Công khai, minh bạch trong đấu thầu

Hôm qua 5-6, Chính phủ trình Quốc hội xem xét dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi). Với mục tiêu hoàn thiện chính sách đấu thầu sử dụng nguồn vốn nhà nước phù hợp với chủ trương tái cấu trúc nền kinh tế, dự luật được kỳ vọng nâng cao tính minh bạch, công khai trong hoạt động đấu thầu sử dụng nguồn vốn nhà nước; chống thất thoát, lãng phí, dàn trải, khép kín - những “căn bệnh” đã kéo dài nhiều năm trong đầu tư xây dựng cơ bản.

Hôm qua 5-6, Chính phủ trình Quốc hội xem xét dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi). Với mục tiêu hoàn thiện chính sách đấu thầu sử dụng nguồn vốn nhà nước phù hợp với chủ trương tái cấu trúc nền kinh tế, dự luật được kỳ vọng nâng cao tính minh bạch, công khai trong hoạt động đấu thầu sử dụng nguồn vốn nhà nước; chống thất thoát, lãng phí, dàn trải, khép kín - những “căn bệnh” đã kéo dài nhiều năm trong đầu tư xây dựng cơ bản.

Luật Đấu thầu được ban hành từ năm 2005, bước đầu đã thiết lập hành lang pháp lý cho hoạt động đấu thầu phù hợp với thông lệ quốc tế, tạo cơ sở để chủ đầu tư lựa chọn nhà thầu có đủ năng lực, kinh nghiệm cung cấp hàng hóa, dịch vụ, công trình, giúp tiết kiệm nguồn vốn có hạn của Nhà nước.

Tuy nhiên, thời gian qua hoạt động đấu thầu sử dụng nguồn vốn nhà nước bộc lộ một số bất cập, như tính chuyên môn, chuyên nghiệp chưa đồng đều; chất lượng, hiệu quả thực hiện một số công việc chuẩn bị cho hoạt động đấu thầu chưa cao; quản lý sau đấu thầu chưa được thực hiện thường xuyên và quan tâm đúng mức…

Nguyên nhân chính được xác định do các quy định về đấu thầu còn tản mạn, thiếu tính đồng bộ và thống nhất. Hiện nay lĩnh vực đấu thầu đang được chia nhỏ, quản lý không tập trung do được quy định rải rác trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau, gây nên tình trạng chồng chéo, thiếu thống nhất giữa các văn bản, gây khó khăn trong quá trình thực hiện.

Một vấn đề khác cũng cần sớm được xem xét là cơ chế giám sát, kiểm tra và xử lý vi phạm trong hoạt động đấu thầu chưa được quy định cụ thể, chặt chẽ. Thực tế cho thấy một số hành vi lách luật hoặc không tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật đấu thầu đã phát sinh trong thời gian qua, nhưng chế tài xử lý vi phạm chưa đủ mạnh và chưa đầy đủ đối với các bên tham gia hoạt động đấu thầu.

Trong khi đó, cơ chế giải quyết kiến nghị trong đấu thầu chưa hợp lý và chưa rõ ràng trong trường hợp giải quyết tranh chấp tại tòa án.

Trong dự thảo trình ra Quốc hội lần này, Luật Đấu thầu (sửa đổi) có phạm vi điều chỉnh rộng hơn so với luật hiện hành, bổ sung các hoạt động lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư khi thực hiện mua sắm sử dụng nguồn vốn nhà nước. Bên cạnh các nội dung kế thừa từ luật hiện hành, dự luật bổ sung một số quy định mới về hoạt động đấu thầu sử dụng vốn nhà nước để lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công; hoạt động đấu thầu lựa chọn nhà thầu thực hiện gói thầu thuộc dự án đầu tư sử dụng vốn ODA của Việt Nam ra nước ngoài.

Dự thảo luật cũng quy định về lựa chọn nhà đầu tư nhằm phục vụ cho việc triển khai đầu tư theo hình thức đối tác công tư PPP, khuyến khích, thu hút nguồn lực tư nhân tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ cho nhiệm vụ tái cấu trúc đầu tư công, tái cấu trúc nền kinh tế.

Đặc biệt, một quy định mới nhận được sự đồng thuận cao là nhà thầu nước ngoài tham dự đấu thầu quốc tế tại Việt Nam phải liên danh hoặc ký hợp đồng với nhà thầu phụ Việt Nam; phải cam kết sử dụng lao động trong nước nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn để nhà thầu trong nước tham gia các gói thầu.

Tuy nhiên, để tránh tình trạng thua thầu tức tưởi ngay trên “sân nhà” như thời gian qua, có ý kiến đề nghị quy định rõ hơn chính sách, cơ chế ưu đãi đối với nhà thầu trong nước khi liên danh với nhà thầu nước ngoài thực hiện đấu thầu quốc tế tại Việt Nam. Cụ thể, trong trường hợp này nhà thầu Việt Nam phải là tổng thầu...

Một vấn đề quan trọng trong Luật Đấu thầu là chỉ định thầu. Nhiều ý kiến đề nghị không nên mở rộng hình thức chỉ định thầu trong dự án luật. Theo giải trình của cơ quan soạn thảo, dự án luật đã quy định cụ thể hơn trách nhiệm của người có thẩm quyền ra quyết định áp dụng chỉ định thầu, do vậy sẽ hạn chế được tình trạng lợi dụng để chỉ định thầu tràn lan, trốn tránh trách nhiệm trong quá trình chỉ định thầu.

Đối với trường hợp chỉ có một nhà thầu có đủ năng lực và kinh nghiệm đáp ứng yêu cầu của gói thầu thì thực hiện chỉ định thầu là phù hợp với thực tiễn, rút ngắn được thời gian và tiết kiệm được những khoản chi phí không cần thiết. Tuy nhiên, nếu thiếu các quy định chi tiết, cụ thể về tiêu chuẩn đủ năng lực và kinh nghiệm đáp ứng yêu cầu của gói thầu, chắc chắn sẽ có nhiều kẽ hở khi triển khai thực hiện.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục tăng cường đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ và nâng cao ý thức, trách nhiệm của người có thẩm quyền cũng như ý thức thực thi pháp luật, từ đó bảo đảm tính nghiêm minh, công khai và minh bạch trong hoạt động chỉ định thầu.

Các tin khác