Chính phủ cần chủ động ứng phó với các vụ kiện

(ĐTTCO) - Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định bảo hộ đầu tư cũng như các hiệp định song phương và đa phương có điều khoản quy định về việc bảo hộ đầu tư. Các điều khoản này thường cho phép nhà đầu tư nước ngoài, trong trường hợp cần thiết, có thể khởi kiện Chính phủ Việt Nam ra các cơ quan tài phán quốc tế.
Đây là hướng mở, nhằm gia tăng sức “hấp dẫn” của thị trường, cũng như thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước. Tuy vậy, xét trên khía cạnh thực tế, Chính phủ Việt Nam dễ bị lúng túng nếu tranh chấp xảy ra. Vậy cần làm gì để giảm thiểu những rủi ro này?
Hiểu quy trình giải quyết tranh chấp tại trọng tài
Một số chuyên gia kinh tế cho rằng, dù Việt Nam đã ký kết các hiệp định thương mại tự do, nhưng Chính phủ vẫn yếu thế nếu xảy ra tranh chấp. Thiết nghĩ, trong giai đoạn hiện tại thì nhận định này là đúng, bởi một số lý do sau đây. Thứ nhất, do áp lực của việc ký kết, gia nhập các điều ước quốc tế nên hệ thống pháp luật Việt Nam đã phải sửa đổi, bổ sung để đáp ứng tiêu chí của các hiệp định quốc tế.
Tuy nhiên, nội tại hệ thống pháp luật trong nước đang tồn tại nhiều sự chồng chéo, xung đột. Điều này gây khó khăn cho việc áp dụng pháp luật, cũng như khả năng xảy ra vi phạm trong việc áp dụng pháp luật đầu tư đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Vì vậy, khả năng xảy ra các vụ tranh chấp và Chính phủ Việt Nam trở thành bị đơn tại các cơ quan tài phán quốc tế sẽ có nguy cơ tăng cao. 
Chính phủ cần chủ động ứng phó với các vụ kiện ảnh 1 Một hội thảo về hỗ trợ doanh nghiệp trong thời kỳ hội nhập.
Thứ hai, thực tiễn việc tranh chấp quốc tế chưa phổ biến ở Việt Nam, do vậy kinh nghiệm xử lý của các cơ quan nhà nước có liên quan của Việt Nam đối với các vấn đề này còn rất yếu. Nhiều cơ quan quản lý của Việt Nam còn xa lạ với các tổ chức trọng tài này.
Nhiều cán bộ được giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về đầu tư nước ngoài chưa phân biệt được sự khác nhau giữa trọng tài ICSID (Trung tâm quốc tế về giải quyết tranh chấp đầu tư) với trọng tài xét xử theo quy tắc trọng tài của UNCITRAL hoặc với Tòa án Trọng tài quốc tế (ICC). Nhiều chuyên gia, luật sư chưa nắm được quy định của các tổ chức trọng tài quốc tế về thủ tục và quy trình giải quyết tranh chấp tại trọng tài.
Trong khi đó, thực tiễn giải quyết tranh chấp về thương mại quốc tế bằng trọng tài cho thấy rằng, việc thiếu sự hiểu biết dẫn đến những sai sót không đáng có về thủ tục trọng tài có thể đẩy chính phủ vào rủi ro do thua kiện.
Thứ ba, các chi phí tố tụng, phí luật sư trong các vụ kiện này thường rất cao, do Việt Nam phải đi thuê luật sư nước ngoài, điều đó sẽ trở thành gánh nặng kinh tế cho Chính phủ Việt Nam.
Thứ tư, dù kết quả của phán quyết có như thế nào thì hình ảnh Chính phủ, môi trường đầu tư của Việt Nam cũng sẽ bị ảnh hưởng khi vụ việc được đưa ra cơ quan tài phán quốc tế.
Thứ năm, Việt Nam chưa có cơ quan đầu mối giải quyết tranh chấp quốc tế về đầu tư. Do vậy, khi một nhà đầu tư khởi kiện Chính phủ Việt Nam, sẽ khiến cho Chính phủ Việt Nam hết sức lúng túng vì chưa có cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm thực thi.
Công khai các vụ kiện 
Việc công khai các vụ kiện là cần thiết, bởi thực tế nếu phía Nhà nước Việt Nam không công khai thì thông tin về vụ kiện cũng sẽ được đưa lên công luận từ các nguồn khác, đối lập. Mặt khác, việc công khai nội dung vụ kiện cũng là cách để dư luận có thể hiểu đúng, hiểu đa chiều về vụ việc. 
Tuy nhiên, việc công khai nội dung các vụ kiện này cũng phải theo các nguyên tắc đảm bảo an ninh quốc gia, bí mật nhà nước, thuần phong mỹ tục, bí mật điều tra, bí mật công tác, bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh; bảo vệ đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình, bảo vệ người dưới 18 tuổi; tôn trọng các quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Việc công khai nội dung vụ kiện không được xâm phạm lợi ích nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Việc công khai nội dung vụ kiện phải bảo đảm chính xác, kịp thời, tạo thuận lợi cho việc tiếp cận; đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật.
Trong bối cảnh hiện nay, Chính phủ Việt Nam trước tiên cần phải rà soát và hoàn thiện hệ thống pháp luật nội địa để đảm bảo được tính thống nhất, tính thực thi và đặc biệt phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã và sẽ là thành viên. Tiếp đến, cần nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ, công chức, viên chức - những người làm việc trong các cơ quan nhà nước, đặc biệt là các cơ quan có liên quan tới hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Thêm nữa, Chính phủ Việt Nam cũng phải xây dựng một đội ngũ nhân sự vững mạnh với kiến thức pháp luật chuyên sâu, am tường ngoại ngữ, để trở thành ban cố vấn cho Chính phủ. Mặt khác, cần xây dựng và đào tạo đội ngũ luật sư trong nước đủ trình độ và năng lực (bao gồm cả năng lực ngoại ngữ) để giúp Nhà nước, Chính phủ trong các vụ tranh chấp quốc tế.
 Tính đến thời điểm này, có một số vụ khởi kiện quốc tế điển hình mà Chính phủ Việt Nam là bị đơn, trong đó có thể kể tên như: Vụ nhà đầu tư DialAsie (Pháp) kiện Chính phủ Việt Nam ra Tòa án Trọng tài thường trực tại La Hay (Hà Lan) trong dự án Bệnh viện quốc tế Thận và lọc thận ở TPHCM; Recofi với Chính phủ Việt Nam tại Tòa án tối cao Thụy Sĩ; Saigon Metropolitan với Chính phủ Việt Nam; Trịnh Vĩnh Bình với Chính phủ Việt Nam…

Các tin khác