Công chức làm sai phải đền bù

Báo cáo từ cơ quan chức năng cho thấy, hiện nhà đầu tư phải thực hiện 18 thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư. Nhiều địa phương đã mở “một cửa” nhưng xuất hiện nhiều “ngách”. Thí dụ quy hoạch đất 1/500, nhiều nhà đầu tư chạy ngược xuôi để có bản quy hoạch, trong khi theo quy định Nhà nước phải có trách nhiệm cung cấp cho nhà đầu tư.

Mới đây, tại buổi làm việc với các cơ quan liên quan về cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai, xây dựng, đầu tư, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã phải thốt lên: “Ai cũng muốn ôm quyền thì cải cách sao được!”.

Báo cáo từ cơ quan chức năng cho thấy, hiện nhà đầu tư phải thực hiện 18 thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư. Nhiều địa phương đã mở “một cửa” nhưng xuất hiện nhiều “ngách”. Thí dụ quy hoạch đất 1/500, nhiều nhà đầu tư chạy ngược xuôi để có bản quy hoạch, trong khi theo quy định Nhà nước phải có trách nhiệm cung cấp cho nhà đầu tư.

Một số ý kiến cho rằng, việc cải cách thủ tục hành chính hiện mới tập trung từng lĩnh vực riêng lẻ, chưa xem xét trên tổng thể. Thời gian hoàn thành một số thủ tục còn dài, có thủ tục lên tới 5 tháng, có xu hướng xuất hiện thủ tục hành chính con.

Không chỉ trong lĩnh vực đất đai, xây dựng, đầu tư, thực tế cho thấy dù Chính phủ đã vào cuộc quyết liệt thực hiện đề án tổng thể về cải cách hành chính, nhưng người dân hay doanh nghiệp hễ làm việc gì có dính tới thủ tục hành chính, giấy tờ đều thấy khó khăn, cách rách.

Đến cửa công lo thủ tục là phải tốn thời gian, thậm chí mất thêm nhiều tiền bạc “ngoài luồng”. Xét về mặt kinh tế thị trường, lãng phí thời gian cũng là lãng phí tiền bạc. Bởi vậy, cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính cũng chính là phương cách tiết kiệm, chống lãng phí hiệu quả nhất cho xã hội.

Đến nay, chưa có thống kê chính thức nào về lãng phí thời gian do thủ tục hành chính gây ra. Nhưng còn nhớ, hồi năm 2010, việc thực hiện Đề án 30 của Chính phủ (đơn giản hóa khoảng 5.000 thủ tục hành chính) đã cắt giảm 37% chi phí tuân thủ thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp, số tiền  ước đạt gần 30.000 tỷ đồng mỗi năm.

Kết quả của Đề án 30 rất đáng ghi nhận, nhưng thực tế đến nay thủ tục hành chính vẫn là một trong những “điểm nghẽn” cần tiếp tục tháo gỡ trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế. Trong một bài viết mới đây, TS. Nguyễn Đình Cung, Quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, nhận định: “Trong mấy năm nay, Việt Nam hầu như không có cải cách, không có tiến bộ trong cải thiện môi trường kinh doanh”.

Ông kiến nghị một số giải pháp để tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh, tăng thêm giá trị gia tăng cho nền kinh tế. Cụ thể là bỏ 4 thủ tục gia nhập thị trường sau đăng ký, gồm thủ tục đăng báo, thủ tục đăng ký lao động, đăng ký công đoàn và đăng ký bảo hiểm. Đồng thời, bỏ yêu cầu đăng ký ngành nghề kinh doanh trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

Nếu thực hiện cải cách mạnh mẽ và quyết liệt, đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian, giảm chi phí các thủ tục xuất khẩu và nhập khẩu... sẽ đem lại giá trị gia tăng rất lớn cho nền kinh tế. Theo tính toán sơ bộ của TS. Nguyễn Đình Cung, nếu chúng ta giảm được 15 ngày trong thực hiện thủ tục nhập khẩu và 15 ngày trong thủ tục xuất khẩu, GDP có thể tăng thêm tới hơn 27 tỷ USD.

Số tiền này tương ứng với khoảng 540.000 tỷ đồng - một số tiền rất lớn so với những gì đã tiết kiệm được từ Đề án 30. Nếu tính toán này là đúng, những người có trách nhiệm sẽ nghĩ thế nào vì không cải cách mà chúng ta lãng phí một nguồn lực lớn như vậy?

Tất nhiên, nói cải cách không phải là cải cách được ngay. Bởi như Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu: “Cải cách thủ tục hành chính là phải giảm bớt quyền lực của cơ quan nhà nước”. Điều này quả là khó, bởi từ bỏ quyền lực chắc chắn là điều không dễ dàng.

Nhưng đây là xu hướng phải đi nếu muốn đất nước phát triển nhanh và bền vững. Cơ quan công quyền là để phục vụ chứ không phải để cai trị. Cán bộ công chức là đầy tớ của Nhân dân - điều này hơn ai hết các công bộc của dân đều thuộc nằm lòng. Vậy vì sao khi người dân đến cơ quan nhà nước vẫn phải chịu cảnh "qua sông phải lụy đò"!

Pháp luật và cơ chế chính sách phải tạo thuận lợi nhất cho mọi người dân và doanh nghiệp trong phát triển sản xuất kinh doanh, bảo đảm quyền làm chủ của Nhân dân. Muốn vậy, mỗi cán bộ công chức trong bộ máy cần phải thay đổi tư duy từ cách quản lý, can thiệp trực tiếp sang chức năng “tư vấn, phục vụ”.

Để làm được điều này cần có quyết tâm chính trị của những người đứng đầu bộ máy, bên cạnh đó  phải có những quy định chặt chẽ, chế tài mạnh mẽ để việc cải cách thực sự đi vào cuộc sống. Như lời của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, các quy định đó sẽ theo hướng “cơ quan nhà nước làm chậm phải bị kỷ luật, phải đền bù nếu làm mất thời gian và chi phí thiệt hại cho người dân”.

Các tin khác