CPI giảm tốc: Chưa yên tâm

Tổng cục Thống kê vừa công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 tiếp tục tăng thêm 2,21% so với tháng trước. Tính 5 tháng đầu năm, CPI đã tăng 12,07% và so với cùng kỳ năm ngoái tăng 19,78%. Như vậy, mức tăng giá tiêu dùng vào thời điểm này đã chậm lại nhưng giới phân tích đều có chung nhận định chưa thể mừng với dấu hiệu giảm tốc này.

Tổng cục Thống kê vừa công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 tiếp tục tăng thêm 2,21% so với tháng trước. Tính 5 tháng đầu năm, CPI đã tăng 12,07% và so với cùng kỳ năm ngoái tăng 19,78%. Như vậy, mức tăng giá tiêu dùng vào thời điểm này đã chậm lại nhưng giới phân tích đều có chung nhận định chưa thể mừng với dấu hiệu giảm tốc này.

Nhà ở, vật liệu xây dựng, ăn uống… vẫn nóng

Ông Nguyễn Đức Thắng, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê), phân tích 2 tháng đầu mùa hè là tháng 4 và tháng 5 thường là thời điểm giá cả “dịu” nhất trong năm. Muốn đánh giá CPI phải nhìn cả một thời kỳ.

(Nguồn: Internet) 

 (Nguồn: Internet)

Tính chung 5 tháng đầu năm, CPI cả nước đã tăng 12,07% và so với cùng kỳ năm ngoái tăng 19,78%. Do đó, mức tăng 2,21% vẫn là cao và chưa thể nói là lạm phát bắt đầu hạ nhiệt. Tuy nhiên, nếu so sánh với mức tăng 3,91% của tháng 5 năm 2008 - đỉnh lạm phát trong nhiều chục năm nay, có thể nói đây là dấu hiệu lạc quan.

Theo ông Nguyễn Đức Thắng, quá trình theo dõi thị trường vừa qua cho thấy giá cả vẫn ở mức cao. Tại thời điểm này, giá cả tại các tỉnh phía Bắc đã “dịu” hơn trong khi giá cả ở các tỉnh phía Nam lại có dấu hiệu tăng nhiệt.

Cụ thể, CPI của Hà Nội 5 tháng đầu năm đã tăng 11,59% và tăng 19,08% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng CPI tháng 5 chỉ tăng 1,76%. Còn tại TPHCM, các con số tương ứng là 10,78%, 16,15% và 2,38%. Đây là dấu hiệu cho thấy giá cả bắt đầu bật lên sau một thời gian bị ép xuống bằng các biện pháp bình ổn giá. 

Mức tăng giá cao nhất trong rổ hàng hóa tính CPI (gồm 11 nhóm) thuộc về nhà ở, vật liệu xây dựng với mức tăng 3,19% do các mặt hàng thuộc nhóm này như điện, gas, vật liệu xây dựng đều tăng giá đáng kể.

Tiếp đến là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 3,01%. Trong đó, giá thực phẩm vẫn tăng cao không chỉ do tăng giá vận chuyển, chi phí thức ăn chăn nuôi mà  nguồn cung thịt gia súc, gia cầm bị ảnh hưởng vì dịch bệnh. Nhóm hàng hóa duy nhất giảm giá là bưu chính viễn thông (giảm 1,68%).

Do hiệu ứng tâm lý và cắt giảm chi tiêu

TS. Vũ Đình Ánh (Học viện Tài chính) cho rằng khác với những tháng trước, mức tăng CPI tháng 5 không gây bất ngờ đối với giới quan sát. Với đà tăng này, mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới 2 con số và kể cả mục tiêu lạm phát đã được điều chỉnh là bằng mức năm ngoái (11,75%) đều bị phá vỡ. Dự báo giá cả tháng cuối cùng của quý II và đầu quý III sẽ dịu hơn nhưng tính theo năm (so với cùng kỳ năm trước) vẫn “là đà” lên.

Ông Vũ Đình Ánh cho rằng tín hiệu này không phải phản ánh tác động của những chính sách kiềm chế lạm phát đang được triển khai theo Nghị quyết 11 vì Nghị quyết 11 mới triển khai chưa được 3 tháng, chủ yếu tập trung thắt chặt chính sách tiền tệ.

“Có chăng đây là hiệu ứng tâm lý, Chính phủ phát đi thông điệp kiên quyết kiểm soát lạm phát nên các thành phần tham gia thị trường buộc phải điều chỉnh sản xuất kinh doanh, giữ giá khi đầu vào đang hết sức căng thẳng. Điều này khiến giá cả đã tăng chậm lại”- TS. Vũ Đình Ánh nhận xét.

Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, cho rằng giá cả tháng 5 “dịu” lại một phần vì nguyên nhân giá cả trên thị trường đã ở mức quá cao, gấp từ 1,5-2 lần so với giữa năm trước. Người dân cắt giảm chi tiêu nên giới sản xuất, kinh doanh buộc phải giảm lợi nhuận, giữ giá để doanh số bán hàng không sụt giảm…

Một dấu hiệu khác để chưa thể yên tâm là lãi suất đã lên đến hơn 20%, thậm chí gần 30%. Mức lãi suất này một mặt phản ánh tín hiệu thắt chặt tiền tệ nhưng đồng thời lãi suất sẽ đẩy vào giá.

Các tin khác