Chất lượng tăng trưởng kinh tế được nâng lên nhiều

(ĐTTCO)-Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng nền kinh tế đất nước không chỉ có tốc độ tăng trưởng cao mà chất lượng tăng trưởng được nâng lên rất nhiều. Điều này cho thấy việc đổi mới cơ cấu kinh tế, thực hiện cải cách hành chính, cũng như thực hiện quá trình Chính phủ khởi nghiệp đang đi đúng hướng.
Sản xuất giày xuất khẩu. (Ảnh: Dương Chí Tưởng/TTXVN)
Sản xuất giày xuất khẩu. (Ảnh: Dương Chí Tưởng/TTXVN)
- Năm 2018 tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt mức 7,08%, mức tăng cao nhất từ năm 2008. Dưới góc nhìn của một chuyên gia kinh tế, ông đánh giá như thế nào về những yếu tố tạo nên con số tăng trưởng ấn tượng này?

Chuyên gia Đinh Trọng Thịnh: Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đang thay đổi về chất, thể hiện ở năng suất lao động đã được nâng lên một cách rõ rệt; trong đó, năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp 43,5% vào tăng trưởng GDP. Đây là một chỉ số tương đối cao, trong khi chỉ số hiệu quả sử dụng vốn đầu tư (ICOR) đang giảm xuống, từ mức 6,42 năm 2016 và 6,11 năm 2017 xuống còn 5,97 năm 2018. Điều này đồng nghĩa với việc đồng vốn bỏ ra giảm đi khi có 1% tăng trưởng. 

Việc năng suất lao động được nâng lên là điều mà chúng ta mong muốn. Điều này giúp tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đã dựa vào chất lượng, tăng năng suất lao động chứ không phải chỉ bằng việc mở rộng GDP theo cách thông thường.

Điều rất đặc biệt trong năm 2018 là tăng trưởng của khu vực nông, lâm, thủy sản lần đầu tiên tăng trưởng 3,76% (đóng góp tới 8,7% vào mức tăng trưởng chung). Đây là tỷ lệ tăng trưởng rất cao của ngành nông nghiệp, bởi từ trước đến nay tăng trưởng 1% GDP trong nông nghiệp rất khó khăn.

Điều này phản ánh việc đổi mới cơ cấu sản xuất cũng như tăng cường đầu tư của các doanh nghiệp, nhà nước đối với khu vực kinh tế nông nghiệp và năng suất lao động đang thay đổi một cách tương đối rõ rệt

Thực tế, có tới 60-70% lao động làm trong lĩnh vực nông nghiệp và ngành nông nghiệp được coi là thế mạnh của đất nước. Kinh tế nông nghiệp phát triển góp phần cải thiện đời sống cho phần lớn người dân Việt Nam. Việc tạo được bước phát triển mới cho khu vực kinh tế nông nghiệp và nông thôn sẽ giúp thực hiện hiệu quả các chính sách tam nông của nhà nước và tạo ra phát triển bền vững.

Kinh tế tư nhân trong năm vừa qua cũng tăng trưởng và phát triển rất mạnh mẽ với 165,3 nghìn doanh nghiệp đăng ký mới cũng như là quay lại hoạt động sản xuất kinh doanh.

Tất nhiên còn có nhiều vấn đề đằng sau như vấn đề phá sản, nhưng việc tăng mạnh mẽ số doanh nghiệp đăng ký mới và vốn bình quân của các doanh nghiệp đăng ký cũng tăng lên cao hơn so với trước đây cho thấy khu vực kinh tế tư nhân đang lớn lên. 

Rõ ràng những chính sách của Đảng và Chính phủ đẩy mạnh phát triển kinh tế tư nhân đã phát huy hiệu quả và kinh tế tư nhân phải trở thành động lực để phát triển nền kinh tế.

Năm 2018, cả nước thu hút được 35,46 tỷ USD vốn FDI, giải ngân đạt mức kỷ lục 19,1 tỷ USD, tăng 9,1% so với năm ngoái. Số vốn giải ngân lại đạt cao kỷ lục nói lên rằng, vốn thực sự mà các nhà đầu tư bỏ vào nền kinh Việt Nam đang tăng lên.

Thu hút vốn FDI của Việt Nam đã mang tính bền vững và thực chất. Việt Nam đã sẵn sàng từ chối các dự án vốn FDI có thể gây ra ô nhiễm môi trường, không phù hợp với định hướng phát triển; trong đó, có thể kể đến như Hải Phòng từ chối Nhà máy sản xuất giấy của Tập đoàn Giấy Cửu Long (Trung Quốc) trị giá hơn 800 triệu USD, hay các nhà máy nhiệt điện có vốn đầu tư hàng tỷ USD nhưng các địa phương cũng sẵn sàng từ chối vì nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Tiếp theo là vấn đề xuất khẩu và nhập khẩu. Năm 2018, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt trên 482 tỷ USD, đồng nghĩa với việc độ mở của nền kinh tế rất lớn và tác động của nền kinh tế thế giới đến Việt Nam sẽ mạnh hơn.

Điều này mang đến cho chúng ta những cơ hội và thách thức. Rõ ràng là chúng ta có thể hòa nhập với thế giới tốt hơn, nhưng khi thế giới trì trệ thì cũng có nhiều vấn đề mà không khéo và để ý, chúng ta cũng có thể đi vào trì trệ, thậm chí khủng hoảng.
Đi sâu vào xuất nhập khẩu có mấy vấn đề cần lưu ý. Tỷ lệ xuất khẩu tăng trưởng trong năm 2018 là 13,8% và nhập khẩu là 11,5% cho thấy, tốc độ tăng trưởng của xuất khẩu cao hơn nhiều tốc độ tăng trưởng của nhập khẩu, đồng nghĩa việc sản phẩm của chúng ta tự tạo ra và được hưởng lợi từ xuất nhập khẩu đang lớn dần lên..

Ở đây có một phần rất lớn xuất khẩu của kinh tế tư nhân, kết hợp với FDI để có xuất khẩu các sản phẩm thuộc công nghiệp chế biến, chế tạo. Mặt khác, xuất khẩu về nông, lâm, thủy hải sản đạt 40 tỷ USD. Như vậy, rõ ràng là nông lâm thủy sản đã tăng lên một cách rất rõ rệt; trong đó, rau củ quả có tốc độ tăng trưởng gần 10%.

Đây đã trở thành xu thế tăng trưởng khá rõ nét trong mấy năm qua. Xuất khẩu rau, củ, quả đã vượt xuất khẩu sản phẩm lương thực thực phẩm, trở thành một trong những sản phẩm xuất khẩu quan trọng của nông nghiệp.

Xuất khẩu rau, củ, quả tăng cao sẽ thúc đẩy việc phát triển được những vùng nguyên liệu đại trà, từ đó tạo lực đẩy để ngành chế biến, chế tạo phát triển.

Hơn nữa, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của doanh nghiệp nội địa lớn hơn tốc độ tăng trưởng của các doanh nghiệp FDI. Như vậy chúng ta thấy rằng, nền kinh tế Việt Nam đang phát triển và tự đứng trên 2 chân của mình, dần dần đỡ phụ thuộc vào vốn FDI.

Trong một tương lai gần nếu cứ giữ được tốc độ tăng trưởng cao như vậy thì xuất khẩu của các doanh nghiệp nội địa sẽ đạt được mức độ ngang bằng với các doanh nghiệp FDI. Mặc dù đây mới chỉ là xu hướng nhưng rõ ràng đây là tín hiệu rất đáng mừng.

Tiếp theo, vốn sử dụng của nền kinh tế cũng đã có những thay đổi tích cực. Từ trước đến nay chúng ta thường lấy tăng trưởng tín dụng để đẩy tăng trưởng GDP, năm nào cũng tăng trưởng 17-18%, nhưng năm nay tăng trưởng tín dụng chỉ ở mức 14%.

Chính việc tăng trưởng của thị trường chứng khoán đã giúp bù đắp vào tăng trưởng GDP. Năm 2018, tăng trưởng vốn của thị trường chứng khoán đáp ứng cho nhu cầu sản xuất là hơn 33%. Đây là điều rất tích cực, bởi lãi suất tín dụng bao giờ cũng cao hơn so với huy động trên thị trường chứng khoán và vốn huy động được lại không lớn và nhanh như thị trường chứng khoán.

Các vấn đề khác như thu chi ngân sách, tỷ giá hối đoái, dự trữ ngoại hối, lạm phát… của Việt Nam vẫn trong đang rất tích cực và trong tầm kiểm soát.

- Ông có thể nhận định tổng quan về nền kinh tế đất nước trong năm 2019?

Chuyên gia Đinh Trọng Thịnh: Năm 2018, mức giảm giá của đồng Việt Nam (VND) là 2,6%, đây là thắng lợi lớn và chính điều này góp phần làm cho các giá cả hàng hóa trên thị trường ổn định, lạm phát giảm thấp. Từ đó góp phần làm cho thu chi ngân sách hiệu quả hơn, đặc biệt là dự trữ ngoại hối đạt gần 64 tỷ USD, bằng khoảng 3,2 tháng nhập khẩu hàng hóa của đất nước.

Con số này cho thấy Việt Nam đủ sức mạnh để tiếp tục điều hành tỷ giá theo hướng đã đưa ra và sẵn sàng can thiệp vào thị trường nếu có biến động không phù hợp. Vì thế, hoàn toàn có thể hy vọng trong năm 2019, GDP của Việt Nam tăng trưởng ở mức 7% hoặc hơn, trong khi mức lạm phát vẫn có thể kiềm giữ dưới 4%.

Cơ hội của Việt Nam là rất lớn nếu vẫn tiếp tục giữ vững được ổn định vĩ mô, tiếp tục điều hành việc đẩy mạnh tái cấu trúc nền kinh tế, phát triển kinh tế tư nhân, đa phương hóa, đa dạng hóa trong hợp tác kinh tế.

Thực tế, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTTP) bắt đầu có hiệu lực và rất có thể trong năm nay chúng ta có thêm hiệp định thương mại với Liên minh châu Âu.

Tuy nhiên, chúng ta cũng không nên hy vọng CPTPP sẽ có tác động quá lớn đến nền kinh tế đất nước trong năm 2019, bởi Việt Nam đã có hiệp định thương mại song phương với nhiều nước là thành viên Hiệp định CPTPP, nên mức thuế đã được hạ thấp, vì vậy mức thuế nếu có hạ thấp hơn nữa cũng sẽ không đáng kể.

Hơn nữa, kinh tế thế giới vẫn còn nhiều vấn đề nếu như Mỹ-Trung căng thẳng. Tất nhiên, trong trường hợp cụ thể chúng ta có những bài toán cụ thể để ứng phó nhưng theo quan điểm của tôi, với tốc độ tăng trưởng thế giới đang chậm lại so với năm 2018, đồng USD đã tăng rất cao nên sẽ chững lại, thậm chí là xuống giá vào khoảng giữa năm 2019.

Bên cạnh đó, giá hàng hóa tăng không cao cho nên sức ép với lạm phát không lớn. Tất nhiên đây chỉ là dự báo, nhưng chúng ta vẫn hoàn toàn có thể đặt niềm tin vào việc kinh tế tăng trưởng cao mà vẫn kiềm giữ được mức lạm phát dưới 4%.

- Xin cảm ơn ông!

Các tin khác