Đề xuất thành lập cơ quan quản lý đầu tư nước ngoài thế hệ mới

(ĐTTCO)-Chiều 9-7, báo cáo “Các khuyến nghị về chiến lược và định hướng thu hút FDI thế hệ mới 2020-2030 của Việt Nam” được Công ty Tài chính quốc tế (IFC), Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ KH-ĐT) phối hợp công bố tại Hà Nội.
Đề xuất thành lập cơ quan quản lý đầu tư nước ngoài thế hệ mới
 Báo cáo cung cấp các phát hiện và khuyến nghị tham khảo cho Chính phủ trong quá trình xây dựng định hướng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thế hệ mới. 

Theo nhóm tác giả báo cáo, mặc dù các chính sách mở cửa đầu tư và thương mại đã mang lại sự gia tăng các dòng vốn FDI, tạo thêm nhiều việc làm và đa dạng hóa xuất khẩu - đặc biệt trong thập kỷ vừa qua dòng vốn FDI vào Việt Nam đã tăng gấp khoảng 10 lần, vượt qua hầu hết các đối thủ cạnh tranh trong khu vực - Việt Nam vẫn cần thực hiện nhiều cải cách mang tính đột phá nhằm cạnh tranh thu hút các dòng vốn FDI có chất lượng hơn.
Lưu ý rằng FDI đổ vào Việt Nam chủ yếu bắt nguồn từ các yếu tố như chi phí lao động thấp và cơ chế ưu đãi lớn, nhóm nghiên cứu nhấn mạnh rằng việc thiếu lao động có kỹ năng là một rào cản đối với tăng trưởng; trong khi việc thiếu các chuỗi cung ứng tích hợp tại địa phương, khan hiếm các nhà cung ứng trong nước có chất lượng và các chính sách hiệu quả nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp địa phương càng làm giảm năng lực cạnh tranh của các công ty.

Thông qua việc rà soát kỹ lưỡng các lĩnh vực tiềm năng để xác định các ngành có thể mang lại cơ hội cạnh tranh tốt nhất cho Việt Nam trong việc thu hút đầu tư (cả FDI và đầu tư trong nước), báo cáo này đã khuyến nghị 8 đề xuất cải cách mang tính đột phá.
Trong đó, một trong những ưu tiên hàng đầu là nỗ lực xây dựng môi trường kinh doanh phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp trong kỷ nguyên công nghệ số. Thay vì “nỗ lực bắt kịp”, quá trình tái khởi động này phải đem lại môi trường đầu tư ưu việt cùng các trải nghiệm vận hành với các giải pháp số/trực tuyến cạnh tranh được với đối thủ khác trong khu vực. 

Các khuyến nghị khác bao gồm xây dựng và triển khai một kế hoạch quốc gia về nâng cao tay nghề cho người lao động, hiện đại hóa công tác xúc tiến đầu tư, chuyển dịch từ xúc tiến thụ động sang xúc tiến chủ động ở một số ngành ưu tiên; rà soát toàn bộ khung chính sách ưu đãi đầu tư hiện hành; mở cửa một số ngành dịch vụ quan trọng để thúc đẩy nâng cao năng lực cạnh tranh và tăng trưởng đối với đầu tư nước ngoài; ban hành chiến lược, chính sách xúc tiến đầu tư ở nước ngoài…
Đặc biệt, trước hết, cần thành lập một cơ quan quản lý đầu tư nước ngoài thế hệ mới với đầy đủ thẩm quyền, chức năng, cơ cấu và ngân sách nhằm đảm bảo thực hiện hiệu quả các khuyến nghị nêu trên. 

Các tin khác