Để miền Trung - Tây Nguyên bứt phá

(ĐTTCO) - Có ít nhất 8 rào cản cần gỡ bỏ để phát huy lợi thế và tiềm năng khu vực miền Trung - Tây nguyên, là một trong những nội dung được tập trung phân tích tại Hội nghị xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công năm 2020 vùng miền Trung - Tây nguyên, do Bộ KH-ĐT tổ chức tại TP Huế.
Với Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, Quảng Ngãi dần trở thành động lực tăng trưởng khu vực miền Trung - Tây nguyên.
Với Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, Quảng Ngãi dần trở thành động lực tăng trưởng khu vực miền Trung - Tây nguyên.
Lợi thế
Vùng miền Trung là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh. Dân số toàn vùng khoảng 20,2 triệu người, đứng thứ 2 cả nước, diện tích tự nhiên chiếm 28,9% rộng nhất trong 6 vùng kinh tế cả nước và kết nối giữa 2 miền Nam - Bắc. 
Biển miền Trung là tài nguyên quốc gia, đường bờ biển dài 1.900km có vị trí đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế biển và các hoạt động kinh tế trên dải đất liền ven biển.
Miền Trung còn là ”bệ đỡ, là cửa ngõ” ra biển của vùng Tây nguyên, kết nối tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây. Vùng có tiềm năng và nhu cầu mở cửa, hội nhập rất lớn.
Vùng Tây nguyên có vị trí chiến lược thuộc khu vực tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam. Đây là vùng cao nguyên rộng lớn có diện tích tự nhiên trên 5,46 triệu ha (chiếm 16,8% diện tích và 20% diện tích rừng tự nhiên cả nước), là nơi đầu nguồn của 5 con sông lớn có vị trí rất quan trọng về môi trường sinh thái. Vùng có quy mô dân số 5,5 triệu người với 47 dân tộc thiểu số. 
Nơi đây còn có tiềm năng lớn về phát triển thủy điện, điện mặt trời, nông lâm nghiệp, chế biến nông lâm sản, du lịch. Tây nguyên có thể coi là “mái nhà của miền Trung”, có chức năng phòng hộ rất lớn, là hậu phương, là nguồn nước ngọt cho sự phát triển ổn định và bền vững của cả vùng miền Trung và Tây nguyên.
Chưa phát huy
Thời gian qua, các tỉnh, thành miền Trung - Tây Nguyên đã có những liên kết nhất định để phát triển, tạo ra cực tăng trưởng mới của đất nước. Các tiềm năng này đã được các tỉnh, thành trong vùng nỗ lực khai thác, phát huy thế mạnh phục vụ cho mục tiêu phát triển bền vững. 
6 tháng đầu năm 2019, tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn các địa phương (GRDP) bình quân cả vùng miền Trung 8,5%. 10/14 tỉnh cao hơn bình quân cả nước (cả nước 6,76%). Bình quân GRDP của Tây nguyên 7,3% cao hơn cả nước. 
Ở lĩnh vực thu hút đầu tư nước ngoài (FDI), tính đến ngày 30-6-2019, tổng vốn đầu tư FDI đăng ký của vùng ước đạt 1,38 tỷ USD, chiếm 7,5% cả nước (cả nước 18,4 tỷ USD). 
Trong đó, 117 dự án cấp mới với số vốn 1,14 tỷ USD, tăng 62% so cùng kỳ năm 2018; 22 dự án bổ sung số vốn 76,79 triệu USD. Địa phương thu hút nhiều nhất là Đà Nẵng với 66 dự án, 380,66 triệu USD, tiếp theo là Phú Yên với 1 dự án 216 triệu USD (điện mặt trời), Nghệ An 4 dự án với 212,8 triệu USD… 
Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ KH-ĐT, động lực tăng trưởng công nghiệp của vùng còn yếu. Trong số 14 địa phương miền Trung, chỉ 3 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh có dự án động lực quy mô lớn. Các tỉnh còn lại tốc độ tăng trưởng công nghiệp còn thấp, chưa khai thác được thế mạnh hệ thống cảng biển, sân bay sẵn có. 
Một số hành lang kinh tế (Đà Nẵng - Quốc lộ 1A và hành lang Đà Nẵng - Quốc lộ 14B - 14D - Nam Giang - Đông-Tây; Dung Quất - Tây nguyên; Quy Nhơn - Tây nguyên) chưa phát huy sức hút lớn về công nghiệp, dịch vụ; xuất khẩu tăng cao nhưng tỷ trọng còn thấp trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. 
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của vùng miền Trung chỉ chiếm khoảng 4,76% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước. Ngoại trừ Đà Nẵng và Khánh Hòa xuất siêu, các tỉnh còn lại trong vùng chủ yếu nhập siêu. 
Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung chưa thể hiện được vai trò là hạt nhân tăng trưởng, đầu tàu dẫn dắt kinh tế vùng. GRDP đến 2018 chỉ chiếm 6,93% GDP của cả nước. Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân hằng năm giai đoạn 2016 - 2018 là 7,3%/năm (đứng thứ 3 trong 6 vùng kinh tế của cả nước) thấp hơn bình quân vùng (7,62%). 
Thu ngân sách chưa bền vững, mặc dù tăng cao nhưng số thu một lần, thu không ổn định còn chiếm tỷ lệ lớn, thu từ tiền sử dụng đất, xổ số kiến thiết chiếm tỷ lệ cao trong tổng số thu nội địa, chiếm tỷ lệ từ khoảng 22-25%. 
Hạ tầng giao thông kết nối liên vùng, nội vùng còn yếu và thiếu. Tuyến đường ven biển kết nối các tỉnh và vùng dải bờ biển miền Trung chưa được đầu tư, các tuyến đường ngang nối khu vực ven biển lên Tây nguyên, khu vực trung du, miền núi các tỉnh chưa được đầu tư mới, nâng cấp. 
Nguy cơ thiếu nước ngọt, nhiễm mặn, đặc biệt tại các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận. Nguy cơ ô nhiễm môi trường tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp còn cao. Chất lượng nguồn nhân lực còn thấp (tỷ lệ qua đào tạo có cấp chứng chỉ mới đạt khoảng 22-23%); nguy cơ thiếu hụt nguồn lao động do dịch chuyển dân số vùng và tỷ lệ già hóa dân số đòi hỏi phải có các giải pháp kịp thời trong thời gian tới. Tỷ lệ hộ nghèo còn cao so với cả nước…
Để miền Trung - Tây Nguyên bứt phá ảnh 1 Khách du lịch quốc tế đến miền Trung bằng đường biển.
Đẩy mạnh liên kết vùng 
Tại hội nghị, các đại biểu thắng thắn nhìn nhận, miền Trung - Tây nguyên là 2 vùng tiềm năng, có thể tạo ra gắn kết để cùng phát triển. Việc trao đổi, thảo luận để tìm ra định hướng phát triển giữa 2 khu vực là cần thiết và mang lại hiệu quả, song sự liên kết này còn mang tính hình thức. 
Ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết do chưa có quyết định về phân vùng kinh tế, nhiều năm vẫn loay hoay về vai trò, cơ chế các vùng kinh tế trọng điểm. "Lâu nay cứ nêu ra nhưng mang tính tự nguyện, vui vẻ thì hợp tác, chẳng có chế tài" - ông Thanh nói. 
Còn theo ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, miền Trung - Tây nguyên hiện còn khó khăn về hệ thống hạ tầng; quy mô kinh tế nhỏ, chưa tự cân đối ngân sách, thu nhập bình quân đầu người thấp. Cần có sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ của Trung ương và các bộ, ban ngành trong xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển vùng. 
Cần có cơ chế, chính sách ưu đãi đặc thù trong huy động và phân bổ các nguồn lực cho vùng năm 2020, giai đoạn 2021-2025, nhằm tạo kết nối, mang tính đột phá thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội vùng nhanh và bền vững, gắn với ứng phó biến đổi khí hậu, nước biển dâng, từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển với vùng Đông Nam bộ và đồng bằng sông Hồng. 
Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Đức Trung cho rằng, cả 2 khu vực hiện vẫn chưa thực hiện được liên kết vùng. Để làm được điều này trước hết cần phải có sự kết nối về hạ tầng giao thông giữa các địa phương trong khu vực. Ngoài ra, các địa phương cần có giải pháp tiếp tục thực hiện giải ngân vốn đầu tư công đạt hiệu quả hơn.
Liên quan đến triển khai Luật Đầu tư công (sửa đổi) và kế hoạch đầu tư công, ông Trung cho biết đây là vấn đề được nhiều địa phương quan tâm. Luật này nhằm tháo gỡ nhiều vấn đề vướng mắc, đơn giản hóa thủ tục thực hiện và quy trình giao kế hoạch. Bộ KH-ĐT sẽ tham mưu Chính phủ hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương một cách chi tiết nhất. 
Về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, Thứ trưởng Nguyễn Đức Trung cho biết, cần đặc biệt quan tâm đến các nguyên tắc, tiêu chí sử dụng ngân sách nhà nước. 
Về vấn đề thu hút nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách, Bộ KH-ĐT sẽ tìm mọi giải pháp để đơn giản hóa thủ tục, giúp các địa phương có thể áp dụng đơn giản nhất, như việc sửa đổi Nghị định 30, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp... nhằm tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư. 

Các tin khác