Chi tiêu ngân sách chưa minh bạch

(ĐTTCO)-Trong một lần trao đổi với ĐTTC, PGS.TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), cho biết hiện vẫn còn nhiều địa phương chi tiêu ngân sách lớn nhưng ít công khai minh bạch, dù điều này đã được quy định rõ trong Luật Ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2015. 
Chi tiêu ngân sách chưa minh bạch
Kết quả Chỉ số công khai NS tỉnh (POBI) năm 2017 cho thấy hầu hết địa phương chưa ý thức được trách nhiệm về công khai NS. Năm 2018, POBI đã có sự cải thiện đáng kể, nhiều địa phương đã nhận thức rõ việc tuân thủ các quy định về công khai NS, thu chi tài chính theo luật pháp của Nhà nước.
Tín hiệu đáng khích lệ đầu tiên là đã có 6 tỉnh lọt vào nhóm công khai đầy đủ, tức nhóm A với điểm xếp hạng 75-100, so với năm 2017 không có tỉnh nào. Bên cạnh đó có 27 tỉnh công khai tương đối, xếp vào nhóm B với điểm xếp hạng từ 50 đến dưới 75 điểm.
Chỉ có 21 tỉnh xếp vào nhóm C, tức công khai chưa đầy đủ, có điểm xếp hạng từ 25 đến dưới 75, và 9 tỉnh thuộc nhóm công khai ít, xếp nhóm D với điểm xếp hạng dưới 25. 
Nhìn chung so với năm 2017, không còn tỉnh nào có điểm số POBI bằng 0. Năm 2017 chỉ số trung bình POBI chỉ 30 điểm, năm 2018 đã tăng lên 51 điểm, cho thấy đã có sự dịch chuyển đáng kể trong việc tuân thủ công khai NS trên cấp độ toàn quốc. Dù tiêu chí năm 2018 đặt ra nhiều hơn và cũng phức tạp hơn. 
Tuy nhiên, năm 2018 vẫn còn 32 tỉnh, thành nằm dưới mức xếp hạng trung bình. Có nghĩa vẫn còn khoảng 50% tỉnh, thành chưa tuân thủ và cải thiện mức độ công khai minh bạch NS. Nếu như Duyên hải Nam Trung bộ và ĐBSCL là 2 vùng có điểm xếp hạng POBI trung bình cao nhất, lần lượt 60,9 và 59,16 điểm, kế đến là Đông Nam bộ 54,37 điểm, đồng bằng sông Hồng 50,55 điểm, thì đến Bắc Trung bộ có số điểm trung bình thấp nhất trong 7 vùng địa lý, chỉ đạt 40,33 điểm...
Đáng chú ý, những thành phố lớn có mức thu chi NS nhiều nhưng chỉ số công khai minh bạch NS lại rất thấp như Hà Nội, TPHCM và Hải Phòng. Nếu như Đà Nẵng có mức tuân thủ thực hiện công khai minh bạch NS cao nhất, thì TPHCM ở mức trung bình, còn Hà Nội ở mức trung bình thấp. Với Hải Phòng năm 2017 chỉ số POBI là 0 điểm, vì không công khai, minh bạch bất cứ tài liệu gì liên quan đến NS. Năm 2018 thành phố biển này cũng chỉ cải thiện đạt được 5 điểm, tức vẫn nằm trong nhóm thấp nhất của 63 tỉnh, thành.   
Việt Nam đang nỗ lực cải cách tài chính công, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng NSNN. Do đó, tăng cường tính minh bạch và công khai NS là một trong những nội dung quan trọng, bắt buộc. Các địa phương càng có mức thu chi tiêu NS lớn càng phải công khai và minh bạch hơn. Trường hợp các thành phố trực thuộc Trung ương nói trên là hiện tượng cần tiếp tục nghiên cứu để tìm ra bằng chứng và nguyên nhân của việc chậm trễ công khai minh bạch NS.
Thực ra sự tham gia của người dân vào thực thi giám sát công khai minh bạch NS được cho là yếu tố rất quan trọng. Song thực tế công tác này vẫn còn nhiều hạn chế. Kết quả khảo sát năm 2018 cho thấy, mục tiêu công khai dự thảo dự toán NSNN để người dân tham gia ý kiến chưa đạt được, bởi vẫn còn 27% số tỉnh chưa công khai, hoặc công khai chưa đúng hạn. Điều này là chỉ dấu cho thấy các tỉnh, thành vẫn còn chậm trong việc thực thi Luật NSNN. 
Hiện nay chúng ta đang xây dựng chính quyền điện tử. Thế nhưng theo VEPR, trong quá trình làm khảo sát VEPR đã thử nghiệm bằng cách gửi email, hoặc liên lạc qua điện thoại đến các địa phương, cơ quan chức năng để đo mức độ phản hồi của họ như thế nào. Đáng tiếc, kết quả thu được rất hạn chế, rất ít địa phương phản hồi hoặc phản hồi kịp thời. Điều này đồng nghĩa sự tương tác giữa chính quyền và người dân còn rất hạn chế.

Các tin khác