Dệt may đạt thặng dư cao nhất trong các ngành hàng xuất khẩu

(ĐTTCO)-Sau khi Mỹ rút khỏi TPP, xuất khẩu dệt may gặp nhiều khó khăn trong 2 quý đầu năm 2017, tuy nhiên thặng dư thương mại của dệt may Việt Nam năm 2017 lại đạt mức cao kỷ lục, đứng đầu trong các ngành hàng xuất khẩu.
 
Sản xuất hàng dệt may xuất khẩu tại Công ty CP May Sài Gòn 3. Ảnh: MỸ HẠNH
Sản xuất hàng dệt may xuất khẩu tại Công ty CP May Sài Gòn 3. Ảnh: MỸ HẠNH

Ngày 11-12, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) cho biết, xuất khẩu dệt may năm 2017 đạt thặng dư cao nhất, đứng đầu trong tất cả ngành hàng xuất khẩu năm 2017 của Việt Nam, đạt 15,51 tỷ USD, tăng 7,15% so với năm 2016.

Giá trị thặng dư thương mại của ngành dệt may tăng cao một phần nhờ vào việc gia tăng tỷ lệ xuất khẩu sản phẩm may mặc sản xuất theo phương thức ODM (lên ý tưởng, thiết kế, chào bán). Năm 2016, số lượng doanh nghiệp sản xuất theo phương thức ODM chiếm khoảng 3%, năm 2017 đã tăng lên 7% và dự kiến sẽ tăng lên 11% trong năm 2018.

Theo ông Vũ Đức Giang, dù xuất khẩu dệt may Việt Nam gặp khó khăn sau khi Mỹ thông tin rút khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), trong quý 1 và 2 năm 2017 một số nhà nhập khẩu đã rút đơn hàng sang các thị trường Sri Lanka, Myanmar, Bangladesh... để tận dụng thuế suất 0%, rất thấp ở những thị trường này. Tuy nhiên, từ quý 3-2017 đơn hàng đã quay trở lại Việt Nam.

Ông Giang khẳng định, việc Mỹ rút khỏi TPP có ảnh hưởng đến xuất khẩu dệt may Việt Nam tuy nhiên tác động không lớn. Bởi vì, chất lượng, năng lực cạnh tranh, thời gian giao hàng của doanh nghiệp dệt may Việt Nam vẫn được nhà nhập khẩu đánh giá cao hơn các nước Sri Lanka, Myanmar, Bangladesh….

Hơn nữa, doanh nghiệp dệt may Việt Nam cũng đã chủ động chuẩn bị nhiều hướng đầu tư công nghệ, mở rộng sang các thị trường xuất khẩu mới, bên cạnh các thị trường xuất khẩu truyền thống như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc… Năm 2017, dệt may Việt Nam cũng đã bắt đầu xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc với các sản phẩm may mặc, sợi và cả vải, với kim ngạch khoảng 1,04 tỷ USD.

Ngoài ra, dệt may Việt Nam còn rất nhiều cơ hội với các hiệp định thương mại song phương, đa phương sắp và sẽ ký trong 1, 2 năm tới như FTA Việt Nam- EU, ASEAN + 6 (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand, Australia, Ấn Độ),…

Vitas cho biết, đơn hàng xuất khẩu dệt may trong năm 2018 của nhiều doanh nghiệp có nhiều khả quan, hiện nhiều doanh nghiệp đã có đơn hàng sản xuất cho quý 2-2018. Vitas dự báo, xuất khẩu dệt may Việt Nam trong năm 2018 đạt khoảng 33,5 - 34 tỷ USD.

Theo Vitas, xuất khẩu dệt may cả năm 2017 đạt khoảng 31 tỷ USD, tăng 10,23% so với năm 2016. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may đạt 25,91 tỷ USD, tăng 8,7% so với năm 2016; xuất khẩu vải đạt 1,07 tỷ USD; xuất khẩu xơ sợi ước đạt 3,51 tỷ USD tăng 19,93%; xuất khẩu nguyên phụ liệu dệt may 1,1 tỷ USD, tăng 17,3%; xuất khẩu vải không dệt 472 triệu USD...

Trong khi đó, tổng kim nghạch nhập khẩu nguyên phụ liệu năm 2017 ước khoảng 18,9 tỷ USD tăng 11,4% so với năm 2016. Trong đó, nhập khẩu vải khoảng 11,2 tỷ USD, tăng 6,85%; nhập khẩu bông 2,4 tỷ USD, tăng 44,3%, nhập khẩu xơ sợi 1,76 tỷ USD tăng 9,4%; nhập khẩu phụ liệu dệt may 3,55 tỷ USD, tăng 10,3%...

Tính cụ thể, nhập khẩu cho xuất khẩu (chưa tính nhập khẩu cho nội địa) năm 2017 khoảng 15,48 tỷ USD. Cân đối giữa xuất - nhập khẩu, giá trị thặng dư thương mại toàn ngành dệt may đạt 15,51 tỷ USD.

Các tin khác