Cơ quan chuyên trách điều tra trốn thuế?

Tuy nhiên, hiện nay cơ quan thuế chỉ có chức năng thanh tra người nộp thuế. Mặt khác, việc tính thuế thể hiện trên sổ sách, hóa đơn, chứng từ, nếu người nộp thuế cố tình trốn, cơ quan thuế chỉ dựa vào sổ sách, hóa đơn đó sẽ không thể phát hiện ra.

Thuế là nguồn thu quan trọng nhất của ngân sách nhà nước. Thời gian qua, người nộp thuế đã có ý thức tuân thủ tương đối cao nhưng vẫn tồn tại tình trạng một bộ phận người nộp thuế và một số đối tượng khác móc nối với nhau trốn thuế, gian lận thuế. Tình trạng này diễn biến phức tạp, phạm vi ngày càng rộng, quy mô ngày càng lớn, thủ đoạn tinh vi, dẫn đến thất thu thuế.

Tuy nhiên, hiện nay cơ quan thuế chỉ có chức năng thanh tra người nộp thuế. Mặt khác, việc tính thuế thể hiện trên sổ sách, hóa đơn, chứng từ, nếu người nộp thuế cố tình trốn, cơ quan thuế chỉ dựa vào sổ sách, hóa đơn đó sẽ không thể phát hiện ra.

Mới đây, Bộ Tài chính đã chính thức đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao bổ sung thẩm quyền khởi tố, điều tra cho cơ quan thuế và thẩm quyền này sẽ quy định rõ trong dự thảo Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi), dự kiến trình Quốc hội tại kỳ họp cuối năm nay.

Trước đó, năm 2007 vấn đề trao thẩm quyền điều tra cho cơ quan thuế đã từng được đưa vào dự thảo Luật Quản lý thuế, nhưng không nhận được sự đồng tình của Quốc hội. Mới đây, khi luật này được sửa đổi, bổ sung, một số đại biểu Quốc hội tiếp tục đề xuất cho phép thành lập lực lượng điều tra hoặc cảnh sát thuế. Tuy nhiên, quan điểm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khi giải trình tiếp thu là không bổ sung quy định này vì điều tra về cơ bản là hoạt động chuyên ngành thuộc lĩnh vực tố tụng hình sự đã được quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự.

Có thể khi bác đề xuất lập lực lượng điều tra về thuế, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có nhiều nghi ngại về tính khả thi cũng như sự chồng chéo của quy định này. Nhưng nếu xét từ thực tiễn trong công tác quản lý thuế hiện nay, đề xuất bổ sung thẩm quyền điều tra cho cơ quan thuế là có cơ sở.

Theo Luật Quản lý thuế, cơ quan quản lý thuế gồm hệ thống cơ quan thuế và hải quan. Hiện nay, hải quan được giao một số thẩm quyền điều tra ban đầu trong khi cơ quan thuế không có thẩm quyền này. Điều tra thuế đang được giao cho các cơ quan tố tụng hình sự.

Tuy nhiên, thực tế các cơ quan phát hiện ra đối tượng trốn thuế rất nhiều nhưng tỷ lệ xử lý được rất thấp. Số hồ sơ cơ quan thuế qua thanh tra phát hiện chuyển cho cơ quan điều tra xử lý cũng thấp. Mặt khác, việc điều tra thuế phải có nghiệp vụ riêng vì đặc trưng của thuế có liên quan đến hóa đơn chứng từ, sổ sách kế toán nên người thực hiện điều tra bắt buộc phải có nghiệp vụ công việc mới đạt hiệu quả cao.

Điều này từng được ông Nguyễn Hòa Bình, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, thừa nhận trước Quốc hội, cho rằng cơ quan điều tra hiện chỉ “làm lại việc cơ quan thuế đã làm, tốn thời gian, công sức hơn với mức độ chuyên nghiệp không bằng cơ quan thuế”.

Nghiên cứu chính sách về quản lý thuế ở một số nước cũng cho thấy giao thẩm quyền điều tra cho cơ quan thuế mang lại hiệu quả cao trong chống thất thu thuế. Tại Nhật Bản, cơ quan thuế có quyền tiến hành điều tra các vụ án tội phạm thuế và khởi tố vụ án khi có đủ bằng chứng về phạm tội.

Ở Indonesia, cán bộ điều tra  thuộc Tổng cục Thuế có quyền tiến hành điều tra tội phạm thuế theo thủ tục của pháp luật tố tụng hình sự. Trong bối cảnh ở Việt Nam hiện nay, khi nỗi lo hụt thu ngân sách đang ngày càng hiển hiện, yêu cầu về thu đúng, thu đủ tiền thuế đang trở nên rất cấp bách. Vì thế, đề xuất bổ sung thẩm quyền điều tra cho cơ quan thuế nên tiếp tục được xem xét.

Vấn đề đặt ra là nên quy định điều tra thuế là điều tra hành chính hay điều tra hình sự? Nếu là điều tra hành chính, quy trình, thủ tục điều tra thuế không quá phức tạp, không mất nhiều thời gian để chuẩn bị nguồn nhân lực cũng như các điều kiện cần thiết khác khi triển khai.

Điểm yếu của phương án này là điều tra hành chính hoặc điều tra sơ bộ thẩm quyền của cơ quan điều tra thuế không cao nên công tác điều tra cũng chỉ giải quyết ở bước ban đầu, không đi đến được phán quyết cuối cùng đối với hành vi trốn thuế, gian lận thuế của người nộp thuế.

Nếu điều tra thuế là điều tra hình sự cơ quan điều tra thuế có nhiều chức năng, biện pháp điều tra để tiến hành cuộc điều tra từ khi phát hiện có hành vi trốn thuế đến khi có phán quyết cuối cùng. Theo phương án này cần phải có thời gian và lộ trình để chuẩn bị nguồn nhân lực và các điều kiện cần thiết khác.

Các tin khác