Để ngỏ vốn vàng trong dân

Cuối tuần qua, lo ngại việc một số NHTM đẩy mạnh dịch vụ giữ hộ vàng để lách quy định cấm huy động và cho vay vàng, NHNN đã yêu cầu các NHTM tạm ngưng nhận giữ hộ vàng của dân, chờ hướng dẫn mới. Điều này cho thấy mục tiêu chống vàng hóa và quản lý thị trường vàng của NHNN đang vấp phải không ít khó khăn.

Trong số báo trước (ngày 4-7-2013), mục Thời luận ĐTTC có bài “Ghìm cương thị trường vàng?”, phân tích những diễn biến phức tạp của thị trường vàng sau thời điểm 30-6 tất toán trạng thái vàng của các NHTM.

Cuối tuần qua, lo ngại việc một số NHTM đẩy mạnh dịch vụ giữ hộ vàng để lách quy định cấm huy động và cho vay vàng, NHNN đã yêu cầu các NHTM tạm ngưng nhận giữ hộ vàng của dân, chờ hướng dẫn mới. Điều này cho thấy mục tiêu chống vàng hóa và quản lý thị trường vàng của NHNN đang vấp phải không ít khó khăn.

 Trong Nghị định 24 của Chính phủ về quản lý thị trường vàng có nhắc đến việc khai thác hiệu quả nguồn vốn vàng trong dân. NHNN cũng từng xây dựng dự thảo đề án huy động vàng trong dân và nhận được ý kiến đóng góp nhiệt tình của giới tài chính, các NHTM và chuyên gia kinh tế.

Tuy nhiên, sau khi hoàn tất lộ trình độc quyền sản xuất thương hiệu vàng miếng SJC, cấp phép lại mạng lưới mua bán vàng miếng và cấm huy động và cho vay vàng, đến nay đề án huy động vàng trong dân vẫn bỏ ngỏ. Trong nhiều lần phát biểu về quản lý thị trường vàng, NHNN cũng không nhắc đến kế hoạch huy động trong dân, chỉ cho biết sau thời hạn tất toán trạng thái vàng của các NHTM, sẽ áp dụng các giải pháp kinh tế để người dân bớt nắm giữ, đầu cơ vàng, thực hiện mục tiêu chống vàng hóa.

Không được huy động và cho vay vàng, các NHTM chuyển sang giữ hộ vàng có thu phí theo quy định của NHNN. Nhưng thực tế các NHTM tiến hành giữ hộ vàng miễn phí, đồng thời lách luật cho phép người vay thế chấp sổ giữ hộ vàng ở NHTM để vay tiền đồng đầu tư vàng. Chưa kể, có NHTM dùng vàng giữ hộ của dân để kinh doanh mua bán kiếm lợi.

Trước những kẽ hở của nghiệp vụ giữ hộ vàng, NHNN cho biết đang soạn thảo chi tiết điều kiện và quy trình cho phép các NHTM được cung cấp dịch vụ giữ hộ vàng, dự kiến hoàn thành giữa tháng 8. Còn nay tạm ngưng, cho thấy dường như NHNN khá bị động trong quản lý thị trường vàng.

Tại sao NHNN không xây dựng quy định giữ hộ vàng cụ thể ngay sau khi cấm huy động vàng? Vô hình trung sẽ có một khối lượng lớn vàng được cất trữ trong dân mà đúng ra mục tiêu ban đầu của NHNN là huy động được khối lượng vàng này.

Có thể thấy việc cấm huy động và cho vay vàng, cũng như hạn chế người dân đổ vốn đầu tư vào vàng thể hiện rõ việc NHNN đặt mục tiêu chống vàng hóa trong dân. Nhưng thực tế hiện nay, trong bối cảnh các kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản chưa có triển vọng hồi phục khả quan, lãi suất tiền gửi tiết kiệm giảm mạnh, người dân vẫn thích chọn đầu tư vào vàng.

Đó là chưa nói việc nắm giữ và cất trữ vàng đã trở thành thói quen lâu nay của người dân nước ta. Riêng việc cấm người dân vay vốn bằng vàng dưới mọi hình thức cho thấy nước ta đang có chính sách giống Ấn Độ. Nhưng thực tế hiện nay NHTM rất khó quản người dân vay vốn bằng tiền đồng để đầu tư vàng, bởi không thể giám sát được khoản vốn vay của khách hàng.

Hơn nữa, khi Nhà nước công nhận người dân có quyền mua bán và cất trữ vàng, xem vàng là tài sản của dân, thì việc cấm người dân dùng vàng để cầm cố là bất hợp lý, tước đoạt quyền sử dụng tài sản cá nhân của người dân. Trong khi đó NHNN lại cho phép các NHTM cho vay với khách hàng cầm cố bằng nhiều loại tài sản như bất động sản, hàng hóa, giấy tờ có giá, dòng tiền, niềm tin…

Sau khi kết thúc hạn tất toán 30-6, NHNN vẫn tiếp tục bơm ra một khối lượng vàng tương đối lớn với lý do thị trường vẫn có nhu cầu; các ngân hàng đã hoàn tất việc tất toán dư nợ huy động vàng, nhưng dư nợ cho vay vàng vẫn còn. Gần 120.000 lượng vàng đấu thầu được bán ra trong tuần qua phần lớn do các ngân hàng mua để xử lý dư nợ vàng đã cho vay.

Hiện nay khó có thể bắt các NHTM tất toán dứt điểm dư nợ vàng, bởi điều đó còn tùy thuộc vào khách hàng vay vốn bằng vàng với hợp đồng vay dân sự. Trong khi đó, với giấy phép kinh doanh mua bán vàng miếng, các NHTM vẫn có nhu cầu vàng để kinh doanh. Do vậy, cầu vàng sau 30-6 từ các NHTM và các công ty kinh doanh vàng vẫn còn rất lớn.

Một khi đã kinh doanh các NHTM luôn niêm yết giá có lợi cho mình, nên dù NHNN có mục tiêu bình ổn giá thông qua đấu thầu vàng với giá gần sát giá thế giới, các NHTM vẫn có phối hợp với các công ty kinh doanh vàng “sân sau” để neo giá vàng ở mức cao nhằm kiếm lợi. Chính vì vậy những đợt đấu thầu vàng vừa qua, dù NHNN quyết định giá, nhưng đến nay giá vàng trong nước và thế giới vẫn chênh lệch ở mức cao, từ 5-6 triệu đồng/lượng.

Các tin khác