Chưa nên thông qua Luật Đất đai

Tại nghị quyết về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII năm 2013 và năm 2014 vừa được thông qua, các đại biểu (ĐB) đã nhất trí với việc trong trường hợp sau khi thảo luận về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) mà Quốc hội quyết định chưa thông qua tại kỳ họp này thì đề nghị Quốc hội cho đưa dự án vào chương trình xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 6 (theo lịch trình Quốc hội sẽ thông qua vào ngày 21-6). Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Đinh Xuân Thảo đã trao đổi với ĐTTC về vấn đề này bên hành lang Quốc hội.

Tại nghị quyết về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII năm 2013 và năm 2014 vừa được thông qua, các đại biểu (ĐB) đã nhất trí với việc trong trường hợp sau khi thảo luận về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) mà Quốc hội quyết định chưa thông qua tại kỳ họp này thì đề nghị Quốc hội cho đưa dự án vào chương trình xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 6 (theo lịch trình Quốc hội sẽ thông qua vào ngày 21-6). Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Đinh Xuân Thảo đã trao đổi với ĐTTC về vấn đề này bên hành lang Quốc hội.

PHÓNG VIÊN: - Theo ông, với những sửa đổi mới nhất, liệu khi ra đời Luật Đất đai (sửa đổi) có hạn chế được khiếu nại, khiếu kiện về đất đai hiện nay?

-Ông ĐINH XUÂN THẢO: - Dù có hoàn thiện cũng không thể hạn chế được 100% khiếu nại, khiếu kiện liên quan đến đất đai.

Riêng đối với dự thảo này, tôi tin chưa giải quyết được nhiều, bởi chính những điều mấu chốt nhất, quan trọng nhất gây ra khiếu nại, khiếu kiện lại quy định chưa rõ.

- Đâu là điểm khiến ông băn khoăn nhất tại dự luật này?

- Đó là vấn đề liên quan đến quyền sử dụng đất (QSDĐ). Đất đai thuộc sở hữu toàn dân, nhưng nếu QSDĐ được coi là tài sản và được pháp luật bảo hộ thì phải công bằng. Chỉ khi nào, Nhà nước giao, trao, cho thuê, nêu người sử dụng có vi phạm các quy định về đất đai đến mức phải thu hồi thì sử dụng biện pháp hành chính, bằng các chế tài xử lý cụ thể.

Trường hợp thu hồi khi Nhà nước có nhu cầu vì quyền lợi của đất nước như quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng… cũng thu hồi nhưng không thực hiện bằng chế tài mà cá nhân phải hy sinh lợi ích của mình. Còn những trường hợp khác, phải xử sự như người dân có quyền tài sản đối với QSDĐ, bởi để có QSDĐ họ phải bỏ tiền ra mua, thuê, thuê lại, đóng thuế.

Nó là quyền tài sản, Nhà nước không có quyền tước đoạt bằng biện pháp hành chính. Trong trường hợp này phải xử lý bằng quan hệ kinh tế, quan hệ dân sự trên cơ sở thuận mua vừa bán theo giá thị trường. Vậy phải sử dụng thuật ngữ trưng mua QSDĐ như đề xuất của một số ĐB. Ông Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam - là thành viên Ủy ban sửa đổi Hiến pháp năm 1992, cũng đề nghị hiến định QSDĐ là quyền tài sản thì phải trưng mua.

- Nếu thực hiện trưng mua theo giá thị trường sẽ dẫn đến trường hợp chỉ còn một vài hộ không đồng tình thì cả dự án hàng ngàn m2 đất không thể thu hồi được?

- Trưng mua vừa mang tính dân sự vừa mang tính mệnh lệnh hành chính, trong trường hợp đại đa số người đồng ý với giá Nhà nước đưa ra, một số tổ chức, cá nhân không đồng tình Nhà nước có quyền dùng biện pháp cưỡng chế thu hồi đất. Đưa khái niệm trưng mua QSDĐ vào chính Nhà nước có lợi.

Thí dụ, đất Nhà nước giao, cho thuê 50 năm, tổ chức, cá nhân đã sử dụng 30-40 năm rồi thì có thể trưng mua thời gian còn lại chứ không phải mua theo giá trị của mảnh đất còn 30-40 năm sử dụng.

- Có nhiều ý kiến cho rằng chưa nên thông qua dự án Luật Đất đai tại kỳ họp này?

- Không luật nào có nhiều văn bản quy phạm pháp luật dưới luật như lĩnh vực đất đai. Vấn đề thu hồi đất và thẩm quyền quản lý đất đai liên quan đến chính quyền địa phương là một trong những nội dung quy định trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp và vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau.

Nếu khi thông qua Luật Đất đai và sau đó thông qua Hiến pháp sửa đổi mà không như quy định của Luật Đất đai thì sao? Luật Đất đai hay bất kỳ luật nào cũng không được quy định trái Hiến pháp. Dự thảo Hiến pháp sửa đổi phần liên quan đến đất đai được quy định tại 3 điều (56, 57, 58), Nhà nước công nhận QSDĐ, coi QSDĐ là tài sản và được bảo hộ. Đây là vấn đề mới của Hiến pháp.

Theo tôi, nếu chưa thấu đáo chưa nên thông qua. Nếu chấp nhận chỉnh sửa thật nhanh theo đúng yêu cầu của ĐB Quốc hội thì có thể thông qua, nhưng qua thảo luận của các ĐB, tôi nghĩ khó có thể thông qua vì còn quá nhiều vấn đề chưa nhận được sự đồng thuận của ĐB Quốc hội.

- Nếu chưa thông qua được, có phải ra ngay nghị quyết kéo dài thời gian sử dụng đất nông nghiệp, vì ngày 1-7 tới là hết thời hạn?

- Chắc chắn phải ra vì đây là vấn đề hết sức bức bách hiện nay. Đây cũng là áp lực cho việc phải thông qua Luật Đất đai trong kỳ họp này.

- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác