Chống bệnh “vênh GDP”

Một trong những dấu hỏi về độ tin cậy của thông tin thống kê là tốc độ tăng GDP của các địa phương đều cao gấp rưỡi, gấp đôi tốc độ tăng của cả nước. Điều này được lý giải và cần khắc phục như thế nào?

Một trong những dấu hỏi về độ tin cậy của thông tin thống kê là tốc độ tăng GDP của các địa phương đều cao gấp rưỡi, gấp đôi tốc độ tăng của cả nước. Điều này được lý giải và cần khắc phục như thế nào?

Chênh lệch này đã diễn ra trong nhiều năm, nhưng việc khắc phục còn chậm. Dẫn tới người sử dụng thông tin thống kê đặt dấu hỏi về độ tin cậy của thông tin thống kê nói chung và thông tin tổng hợp nhất là về tốc độ tăng GDP nói riêng.

Trước hết, cần phải khẳng định rằng số liệu GDP của cả nước không tính bằng cách cộng dồn GDP của các địa phương.

Tương tự nhiều chỉ số khác cũng vậy, ví dụ: Khi tính lượng khách quốc tế đến Việt Nam, cơ quan thống kê lấy số liệu từ cơ quan xuất nhập cảnh. Bởi nếu cộng tổng lượng khách quốc tế đến từng địa phương sẽ cho một con số  lớn hơn nhiều, vì 1 người khách đến Việt Nam có thể qua nhiều địa phương khác nhau.

Cũng như vậy, số liệu về kim ngạch xuất khẩu cũng không phải là con số cộng dồn từ các địa phương mà được lấy từ Tổng cục Hải quan để tránh tính trùng khi địa phương này xuất khẩu ủy thác qua địa phương khác.

Nhìn chung, GDP của cả nước được tính theo 2 phương pháp: Phương pháp sản xuất và phương pháp sử dụng cuối cùng. Còn các địa phương không tính được theo phương pháp sử dụng cuối cùng là do địa phương không tính được tích lũy trên địa bàn, tiêu dùng cuối cùng và chênh lệch vào/ra trên địa bàn. Ngay phương pháp sản xuất ở các địa phương cũng được tính chủ yếu là để tham khảo, chứ không phải dùng để cộng tổng số liệu từ các địa phương thành số liệu của cả nước.

Như vậy, sự vênh nhau giữa số liệu GDP của Trung ương và địa phương là một hiện thực. Tuy nhiên chỉ số GDP của cả nước là con số tin cậy.

“Bắt bệnh”

Vậy chênh lệch giữa tốc độ tăng GDP của các địa phương cao hơn của cả nước do những nguyên nhân gì?

Có nguyên nhân do sự tính trùng giữa các địa bàn đối với các tổng công ty, doanh nghiệp mà hội sở đóng tại địa bàn này nhưng các doanh nghiệp, chi nhánh lại đóng tại nhiều địa bàn khác. Các địa bàn có hội sở đóng đã tính toàn bộ kết quả hoạt động của tổng công ty, doanh nghiệp, mà không loại trừ các doanh nghiệp, chi nhánh hoạt động ở các địa bàn khác. Trong khi các doanh nghiệp, chi nhánh này cũng được các địa bàn tính vào GDP của mình. Do tính trùng như vậy nên cộng GDP của các địa bàn trong cả nước sẽ lớn hơn thực tế, tạo ra sự chênh lệch.

Có nguyên nhân do một số đơn vị hạch toán toàn ngành (các đơn vị quản lý ngành dọc, các đơn vị kinh doanh hoạt động trên phạm vi cả nước như: Đường sắt, hàng không, bưu điện, nhiều cơ quan hành chính sự nghiệp khác) đúng ra phải được Tổng cục Thống kê tính và phân bổ theo địa bàn, nhưng có năm làm tốt, có năm, có lĩnh vực làm chưa đầy đủ, nên cũng phát sinh chênh lệch.

Có nguyên nhân do yếu tố tính giá của một số địa bàn chưa chuẩn. Trước đây, do tính theo giá 1994 vừa quá xa, vừa có sự biến động lớn, vừa có nhiều sản phẩm mới được sản xuất từ sau đó đến nay, nên việc tính toán không thật chính xác. Hệ số giữa GDP theo giá thực tế với giá so sánh giữa các địa bàn cả nước cách nhau khá xa, đã làm cho tốc độ tăng GDP của địa bàn cao hơn của cả nước.

Có cả nguyên nhân do sự gò ép, can thiệp theo ý kiến chủ quan và tư tưởng thành tích. Chỉ tiêu tốc độ tăng GDP trong các kế hoạch năm, kế hoạch 5 năm được đề ra thường khá cao so với tốc độ thực hiện vốn đã khá cao trong 5 năm và trong năm trước đó.

“Thuốc đặc trị”

Để giải quyết chênh lệch trên, có nhiều việc phải làm.

Trước hết, Tổng cục Thống kê cần nghiên cứu để “xốc” lại phương pháp tính trong toàn ngành, theo 1 trong 2 cách.

Cách thứ  nhất, Tổng cục Thống kê vừa tính cho cả nước, vừa phối hợp với địa phương để tính GDP cho từng địa bàn, không để các địa phương tự tính, tự công bố.

Cách thứ hai là tổ chức việc phân bổ số liệu của các đơn vị hạch toán toàn ngành, các cơ quan, ngành dọc. Đối với các tổng công ty, doanh nghiệp mà “đầu” ở nơi này, còn “đuôi” ở nhiều địa bàn khác, cần quy định cụ thể cho các Cục Thống kê thông báo hoặc truy cập để tránh trùng lặp.

Bên cạnh đó, để tính toán số liệu GDP được chính xác cần phải có sự ủng hộ, phối hợp của cấp ủy, chính quyền các địa phương để hạn chế những ý kiến chủ quan, tư tưởng thành tích gò ép, can thiệp để nâng tốc độ tăng trưởng cao hơn thực tế, cao hơn con số mà Cục Thống kê đã tính toán, tổng  hợp.

Tóm lại, không thể vì có những sai số của các địa phương để hoài nghi tốc độ tăng GDP của cả nước. Bên cạnh đó, cũng nên biết rằng không phải chỉ tiêu nào mà Tổng cục Thống kê tính cho cả nước cũng được tổng hợp từ số liệu của địa phương.

Ngoài ra, Tổng cục Thống kê cũng cần có giải trình về GDP theo giá thực tế cũng như cơ cấu về tốc độ tăng GDP theo giá so sánh từ năm 2005 đến 2012 vừa mới được điều chỉnh trên Niên giám Thống kê năm 2012, để phục vụ cho việc so sánh, đánh giá trong dài hạn.

Các tin khác