giới, nếu chúng ta không đối diện và khai thác nó thì sẽ tự đào thải mình”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Để trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng ngành dệt may thế giới, nhiều đại biểu trong hội nghị cho rằng, trước mắt cần tập trung đẩy mạnh việc phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ cho ngành để sản xuất nguyên liệu trong nước, thay thế nguyên liệu nhập khẩu; ngành thiết kế cần được củng cố và nâng cấp.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp dệt may cần nhanh chóng chuyển đổi phương pháp gia công truyền thống CMT (cắt-ráp-hoàn thiện) sang phương thức FOB (doanh nghiệp phải thực hiện toàn bộ quá trình sản xuất từ nghiên cứu thị trường đến bao gói hòm hộp và giao hàng), từ đó góp phần làm tăng tỷ lệ nội địa hoá, giảm nhập khẩu, giảm chi phí sản xuất, giảm sự phụ thuộc vào bên ngoài.

Ông Nguyễn Văn Tuấn cũng cho biết VITAS đang triển khai việc khảo sát đối với 6 lĩnh vực gồm thị trường, nguyên phụ liệu, lao động, thiết bị, quản lý và vấn đề tài chính của các doanh nghiệp dệt may trong nước để có số liệu tổng hợp chi tiết để tiếp tục tham gia đàm phán.

Các tin khác