Đầu tư công - cắt giảm gắn với nâng cao hiệu quả

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet) 

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ, theo tổng hợp của Bộ Kế hoạch - Đầu tư, tổng vốn đầu tư công của các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn và tổng công ty nhà nước cam kết cắt giảm trong năm 2011 đạt gần 97.000 tỷ đồng, tương đương 10% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.

Trong đó, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước thông báo sẽ cắt giảm khoảng 39.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, đây mới chỉ là các con số cam kết, kết quả thực tế còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia kinh tế băn khoăn liệu các con số cam kết này có được thực hiện nghiêm túc, khi hiện nay công tác quản lý giám sát đầu tư hết sức lỏng lẻo.

Năm 2008, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã cam kết cắt giảm đầu tư 34.000 tỷ đồng, nhưng sau đó kết quả như thế nào không được công bố. Thực tế đợt rà soát cắt giảm đầu tư công vừa qua cũng có nhiều vấn đề đặt ra.

Một số địa phương triển khai chậm, đến nay vẫn chưa có báo cáo hoặc báo cáo không đầy đủ; nhiều bộ, ngành, địa phương chưa thực hiện quyết liệt việc cắt giảm, chuyển vốn các dự án khởi công mới sử dụng vốn ngân sách nhà nước.

Kết thúc quý I-2011, vốn đầu tư vẫn tăng mạnh so với GDP, đặc biệt ở khu vực nhà nước. Theo thống kê, vốn đầu tư phát triển toàn xã hội theo giá thực tế trong quý I ước đạt 171.500 tỷ đồng, tăng 14,7% so với cùng kỳ năm 2010; trong đó vốn khu vực nhà nước 76.400 tỷ đồng, chiếm 44,5% tổng vốn và tăng 15,2%.

Những con số này cho thấy các giải pháp siết đầu tư công chưa đạt kết quả mong muốn. Có thể do mới triển khai (từ tháng 2-2011) nên các giải pháp này chưa có kết quả ngay, nhưng không thể phủ nhận nếu không thay đổi cách làm hiện nay, cắt giảm đầu tư công có thể chỉ là hình thức và kết quả đạt được không khác so với năm 2008.

Theo cách làm hiện nay, các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn và tổng công ty nhà nước chủ động đình hoãn hay ngừng các dự án sử dụng vốn ngân sách, nghĩa là làm theo tính tự giác. Nhưng các bộ, ngành, địa phương đều có tâm lý, ngân sách cắt giảm chỗ này cũng phân bổ chỗ kia nên sẽ không thực hiện quyết liệt.

Minh chứng cụ thể nhất là nhiều bộ, ngành, địa phương vẫn xin giữ lại các dự án xây trụ sở, trung tâm, nhà công vụ… với số vốn lớn, chỉ cắt giảm những dự án có số vốn nhỏ.

Trong một báo cáo công bố đầu tháng 5-2011, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng cắt giảm đầu tư công cần cách thức thực hiện mới, quyết liệt, thực chất và hiệu quả hơn. Phải coi cắt giảm đầu tư công là giải pháp có tính chất trung và dài hạn chứ không phải biện pháp tình thế.

Con số cắt giảm đầu tư trong năm 2011 khá lớn, nhưng chưa thể biết kết quả thực hiện ra sao. Vì thế, cần tạo áp lực, đẩy mạnh quyết tâm của các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp nhà nước để thực hiện có hiệu quả trong thực tế.

Trong các tháng tới cần mở rộng diện các dự án phải cắt giảm đầu tư, đặc biệt dự án thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia. Cắt giảm đầu tư công không chỉ thực hiện trong năm 2011, mà còn cần thực hiện trong những năm tiếp theo với nguyên tắc “Nhà nước giảm bớt đầu tư và khuyến khích đầu tư tư nhân”.

Điều quan trọng là cắt giảm phải gắn liền với nâng cao hiệu quả. Hiện nay hiệu quả đầu tư công ở Việt Nam rất thấp do một loạt nguyên nhân: bất cập từ mô hình tăng trưởng, quá trình phân bổ vốn, quy hoạch đầu tư cho đến yếu kém của công tác quản lý và giám sát đầu tư, cơ chế ưu đãi, sử dụng vốn đầu tư của doanh nghiệp nhà nước…

Theo Bộ Kế hoạch - Đầu tư, năm 2010 có 3.386 dự án chậm tiến độ, chiếm 9,78% số dự án thực hiện trong kỳ. Đáng lưu ý đa số là dự án phát triển kết cấu hạ tầng quan trọng. Dự án chậm tiến độ là một trong những nguyên nhân làm tăng chi phí, giảm hoặc không còn hiệu quả đầu tư, tác động tiêu cực tới nền kinh tế.

Vậy để nâng cao hiệu quả đầu tư công cần phải có các giải pháp gì? Báo cáo của CIEM đề xuất các nhóm giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư công như: tăng chất lượng quy hoạch, đổi mới công tác phân bổ vốn đầu tư, ban hành tiêu chí và tăng cường năng lực thẩm định giám sát, đổi mới quản trị và nâng cao hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước, đẩy mạnh phòng chống tham nhũng…

Tuy nhiên, điều quan trọng là không nên coi việc cắt giảm khối lượng và nâng cao hiệu quả đầu tư công là biện pháp đơn lẻ, tình thế, mà cần được gắn kết chặt chẽ với các chủ trương, biện pháp khác tạo thành một gói giải pháp, chính sách để tái cơ cấu nền kinh tế.

Các tin khác