Có nên tăng thuế vào xăng dầu?

(ĐTTCO)-Chính phủ vừa trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị bổ sung dự án Luật Thuế bảo vệ môi trường (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 2017 của Quốc hội.

(ĐTTCO)-Chính phủ vừa trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị bổ sung dự án Luật Thuế bảo vệ môi trường (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 2017 của Quốc hội.

 

Một trong những nội dung đáng lưu ý trong dự án luật này - như đã được Bộ Tài chính công khai xin ý kiến - là sẽ điều chỉnh tăng khung thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng dầu. Theo đó, mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn tối thiểu bằng mức cụ thể đang áp dụng.

Mức thuế tối đa bằng 2 lần mức thuế  tối đa trong khung thuế hiện hành nghĩa là khung thuế với mặt hàng xăng  (trừ ethanol vì ethanol không phải xăng gốc hóa thạch) ở mức 3.000-8.000 đồng/lít, nhiên liệu bay 3.000-6.000 đồng/ lít, dầu diesel 1.500-4.000 đồng/lít, xăng E5, E10 2.700-7.200 đồng/lít và  2.500- 6.800 đồng/lít. Riêng dầu hỏa giữ như khung giá hiện hành, vì dầu hỏa là mặt hàng thiết yếu phục vụ cho đa số người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa.

Cần phải nói rằng, còn rất nhiều bước nữa trước khi đề xuất này được luật hóa, từ xây dựng, hoàn thiện dự án luật, thậm định, thẩm tra, trình Ủy ban Thường vụ cho ý kiến , gửi xin ý kiến của đại biểu Quốc hội trước khi trình ra Quốc hội trong kỳ họp vào tháng 10-2017.  

Ngay cả nếu đề nghị của Bộ Tài chính được Quốc hội chấp thuận, thì cũng không có nghĩa là thuế bảo vệ môi trường với xăng sẽ ngay lập tức tăng lên 8.000 đồng/lít (hiện nay khung thuế là 1.000 - 4.000 đồng/lít và thuế bảo vệ với xăng là 3.000 đồng/lít). Mức tăng thuế bảo vệ môi trường với mặt hàng được coi là “nhạy cảm” này sẽ tùy tình hình cụ thể và do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định trên cơ sở đề xuất của Chính phủ.

Cũng không hoàn toàn như tên gọi, khoản tiền thuế thu thêm này sẽ không chỉ được dành cho đầu tư bảo vệ môi trường, mà được nộp vào ngân sách Nhà nước, sau đó từ “chiếc túi chung” này sẽ phân bổ lại. Thực tế, năm 2016, mức thu thuế môi trường cả nước đạt 42.393 tỷ đồng, nhưng mức chi cho môi trường chỉ là 12.290 tỷ đồng. Như thế, quả thực không phải không có cơ sở khi có những ý kiến lo ngại việc tăng thuế chủ yếu là nhằm bù đắp khoản hụt thu từ thuế.

Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), việc cắt giảm thuế quan từ các hiệp định thương mại có thể mang lại lợi thế cho các doanh nghiệp Việt Nam nhưng cũng mang lại lợi thế tương tự cho các doanh nghiệp ở quốc gia khác và nếu tăng thuế đối với xăng dầu để bù lại, thì vô hình trung, chính sách này khiến cho các doanh nghiệp Việt Nam bị mất lợi thế cạnh tranh trước các đối thủ nước ngoài.

Trong khi đó, các chi phí đầu vào và nghĩa vụ tài chính của doanh nghiệp đang có xu hướng tăng mạnh trong thời gian qua. Các ngành khó khăn hơn cả là vận tải, nông nghiệp, thủy hải sản; mà đây lại là những ngành kinh tế yếu thế nếu so với các nước.

Hy vọng với trình tự xây dựng pháp luật thận trọng, vấn đề sẽ được Chính phủ và Quốc hội cân nhắc thấu đáo, với tầm nhìn toàn cục.

Các tin khác