Chào năm mới: Sắc màu hy vọng

Bây giờ không chỉ trong lĩnh vực văn hóa, mỹ thuật mới có sắc màu, mà trong lĩnh vực kinh tế người ta cũng dùng màu sắc. Bank of America nhận định: “Sau nhiều năm với những dự đoán u ám thì năm mới 2014 chúng ta sẽ nhìn thấy một năm sáng sủa, không có những đám mây đen bao phủ cuối chân trời!”.

Tín hiệu năm mới đến sớm không chỉ qua cảm nhận cái se lạnh buổi sáng vào những ngày cuối năm ở vùng đất phương Nam đầy nắng gió này, mà còn từ các dự báo phát ra dồn dập của các tổ chức nghiên cứu kinh tế quốc tế và trong nước nhân dịp tiễn năm cũ, chào đón năm mới 2014.

Bây giờ không chỉ trong lĩnh vực văn hóa, mỹ thuật mới có sắc màu, mà trong lĩnh vực kinh tế người ta cũng dùng màu sắc. Bank of America nhận định: “Sau nhiều năm với những dự đoán u ám thì năm mới 2014 chúng ta sẽ nhìn thấy một năm sáng sủa, không có những đám mây đen bao phủ cuối chân trời!”.

Cơ sở nào để màu đen hoặc màu xám - gam màu chủ đạo của bức tranh kinh tế toàn cầu suốt 3-4 năm qua nay tan biến, chuyển sang màu xanh?

Tại Hoa Kỳ - đầu tàu kinh tế thế giới, các nhà hoạch định chính sách ở FED đã quyết định giảm bớt sự hỗ trợ đối với nền kinh tế. Với sự tăng trưởng mạnh mẽ và đều đặn của GDP, chi tiêu tiêu dùng, thị trường lao động... FED sẽ cắt giảm 10 tỷ USD/tháng bơm vào nền kinh tế kể từ 1-1-2014.

Dự báo năm mới, Hoa Kỳ sẽ đạt tốc độ tăng trưởng vượt bậc, tăng 2,6%; khủng hoảng châu Âu đã đến đáy, sẽ đạt mức tăng trưởng 0,8%. Bên bờ Thái Bình Dương, Nhật Bản đang trở lại đường đua tăng trưởng với những bước tiến ngoạn mục, dự kiến đạt 2% do áp dụng kế sách Abenomics.

Tốc độ đầu tàu Trung Quốc chậm hơn trước đây, đạt khoảng 7%, song vẫn là nền kinh tế tăng trưởng mạnh nhất trong số các nền kinh tế mới nổi. Ông Pinfan Hong, chuyên gia kinh tế toàn cầu của Liên hiệp quốc, nhận định: “Chúng tôi tin rằng một số tiến bộ của các đầu tàu kinh tế đang tạo động lực cho năm tới. Vì thế, chúng tôi cho rằng nền kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng khoảng 3% trong năm 2014”.

Vậy kinh tế Việt Nam mang màu sắc gì? Nhìn lại năm 2013, GDP của Việt Nam đạt 5,42%, tuy thấp hơn mục tiêu Quốc hội thông qua (5,5%), nhưng đã đạt mức tăng cao hơn so với năm 2012 (5,25%). Bên cạnh đó, với sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, kinh tế vĩ mô cơ bản đi vào ổn định, lạm phát thấp hơn chỉ tiêu đề ra, thấp nhất trong vòng 10 năm gần đây (6,04%); thặng dư cán cân thương mại, dự trữ ngoại hối đạt mức cao.

Điều này cho thấy các giải pháp đề ra là đúng đắn khi vẫn ưu tiên hàng đầu cho ổn định kinh tế vĩ mô. Vì nếu không ổn định được vĩ mô, lạm phát sẽ quay trở lại, lãi suất phải điều chỉnh tăng để hút tiền từ khâu lưu thông, doanh nghiệp càng gặp khó khăn hơn, mục tiêu tăng trưởng khó đạt.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch-Đầu tư Bùi Quang Vinh nhận định: “Năm 2013 dù tình hình kinh tế thế giới và trong nước vẫn tiếp tục gặp khó khăn, nhưng kinh tế vĩ mô của Việt Nam vẫn có nhiều điểm sáng: Lạm phát được kiềm chế, chỉ số giá tăng thấp; kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định”.

Từ nền tảng này, Bộ trưởng Vinh cho rằng một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy tăng trưởng năm 2014 là phải tiếp tục vực dậy sản xuất, khai thác tối đa nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách nhà nước vào phát triển lĩnh vực hạ tầng thiết yếu, tập trung tháo gỡ khó khăn cụ thể đối với từng đối tượng doanh nghiệp.

Mục tiêu tổng quát phát triển kinh tế-xã hội năm 2014 được Quốc hội thông qua là: Tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; tăng trưởng hợp lý và nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế trên cơ sở đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế.

Các chỉ tiêu chủ yếu đề ra là: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 5,8%; kim ngạch xuất khẩu tăng 10%; CPI tăng 7%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tăng 30%... Để đạt được các mục tiêu này, Chính phủ đã đề ra 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp phát triển trong năm 2014: Tập trung kiểm soát lạm phát, thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt; tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh; phát triển thị trường, đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa, tăng cường kiểm soát giá cả; rà soát, sửa đổi, bổ sung, triển khai có hiệu quả các chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất...

Giải pháp đã có, vấn đề là khâu thực hiện. Bên cạnh đó phải triển khai có hiệu quả 3 khâu đột phá chiến lược gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng - vấn nạn trì trệ nhiều năm nay.

Trong hội nghị trực tuyến cuối năm giữa Chính phủ với các địa phương, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ thái độ rất quyết liệt: “Trong tái cơ cấu tập đoàn, tổng công ty thì nhân tố quyết định là cán bộ. Bố trí cán bộ không tốt thì không tái được gì hết, trọng tâm là cổ phần hóa. Nếu ông cán bộ lãnh đạo ở đó mà không chịu cổ phần hóa thì thay thế”.

Năm cũ dần khép lại, một năm mới với nhiều sắc màu tươi sáng đang mở ra. Kinh tế Việt Nam đã bắt đáy và có dấu hiệu phục hồi một cách rõ ràng hơn: tháng sau, quý sau tăng trưởng cao hơn tháng trước, quý trước; năm sau đạt cao hơn năm trước.

Trước thềm năm mới, VCCI công bố Báo cáo khảo sát động thái doanh nghiệp, cho biết: 50,7% doanh nghiệp có kế hoạch giữ nguyên quy mô kinh doanh trong năm 2014; 42,5% doanh nghiệp cho biết sẽ mở rộng quy mô kinh doanh; 6,7% có thể giảm quy mô kinh doanh và chỉ có 0,1% cho rằng có thể phải tạm ngừng hoạt động. Có thể dự cảm mùa xuân này màu xanh hy vọng đang lan tỏa.

Các tin khác