Chống thất thu thuế đất đai

Năm 2012, Chính phủ dự kiến thu ngân sách đạt 740.500 tỷ đồng, trong đó tỷ lệ động viên từ thuế và phí trên 21% GDP. Đáng chú ý thu nội địa (không bao gồm từ đất) 457.600 tỷ đồng, tăng 20,6% so với ước thực hiện năm 2011. Đây là mức dự toán cao trong bối cảnh nền kinh tế năm 2012 dự báo đối mặt với không ít khó khăn, nguồn thu không bền vững. Trao đổi với báo giới, ông Phùng Quốc Hiển (Ảnh), Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội (UBTCNS) đánh giá:

Năm 2012, Chính phủ dự kiến thu ngân sách đạt 740.500 tỷ đồng, trong đó tỷ lệ động viên từ thuế và phí trên 21% GDP. Đáng chú ý thu nội địa (không bao gồm từ đất) 457.600 tỷ đồng, tăng 20,6% so với ước thực hiện năm 2011. Đây là mức dự toán cao trong bối cảnh nền kinh tế năm 2012 dự báo đối mặt với không ít khó khăn, nguồn thu không bền vững. Trao đổi với báo giới, ông Phùng Quốc Hiển (Ảnh), Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội (UBTCNS) đánh giá:

Theo dõi thu ngân sách những năm vừa qua, cho thấy các khoản vượt thu tương đối lớn. Trong đó thu nội địa vượt lớn nhất là từ đất đai, khu vực kinh tế ngoài quốc doanh; thu xuất nhập khẩu chủ yếu từ mặt hàng ô tô và hàng hóa cao cấp.

Trong bối cảnh năm 2012 kinh tế trong nước và thế giới còn nhiều khó khăn, kế hoạch thu ngân sách Chính phủ trình Quốc hội tương đối tích cực.

Tuy nhiên, UBTCNS cho rằng cần tập trung vào một số khoản thu để tăng thu, như thu từ đất đai. Bởi hiện nay các nguồn từ đất đai như tiền giao đất và hoạt động kinh doanh bất động sản đang thất thu lớn.

Khoản thứ hai là nguồn từ kinh doanh công thương nghiệp vẫn còn thất thu do hình thức thu thuế khoán (lẽ ra phải thu theo kết quả hoạt động).

Thứ ba là thu từ hoạt động khai thác khoáng sản. Bên cạnh đó thu từ xuất nhập khẩu, giá trị gia tăng, tiêu thụ đặc biệt, quản lý tốt việc hoàn thuế…

-PHÓNG VIÊN: - Xác định năm 2012 kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, thị trường bất động sản cũng khó sôi động nhưng dự kiến thu ngân sách của Chính phủ lại cao, liệu có tận thu và khả thi?

Ông PHÙNG QUỐC HIỂN: - Tăng thu từ thuế và tăng cường chống thất thu là hai vấn đề khác nhau. Thuế suất của chúng ta đang theo xu hướng giảm, như thuế thu nhập doanh nghiệp từ 32% giảm dần còn 28%, 25% và UBTCNS cũng đang đề nghị xuống 20%, mức rất thấp so với nhiều nước.

Tăng thu ở đây là chúng ta hướng tới việc sản xuất phát triển và chống thất thu từ gian lận. Nếu làm được điều này tôi cho rằng chúng ta sẽ khai thác được nguồn thu tích cực hơn.

Về lĩnh vực bất động sản, thực ra hoạt động giao dịch trên thị trường này cũng rất nhộn nhịp chứ không hoàn toàn trầm lắng.

Có thể trầm lắng ở đầu tư căn hộ còn ở thị trường mua bán nhà đất trong dân cư vẫn diễn ra nhiều và khoản thu cần được kiểm soát, hướng tới chính là các giao dịch này.

- Thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh cũng được dự báo là khó khăn trong năm 2012. Nhìn nhận của ông về mục tiêu thu nội địa của Chính phủ?

- Cơ chế miễn, giảm, giãn thuế áp dụng năm 2011 bắt đầu có những tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, tác động tích cực không lớn, giãn, giảm mỗi khoản chỉ vài ngàn tỷ đồng, tức chỉ mang tính chất động viên để thể hiện sự chia sẻ của Quốc hội, Chính phủ với người dân và doanh nghiệp.

Nhưng có thể thấy rằng dù khó khăn nhưng năm 2011 thu ngân sách vẫn tăng cao, nhất là thu nội địa. Năm 2012, tỷ lệ vốn đầu tư toàn xã hội giảm xuống còn 34-35% GDP nhưng theo tôi sẽ đi vào chiều sâu hơn, nghĩa là tránh đầu tư dàn trải, tạo bong bóng, giảm hệ số ICOR, hiệu quả hơn, từ đó sẽ tạo nguồn thu tốt.

- Nhiều ý kiến cho rằng cơ quan quản lý đang quá tập trung vào chống thất thu thuế khu vực doanh nghiệp ngoài quốc doanh nhưng với doanh nghiệp nhà nước, mỗi lần công bố kết quả kiểm toán lại cho thấy phải thu từ khu vực này cũng rất rất lớn?

- Nói đến thất thu thuế là nói chung đến khu vực sản xuất nhà nước và ngoài quốc doanh chứ không chỉ riêng một khu vực nào. Tuy nhiên, có thể thấy rằng chế độ kế toán của doanh nghiệp khu vực nhà nước tương đối hoàn chỉnh, trong khi hạch toán kế toán của doanh nghiệp ngoài quốc doanh có mức độ và còn hạn chế.

Mặt khác, với số lượng vài trăm ngàn doanh nghiệp ngoài quốc doanh, khả năng thanh ra, kiểm tra còn hạn chế. Có thể nếu xét các chỉ số tài chính thì hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước chưa cao, nhưng về tốc độ tăng thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước không hề thua kém khu vực ngoài quốc doanh.

Vì thế, vấn đề đặt ra là muốn chống được thất thu và quản lý tốt cần thiết phải nâng cao chất lượng hạch toán kế toán, công khai minh bạch thông tin theo đúng quy định và tăng cường kiểm tra, giám sát.

- Thời gian qua việc để lại những khoản lợi nhuận lớn cho doanh nghiệp nhà nước, để rồi họ sử dụng vốn này đầu tư không hiệu quả. Thí dụ Tập đoàn Dầu khí (PVN) đầu tư ở Venezuela nhưng chưa mang lại kết quả khả quan nào. Ông lý giải sao về điều này?

- Việc để lại vốn (lợi nhuận) cho doanh nghiệp nhà nước như PVN là do có cơ chế đặc thù. Nhưng vì PVN khai thác tài nguyên nên phải chịu sự điều tiết và chỉ dành lại một phần để sử dụng kinh doanh và khoản đó coi như là phần đầu tư của Nhà nước.

Còn về câu chuyện đầu tư, quan trọng nhất là chúng ta phải chống đầu tư của doanh nghiệp ra ngoài ngành còn đầu tư đúng hướng vẫn cần thiết.

- Giai đoạn 2012-2015 và đến năm 2020 nhiều sắc thuế sẽ được chỉnh sửa. Theo ông việc điều tiết sẽ theo hướng nào?

- Chúng tôi dự tính trong lộ trình xây dựng luật một số sắc thuế sẽ có thay đổi về thuế suất. Chẳng hạn nếu thuế thu nhập doanh nghiệp giảm xuống còn 20% vào năm 2012 thì tốt, chậm có thể vào năm 2013. Hay như thuế giá trị gia tăng thuế suất có thể đưa về một mức phù hợp với thông lệ quốc tế.

Thuế thu nhập cá nhân chúng tôi cũng đề xuất không cố định mức giảm trừ gia cảnh mà miễn giảm tính theo mức lương tối thiểu.

Theo đó khi điều chỉnh lương tối thiểu sẽ bám theo để tính cho phù hợp với tình hình thực tế hơn. Chúng tôi cũng cho rằng những thay đổi đó phải tiến hành nhanh bởi sẽ góp phần vào tái cấu trúc nền kinh tế.

- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác