Chậm chạp, trì trệ

Tính chung, trong 2 năm 2012 và 2013 có chưa đến 20 doanh nghiệp được CPH. Nếu tính cả giai đoạn 2011-2015 phải CPH gần 600 doanh nghiệp và trung bình khoảng 150 doanh nghiệp/năm, những số liệu về CPH nêu trên không khỏi khiến nhiều người sốt ruột.

Số liệu từ Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp cho biết 5 tháng đầu năm 2013, cả nước sắp xếp được 16 doanh nghiệp (năm 2012 là 22 doanh nghiệp), trong đó cổ phần hóa (CPH) 10 doanh nghiệp.

Tính chung, trong 2 năm 2012 và 2013 có chưa đến 20 doanh nghiệp được CPH. Nếu tính cả giai đoạn 2011-2015 phải CPH gần 600 doanh nghiệp và trung bình khoảng 150 doanh nghiệp/năm, những số liệu về CPH nêu trên không khỏi khiến nhiều người sốt ruột.

Việc chậm trễ CPH doanh nghiệp nhà nước có nhiều nguyên nhân: xác định giá trị quyền sử dụng đất vào giá trị doanh nghiệp CPH còn nhiều vướng mắc, mang tính đặc thù ở từng doanh nghiệp, từng địa phương; sự giảm sút của thị trường chứng khoán, bất động sản; xử lý tài chính, đối chiếu công nợ của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn…

Con số công bố mới đây của Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp Hà Nội đã chỉ ra điều quan ngại nhất trong những khó khăn về sắp xếp, CPH doanh nghiệp là tình hình tài chính của nhiều doanh nghiệp có biểu hiện xấu đi.

Do thiếu vốn để sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp đã phải huy động lượng vốn khá lớn với chi phí lãi vay quá cao, đã khiến hiệu quả kinh doanh thấp. Cụ thể, tổng số nợ phải trả đến 31-12-2012 của doanh nghiệp nhà nước ước 22.126 tỷ đồng, bằng 123% vốn nhà nước tại các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp có số dư nợ quá hạn đến cuối năm 2012 khoảng 4.132 tỷ đồng.

Để thúc đẩy tái cơ cấu lực lượng này, tại Quyết định 929 phê duyệt đề án “Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011-2015”, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu phát triển thị trường tài chính, đặc biệt là thị trường chứng khoán, mua bán nợ để thúc đẩy CPH, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận và huy động vốn phục vụ tái cơ cấu; tổng kết việc xử lý nợ của doanh nghiệp nhà nước, khắc phục nợ dây dưa, chiếm dụng vốn không lành mạnh; đánh giá và có biện pháp phát huy Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp (DATC); khuyến khích các tổ chức kinh tế mua, bán nợ của doanh nghiệp nhà nước.

Tuy nhiên, đến nay sau khoảng 1 năm, hướng dẫn tái cơ cấu doanh nghiệp 100% vốn nhà nước để chuyển thành công ty cổ phần - trong đó đề cập đến vai trò cụ thể của DATC - mới đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến, hướng dẫn thực hiện tái cơ cấu để chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp 100% vốn nhà nước không đủ điều kiện CPH do âm vốn chủ sở hữu nhà nước.

Theo đó, DATC sẽ thực hiện xử lý tài chính cho doanh nghiệp trên cơ sở phương án tái cơ cấu đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, đảm bảo thực hiện theo đúng chế độ quy định về mua, bán, xử lý nợ gắn với tái cơ cấu doanh nghiệp.

Trong đó, tại thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần, sau khi bù trừ các khoản bồi thường (nếu có), doanh nghiệp tái cơ cấu vẫn còn lỗ lũy kế, DATC phối hợp với các chủ nợ tham gia tái cơ cấu xem xét, thực hiện tiếp việc giảm trừ nghĩa vụ trả nợ cho doanh nghiệp tái cơ cấu tối đa bằng số lũy kế.

Trong trường hợp này, DATC thực hiện giảm trừ nghĩa vụ trả nợ từ nguồn chênh lệch còn lại (giữa giá trị sổ sách khoản nợ mua và giá vốn mua nợ), sau khi trừ đi nguồn chênh lệch đã xử lý.

Ngoài ra, DATC và các chủ nợ tham gia tái cơ cấu doanh nghiệp được chuyển nợ thành vốn góp cổ phần theo nguyên tắc: DATC thực hiện chuyển nợ thành vốn góp cổ phần tỷ lệ 1:1 (10.000 đồng nợ bằng 10.000 đồng vốn góp, tương đương 1 cổ phần); các chủ nợ khác thực hiện chuyển nợ thành vốn góp theo tỷ lệ thỏa thuận với cơ quan có thẩm quyền phê duyệt phương án tái cơ cấu và doanh nghiệp tái cơ cấu...

Như vậy, trong quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp 100% vốn nhà nước để chuyển thành công ty cổ phần, vai trò của DATC rất quan trọng. Song để DATC giải quyết nợ xấu có hiệu quả hơn trong thời gian tới, các chuyên gia kinh tế cho rằng cần phải tăng cường năng lực của DATC về con người, cơ chế để có thể huy động nguồn lực từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước cùng tham gia.

Ngoài ra, muốn xử lý nợ xấu doanh nghiệp nhà nước thành công, cần khuyến khích các hoạt động mua bán nợ giữa doanh nghiệp nhà nước, ngân hàng thương mại và DATC; tăng quy mô, nâng cao năng lực về tài chính, quản trị, trách nhiệm và vai trò của DATC.

Theo đó, ban hành các cơ chế liên quan đến hoạt động của DATC theo hướng tạo quyền chủ động cho DATC trong xử lý nợ phù hợp với thông lệ quốc tế; xây dựng cơ chế về việc yêu cầu các ngân hàng thương mại bán các khoản nợ xấu cho DATC, hoặc bàn giao nguyên trạng các doanh nghiệp nhà nước.

Các tin khác