Cân đo lạm phát - tăng trưởng

Hầu hết chuyên gia đều có chung nhận định, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm nay sẽ tăng thấp hơn chỉ tiêu Quốc hội đặt ra (8%). Tuy nhiên, kiềm chế  lạm phát 6 tháng đầu năm vẫn chưa bền vững, do vậy thực thi các chính sách để kiềm chế lạm phát trong những tháng còn lại phải kiên định, song cũng cần sự linh hoạt, hài hòa để ổn định tăng trưởng.

Hầu hết chuyên gia đều có chung nhận định, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm nay sẽ tăng thấp hơn chỉ tiêu Quốc hội đặt ra (8%). Tuy nhiên, kiềm chế  lạm phát 6 tháng đầu năm vẫn chưa bền vững, do vậy thực thi các chính sách để kiềm chế lạm phát trong những tháng còn lại phải kiên định, song cũng cần sự linh hoạt, hài hòa để ổn định tăng trưởng.

Cẩn trọng cung - cầu

6 tháng đầu năm, CPI tăng 2,4% so với tháng 12-2012 và tăng 6,69% so với cùng kỳ. Hầu hết giá cả các nhóm sản phẩm, hàng hóa sử dụng để tính CPI đều ít biến động. Yếu tố lớn nhất tác động làm tăng CPI chính là việc điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế của Nhà nước (giá thuốc và dịch vụ y tế đến tháng 6 tăng gần 14% so với tháng 12-2012 và tăng trên 58% so với cùng kỳ).

Theo chu kỳ các năm, CPI thường tăng cao nhất vào tháng Tết âm lịch (tháng 1, 2) sau đó giảm dần từ tháng 3 đến tháng 8 và bắt đầu tăng cao từ tháng 9 tới cuối năm và đầu năm sau. Do vậy, CPI tăng thấp giai đoạn hiện nay là hợp lý, chứ không thể nói chủ quan là “lạm phát đã được kiềm chế”.

Cân đo lạm phát - tăng trưởng ảnh 2Sức mua của xã hội sẽ có xu hướng tăng lên khi năm học mới bắt đầu, kéo theo những tác động nhất định đến lạm phát. Nếu điều chỉnh giá điện, xăng dầu vào cuối năm sẽ có tác động trực tiếp và lớn đến CPI. Do vậy, các cơ quan quản lý nhà nước cần giám sát thận trọng và công khai chi phí các mặt hàng này, nhất là điện để tránh gây ra tâm lý bất ổn.Cân đo lạm phát - tăng trưởng ảnh 3

PGS.TS Nguyễn Thường Lạng
Đại học Kinh tế quốc dân

Theo phân tích của PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, chỉ số lạm phát tăng thấp 6 tháng qua là tín hiệu vui. Tuy nhiên, với việc lạm phát thấp chủ yếu do kinh tế khó khăn, hàng tồn kho nhiều, sức mua giảm và không đến từ hiệu quả sản xuất kinh doanh được nâng cao (tăng năng suất, giảm chi phí, hạ giá thành sản phẩm), nên chưa thể coi là bền vững.

Ông Long cũng cảnh báo: “Việc kiềm chế lạm phát thành công hơn 1 năm qua, bên cạnh tác động tích cực cũng làm phát sinh các hiệu ứng phụ. Đó là thắt chặt chính sách tiền tệ đã khiến sức mua yếu đi, đầu tư của doanh nghiệp và chi tiêu Chính phủ bị thu hẹp. Quá chú trọng đến mục tiêu kiểm soát lạm phát dẫn đến kinh tế suy giảm và trong tương lai có thể gây mất cân đối cung cầu hàng hóa và tạo lạm phát do thiếu cung. Nền kinh tế mới bước đầu thoát khỏi trì trệ và nhiều khó khăn thách thức chưa vượt qua được, chắc chắn sẽ tiếp tục tác động mạnh đến mặt bằng giá cả 6 tháng cuối năm”.

Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hội siêu thị Hà Nội, cho rằng CPI tăng thấp là do sản xuất ra tiêu thụ chậm hoặc không tiêu thụ được, dẫn đến tồn kho lớn. Tiêu thụ chậm nên doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, người lao động mất công ăn việc làm, sẽ dẫn đến không có khả năng thanh toán.

Đây là tác động kép của sự đình trệ sản xuất và tiêu dùng xã hội mà tổng mức bán lẻ 6 tháng chỉ tăng 4,9%, trong khi cùng kỳ là 6,2%, là một minh chứng. Theo ông Phú, hiện nay có một nghịch lý là đầu vào sản xuất nông ngư nghiệp tăng mạnh (phân bón, con giống, thức ăn gia súc, xăng dầu, chi phí vận chuyển…), tuy nhiên giá bán sản phẩm không tăng do thiếu thông tin, bị ép giá.

Trong khi đó đầu ra của sản phẩm lại bị đội giá lên 20-30%, thậm chí tăng lên gấp 1,5-2 lần khi đến tay người tiêu dùng. Thí dụ rõ nhất là giai đoạn tháng 4 đến tháng 6, giá thịt lợn hơi bán cho thương lái chỉ 30.000-35.000 đồng/kg, nhưng khi ra đến chợ đã lên đến 55.000-60.000 đồng/kg.

Kiên định mục tiêu

Theo các chuyên gia kinh tế, diễn biến giá cả 6 tháng đầu năm cho thấy mục tiêu kiềm chế lạm phát cả năm tăng dưới 8% là hoàn toàn có thể thực hiện được.

Tuy nhiên, để có biện pháp xử lý căn cơ lạm phát, theo ông Nguyễn Tiến Thỏa, Phó Chủ tịch thường trực Hội Thẩm định giá Việt Nam, 6 tháng cuối năm cần tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp lớn như: tăng tổng cầu, giải quyết nợ xấu, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, giảm tồn kho; tăng trưởng tín dụng hợp lý; đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả đầu tư công; thực hiện lộ trình điều chỉnh giá theo cơ chế thị trường đối với những mặt hàng Nhà nước định giá và có cơ chế trợ giúp hợp lý đối với hộ nghèo; chú ý tổ chức lại thị trường nông sản theo chuỗi liên kết giữa sản xuất và tiêu dùng…

Theo TS. Nguyễn Thị Kim Thanh, Viện Chiến lược ngân hàng, do các yếu tố lạm phát tăng thấp 6 tháng chỉ mang tính tạm thời nên cần kiên định mục tiêu kiềm chế lạm phát. Trong đó, chính sách tiền tệ cần tiếp tục điều hành một cách thận trọng, linh hoạt.

Các chính sách tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, khơi thông dòng vốn tín dụng… được kỳ vọng sẽ giúp tổng cầu tăng vào nửa cuối năm 2013. Với các biện pháp trên, tổng cầu kỳ vọng phục hồi mạnh mẽ và tác động mạnh lên lạm phát vào đầu năm 2014.

Để tránh xáo trộn tâm lý người dân, theo bà Đỗ Thị Ngọc, Phó Vụ trưởng Vụ thống kê giá (Tổng cục Thống kê), Chính phủ nên có những cam kết mạnh mẽ trong việc chống lạm phát không chỉ khi lạm phát đang cao, mà phải có những cam kết duy trì lạm phát thấp ngay cả khi lạm phát đang khá thấp và ổn định.

Bởi trạng thái lạm phát thấp thực tế là một cân bằng không bền và rất dễ bị phá vỡ, trong khi tình trạng lạm phát cao luôn có khuynh hướng quay trở lại.

Các tin khác