Chất lượng tăng trưởng vẫn chưa như mong muốn

(ĐTTCO) - Ngày 15-10, ngày đầu của phiên họp thứ 28, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) nghe và thảo luận các báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội, tái cơ cấu nền kinh tế. 
Chất lượng tăng trưởng vẫn chưa như mong muốn
Kinh tế chuyển biến tích cực
Theo báo cáo của Chính phủ, năm 2018, nền kinh tế đã từng bước vượt qua khó khăn, thách thức, duy trì đà chuyển biến tích cực; hoàn thành toàn bộ 12/12 chỉ tiêu Quốc hội giao. Trong trung hạn, báo cáo đánh giá, mặc dù còn một số khó khăn, thách thức, song kết quả thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của giai đoạn 2016 - 2020 cơ bản tích cực và đúng hướng. 
Các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo, góp phần củng cố nền tảng vĩ mô, tạo nguồn lực cho phát triển. Thu ngân sách nhà nước năm 2018 ước đạt trên 1,35 triệu tỷ đồng, tăng 3% so với dự toán và tăng 5,5% so với năm 2017; bội chi ước đạt 3,67%, cơ cấu chi đầu tư tăng, giảm chi thường xuyên; tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 1,89 triệu tỷ đồng, tăng 13,3%, bằng 34% GDP - đạt mục tiêu Quốc hội giao (trong đó, cơ cấu đầu tư khu vực tư nhân ngày càng tăng).
Đồng tình với nhận định của Chính phủ, Ủy ban Kinh tế ghi nhận, tình hình kinh tế - xã hội nước ta đã có chuyển biến tích cực, đúng hướng và cơ bản thực hiện được mục tiêu tổng quát năm 2018. Đặc biệt, việc thực hiện thành công mục tiêu kép là vừa giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, vừa thúc đẩy tăng trưởng GDP đã tạo thêm dư địa để thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ bảo đảm an sinh xã hội, tạo việc làm, nâng cao thu nhập và đời sống của nhân dân, ổn định trật tự, an toàn xã hội trong các năm tiếp theo. 
Chất lượng tăng trưởng vẫn thấp so với yêu cầu
Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ quan tâm, đánh giá kỹ hơn một số vấn đề. Đó là, tăng trưởng GDP dự báo ở mức cao, ước đạt 6,7%, song diễn biến mức tăng trưởng GDP của 3 quý vừa qua có sự khác biệt so với kịch bản tăng trưởng kinh tế đã dự báo đầu năm. Vì vậy, cần đánh giá đầy đủ tác động đến tăng GDP, từ đó tiếp tục duy trì tăng trưởng trong năm 2019 và năm cuối kế hoạch 5 năm 2016-2020.
Vẫn theo Ủy ban Kinh tế, chất lượng tăng trưởng kinh tế đã được cải thiện nhưng còn ở mức thấp so với yêu cầu. Hiệu quả đầu tư chưa cao, tỷ trọng vốn đầu tư toàn xã hội trên GDP chiếm 34%, hệ số ICOR (hệ số sử dụng vốn) vẫn còn ở mức cao; năng suất lao động xã hội bình quân 3 năm tăng 5,6% nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu nâng cao năng suất, chất lượng và cải thiện sức cạnh tranh của nền kinh tế; sức cạnh tranh của nền kinh tế về tổng thể được cải thiện, nhưng một số lĩnh vực thành phần chậm chuyển biến, thậm chí suy giảm so với bình quân chung của khu vực.
Trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, cơ quan thẩm tra cho rằng, vẫn còn một số vướng mắc trong công tác phối hợp giữa các ngành, các cấp, đặc biệt là trong công tác thu giữ tài sản bảo đảm, hoạt động thi hành án dân sự, giải quyết tranh chấp tại tòa án liên quan đến xử lý nợ xấu. Một số cơ quan thuế chưa áp dụng đúng nội dung Nghị quyết 42 (về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng) về thứ tự ưu tiên thanh toán khi phát mại tài sản bảo đảm để xử lý nợ xấu. Các hoạt động liên quan đến cho vay ngân hàng, các loại tiền ảo có dấu hiệu diễn biến phức tạp, cần có biện pháp quản lý. 
Trong lĩnh vực xã hội, giáo dục tuy đạt được những thành tích đáng kể trong dạy và học, nhưng còn tồn tại một số vấn đề chưa được giải quyết triệt để. Việc xây dựng chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mới không bảo đảm lộ trình đề ra; tính ổn định, thống nhất và đồng bộ trong giáo dục chưa cao; công tác tổ chức thi trung học phổ thông quốc gia còn bất cập, xảy ra những vụ việc vi phạm nghiêm trọng trong thi tốt nghiệp tại một số tỉnh; việc sách giáo khoa xuất bản độc quyền, lãng phí, gây bức xúc trong xã hội. 
Nâng cao năng lực tự chủ
Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng ghi nhận những thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có việc nợ công và bội chi đều giảm, thể hiện những nỗ lực lớn trong công tác điều hành của Chính phủ. Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cũng đề nghị Chính phủ làm rõ nét hơn về các vấn đề như: kiểm soát lạm phát, nâng cao năng lực tự chủ của nền kinh tế; đánh giá thêm về một số vấn đề còn tồn tại như tình hình phát triển sản xuất một số ngành nghề còn khó khăn, dịch chuyển cơ cấu kinh tế còn chậm.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng đồng tình với những kết quả đạt được về tình hình kinh tế - xã hội được nêu trong báo cáo của Chính phủ và cho rằng, những kết quả này đã tạo hiệu ứng lan tỏa, niềm tin sâu sắc trong lòng người dân và bạn bè quốc tế. “Thủ tướng Chính phủ luôn đi sâu, đi sát cơ sở, giải quyết kịp thời vướng mắc, động viên, khuyến khích các nhà đầu tư đầu tư vào Việt Nam.
Thời gian tới, Chính phủ cần phát huy phong cách làm việc cầu thị, kịp thời và tôn trọng ý kiến của dư luận, cử tri, đại biểu Quốc hội; phát huy mô hình tổ công tác của Thủ tướng trong công tác kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ ở địa phương, các bộ”, người đứng đầu Ủy ban Tư pháp khuyến nghị và đề xuất Chính phủ bổ sung một số nội dung, làm đậm nét thêm công tác phòng, chống tham nhũng. Bởi đây chính là giai đoạn phòng, chống tham nhũng được đẩy mạnh, nói đi đôi với làm, không có vùng cấm và không có ngoại lệ.
 Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Chính phủ phải thực hiện nhiệm vụ kép 
Giải trình thêm với UBTVQH chiều 15-10, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ bày tỏ đồng tình với báo cáo thẩm tra. Ông nói: “Báo cáo thẩm tra đánh giá xác thực tình hình, ghi nhận nỗ lực của các cấp, các ngành một cách khá toàn diện. Hai báo cáo của Chính phủ và Quốc hội lần này hy vọng sẽ tạo ra đồng thuận, đồng lòng, đồng sức dưới sự lãnh đạo của Đảng để làm tốt hơn vào năm 2019 cũng như hoàn thành kế hoạch 5 năm”. Phó Thủ tướng cũng cho biết, qua tiếp xúc với cử tri, ông nhận thấy cử tri cũng ghi nhận những đổi mới trong công tác điều hành cũng như hoạt động giám sát và đặc biệt là công tác xây dựng pháp luật. 
“Nhiều việc như đầu tư công, nợ công, quản lý tài sản công, cử tri và Chính phủ đánh giá cao Nghị quyết 42 hay việc sửa đổi bổ sung Luật các tổ chức tín dụng là rất kịp thời, có thể coi là điểm sáng của nhiệm kỳ này. Nhờ đó mà việc xử lý nợ xấu và tái cơ cấu ngân hàng tiến triển rất tốt. Hay xây dựng pháp luật, trước đây có tình trạng giao cho thứ trưởng, thứ trưởng lại giao cho chuyên viên, nhưng giờ thì các đồng chí bộ trưởng phải lăn lộn với công tác xây dựng pháp luật và chất lượng xây dựng pháp luật tăng lên. Quốc hội cải tiến chất vấn thì chúng tôi cũng lo, phải chuẩn bị kỹ lưỡng để trả lời đầy đủ và chất lượng… Chúng tôi cũng đề nghị trong báo cáo của Chính phủ và Quốc hội nên nhấn mạnh thêm nhiệm vụ giai đoạn này là nhiệm vụ kép - một mặt thúc đẩy phát triển nhanh bền vững, một mặt giải quyết khó khăn tích tụ từ trước. Trong 10 cuộc họp Thường trực Chính phủ thì 7 cuộc xử lý việc cũ, 3 cuộc làm những cái mới”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chia sẻ.
 3 bộ và 18 tỉnh, thành phố chưa hoặc chậm ban hành kế hoạch tái cơ cấu
“Có 3 bộ và 18 tỉnh, thành phố chưa hoặc chậm ban hành kế hoạch thực hiện chương trình tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020” - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu rõ khi thừa ủy quyền Chính phủ trình bày báo cáo trước UBTVQH sáng 15-10. Trong số các bộ ngành, có Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn chưa ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 27 của Chính phủ để triển khai Nghị quyết số 05 của Trung ương và Nghị quyết 24 của Quốc hội về tái cơ cấu nền kinh tế. 
Theo báo cáo, các bộ: Ngoại giao, Y tế đến tháng 11-2017 mới ra văn bản triển khai thực hiện Nghị quyết 27, muộn hơn nhiều so với các bộ, ngành khác (tháng 3-2017). Hàng chục địa phương khác cũng đã được “điểm danh”. Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc chế độ theo dõi và báo cáo về cơ cấu lại nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng.
Nghị quyết 27 giao 16 nhiệm vụ và chính sách lớn cần thực thi cho các bộ, ngành, địa phương, với 120 nhiệm vụ cụ thể nhằm đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng. Đa phần các nhiệm vụ được giao đã được thực hiện đúng thời hạn và đạt kết quả ở các mức độ khác nhau. Trong đó, có 25,8% số nhiệm vụ đã triển khai và có kết quả rõ ràng; 57,5% số nhiệm vụ đang triển khai và có kết quả bước đầu; 16,7% số nhiệm vụ đã triển khai nhưng chưa đáp ứng thời gian…

Các tin khác