Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Trần Hồng Hà:

Đề nghị Quốc hội ban hành nghị quyết quản lý đất đai tại các đặc khu

(ĐTTCO)-Ngay từ đầu phiên chất vấn, có tới 66 đại biểu (ĐB) muốn đặt câu hỏi trực tiếp, qua đó cho thấy sự quan tâm đặc biệt của các ĐB về lĩnh vực này. 
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Trần Hồng Hà
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Trần Hồng Hà

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) Trần Hồng Hà là bộ trưởng thứ hai đăng đàn trả lời chất vấn trực tiếp trước Quốc hội chiều 4-6. Ngay từ đầu phiên chất vấn, có tới 66 đại biểu (ĐB) muốn đặt câu hỏi trực tiếp, qua đó cho thấy sự quan tâm đặc biệt của các ĐB về lĩnh vực này. Ngày 5-6, Quốc hội sẽ dành nửa phiên làm việc buổi sáng để tiếp tục làm rõ các vấn đề được ĐB chất vấn.

Kiểm soát toàn diện, xã hội hóa xử lý ô nhiễm môi trường

Ô nhiễm không khí, đặc biệt là tại các đô thị lớn, là vấn đề được ĐB Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) chất vấn: “Ô nhiễm bụi rất nghiêm trọng, người dân Hà Nội cứ 10 ngày thì 9 ngày phải hít thở không khí bị ô nhiễm bụi quá mức cho phép, Bộ TN-MT có giải pháp gì”?

Thừa nhận tình trạng ô nhiễm không khí là đáng ngại, song Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, số liệu mà ĐB Nguyễn Anh Trí nêu là của một trạm quan trắc cục bộ, “số liệu của ngành TN-MT thì không đến mức ô nhiễm như vậy”. Tuy nhiên, Bộ TN-MT đã ban hành kế hoạch kiểm soát ô nhiễm không khí với nhiều giải pháp tổng thể, trong đó có kiểm soát ô nhiễm khí thải từ phương tiện giao thông, các công trình xây dựng, ngăn chặn hoạt động đốt rơm rạ sau thu hoạch… và mong muốn các địa phương có giải pháp phối hợp.

ĐB Hoàng Công Hùng (Thái Nguyên) và nhiều ĐB khác thì bày tỏ quan tâm đến tình trạng ô nhiễm lưu vực sông, xử lý chất thải rắn chưa hiệu quả. Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, bên cạnh nguồn lực của Nhà nước, tới đây, cần có giải pháp để thu hút nguồn vốn xã hội cho công tác này. Dần dần, không chỉ các doanh nghiệp, mà người dân cũng phải có trách nhiệm đầy đủ với nước thải sinh hoạt (hiện nay nguồn thu từ phí nước thải mới chỉ bằng khoảng 70% chi phí xử lý).

Sửa Luật Đất đai phải tiên lượng những biến động thị trường

Trả lời câu hỏi của ĐB Nguyễn Anh Trí về thị trường đất đai ở các đặc khu đang diễn biến phức tạp, giải pháp nào để ổn định thị trường, ngăn chặn tiêu cực, Bộ trưởng Trần Hồng Hà thừa nhận dù đã biết người dân khi nhìn thấy tiềm năng tại các đặc khu tương lai thì đổ dồn vào đầu tư đất đai, song “chúng ta chưa có giải pháp kịp thời” để ngăn chặn tình trạng này. Bộ trưởng kiến nghị Quốc hội cần tiên lượng được những vấn đề như vậy khi ban hành Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc. Khi sửa Luật Đất đai tới đây cần kiểm soát chặt chẽ việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, thậm chí dứt khoát tuyên bố vô hiệu đối với các giao dịch trái pháp luật.

Từ 10 năm trước, đất đai ở khu vực làm sân bay Long Thành cũng xảy ra tình trạng tương tự; dù chính quyền có dừng chứng nhận các giao dịch, việc mua bán “ngầm” vẫn diễn ra. Nghiêm trọng hơn là việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, từ đất rừng, đất đặc dụng thành đất xây dựng, hệ quả khó lường.

Nhìn nhận việc một số địa phương đã ban hành chỉ thị thực hiện một số biện pháp cấp bách, chỉ đạo tạm dừng, “đóng băng” mọi giao dịch nhà đất tại các khu vực này nhưng ông Trần Hồng Hà cho rằng “hình thức ra chỉ thị không phù hợp với pháp luật hiện nay. Quốc hội cần ban hành nghị quyết đặc thù để quản lý đất đai tại các đặc khu thì hiệu quả hơn”.

Bên cạnh đó, các địa phương cần xem xét lại hồ sơ quản lý hiện trạng đất đai để có chính sách công bằng, kiên quyết xử lý để những người đầu cơ không được hưởng lợi từ những giao dịch đất đai vào thời điểm “nhập nhoạng” như vừa qua.

Trả lời ĐB Phan Anh Khoa (Phú Yên) về trách nhiệm của Bộ TN-MT trong việc thu hồi đất kéo dài, “treo” vô hạn, ảnh hưởng đời sống người dân, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói: “Phương pháp xác định giá đất hiện có vấn đề nên thực tế giá đất đền bù thường thấp hơn rất nhiều so với giá thị trường. Việc xác định quỹ đất cũng chưa làm được đầy đủ, nhiều khu giải phóng mặt bằng chưa được làm hạ tầng đảm bảo đã bán đất. Vậy nên, nhiều khu sau giải phóng mặt bằng với mức tiền được đền bù người dân không mua nổi đất ở khu tái định cư”. Giải pháp là định giá sát thị trường và đưa hoạt động trung tâm phát triển quỹ đất hiệu quả hơn để chuẩn bị đất sạch ở nơi tái định cư, để cuộc sống người dân tái định cư đảm bảo hơn.

Hàng chục ngàn tỷ đồng đầu tư cho ĐBSCL

Trả lời ĐB Lê Công Đỉnh (Long An) và nhiều ĐB khác về ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững ĐBSCL, ông Trần Hồng Hà cho biết Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 120/NQ-CP về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu. Triển khai nghị quyết này, bộ đang khẩn trương xây dựng và sẽ trình Chính phủ ban hành chương trình hành động tổng thể cho giai đoạn trước mắt và đến năm 2030, định hướng đến năm 2050.

Cụ thể, trước yêu cầu ưu tiên đầu tư cho ĐBSCL để ứng phó với biến đổi khí hậu (từ các nguồn kinh phí), Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết đã có 1.500 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2018 cho các địa phương ĐBSCL để xử lý các khu vực sạt lở cấp bách, ảnh hưởng trực tiếp đến khu dân cư tập trung, công trình hạ tầng thiết yếu và 1.000 tỷ đồng từ nguồn dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 của Chính phủ để hỗ trợ một số địa phương trong vùng tập trung khắc phục sạt lở. Các chương trình của Trung ương về ứng phó với biến đổi khí hậu như Chương trình hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu (SP-RCC) giai đoạn 2012 - 2015 dành khoảng 6.500 tỷ đồng cho ĐBSCL. Bên cạnh đó, còn có khoản vay ODA của Ngân hàng Thế giới 560 triệu USD, trong đó, 250 triệu USD cho TP Cần Thơ để tăng cường khả năng thích ứng của đô thị, giảm nhẹ rủi ro lũ lụt và cải thiện kết nối giao thông; 310 triệu USD cho các tỉnh ĐBSCL khác để xây dựng năng lực chống chịu khí hậu và đảm bảo sinh kế bền vững...

Các tin khác